Chuyện của Vừ A Sử
Giới trẻ - Ngày đăng : 06:45, 13/12/2014
Nối lại các đoạn kể ấy có thể thấy phần nào tấm lòng của A Sử; thầy thuốc của vùng cao Tủa Chùa. Tên đầy đủ của anh là Vừ A Sử (45 tuổi), dân tộc Mông, quê ở xã Trung Thu, huyện Tủa Chùa (Điện Biên), hiện đang là Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Tủa Chùa. A Sử là người con trai thứ 7 trong một gia đình đông con gồm 6 trai, 2 gái.
Vừ A Sử khám bệnh cho người dân tại Trung tâm Y tế huyện Tủa Chùa. |
Lần đầu gặp A Sử tôi bất ngờ bởi nước da trắng hồng rất... Tủa Chùa, nơi anh sinh ra và lớn lên sau là nơi anh gắn bó với nghề, quanh năm mây phủ trắng, khí hậu mát mẻ (cũng bởi tại vậy mà trẻ con ở Tủa Chùa mùa đông hay bị viêm phổi). Nhiệt độ trung bình năm ở đây dao động từ 23 đến 28oC, chênh với Điện Biên khoảng 3 - 4oC. Đặc biệt biên độ giữa ngày và đêm chênh lệch khá lớn, lắm khi xuống còn 8 - 10oC. Mùa đông nhiều khi có tuyết, vì thế mà A Sử có nước da trắng mịn, tôi là phụ nữ cũng phải ước ao.
Anh kể cho tôi về nghề. Có những từ tôi phải hỏi lại mới hiểu anh định nói gì. Song điều đó làm tôi thấy thú vị. Ở anh toát lên sự chân thành, mộc mạc, khảng khái... cá tính đặc trưng của người dân tộc Mông dù anh là mẫu người chừng mực, kiệm lời.
Năm 1994, A Sử học xong trung cấp y xin về Tủa Chùa công tác để phục vụ người dân quê hương. Đến năm 1995, được đơn vị cử đi học đại học y (chuyên ngành đa khoa) 3 năm, đến năm 1997 ra trường, A Sử xin công tác ở Bệnh viện Đa khoa tỉnh vài năm để lấy kinh nghiệm rồi xin đi học tiếp bác sĩ chuyên khoa I.
Khi cảm thấy mình có đủ năng lực để khám chữa bệnh cho người dân, năm 2006 A Sử quay lại Tủa Chùa và được bổ nhiệm làm Giám đốc Trung tâm Y tế huyện cho đến nay. Đúng lúc A Sử trở lại Tủa Chùa thì người dân quê anh phải đương đầu với dịch sởi bùng phát ở tất cả 11 xã trong huyện, hơn 100 ca mắc, vài trường hợp đã tử vong. A Sử như người lên cơn sốt, trong đầu anh luôn nung nấu quyết tâm cao nhất, làm sao giữ được tính mạng cho người dân.
Xuống xe chẳng kịp nghỉ ngơi, A Sử cùng đồng nghiệp bắt tay luôn vào việc thăm khám cho những bệnh nhân vừa được đưa đến và cách ly bệnh nhân ra khỏi vùng có nguy cơ lây lan rộng… Khi ổ dịch tạm thời được khống chế, A Sử cùng một bác sĩ, một dược sĩ đi xuống 11 xã trên địa bàn huyện, vào một số bản để vận động nhân dân tiêm vắc xin sởi, đồng thời tuyên truyền cho người dân cách phòng chống thứ bệnh này và một số bệnh thường gặp khác như thương hàn, tiêu chảy và viêm phổi cấp ở trẻ sơ sinh. A Sử kể: Nhiều lúc nói người dân chưa hiểu, tôi phải gọi cả nhân viên y tế đến vừa nói, vừa làm như đóng kịch, họ mới hiểu ra vì tiếng Mông không có từ chuyên môn. Nhưng khó nhất là việc vận động đồng bào tiêm vắc xin sởi cho trẻ, vì sau khi tiêm trẻ thường sốt 2 - 3 ngày, nên để thuyết phục cho họ hiểu là vô cùng khó. Cũng may A Sử là người địa phương việc thuyết phục phần lớn là dựa vào uy tín nên đã mang lại thành công. Chính nhờ nhiệt huyết với nghề, và lòng tận tụy của A Sử mà dịch sởi ở Tùa Chùa năm đó được dập tắt nhanh chóng.
Rồi A Sử kể cho chúng tôi nghe: Năm 2009, có trường hợp bị viêm ruột thừa được đưa vào trung tâm từ sáng. Chúng tôi xác định đây là ca phải phẫu thuật cấp cứu. Nhưng người nhà bệnh nhân cương quyết không cho mổ, đòi đưa về nhà để cúng ma... Mình đã thuyết phục rất lâu mà người nhà bệnh nhân vẫn không nghe, giải thích mãi họ không hiểu. Cuối cùng mình phải cho người lôi người nhà bệnh nhân đó ra, nhốt vào phòng họp cho kíp mổ tiến hành phẫu thuật. Vì nếu chậm trễ bệnh nhân sẽ không qua khỏi. Sau khi mổ xong, bệnh nhân chưa tỉnh hẳn người nhà bệnh nhân lùng sục tìm mình... Ban đầu cũng thấy e ngại, nhưng sau bệnh nhân tỉnh dần lúc này họ mới hiểu quyết định của mình là đúng đắn, chậm chút nữa là "đi" rồi. Nghĩ lại mình cũng liều và không trách họ, chỉ thấy thương vì họ kém hiểu biết..! Cũng không ít trường hợp làm mình phát bực nhưng nhìn mặt họ lại thấy thương…
Người nhà bệnh nhân Vàng A Lầu, xã Trung Thu, huyện Tủa Chùa, kể: Lúc A Sử đưa người nhà mình đi mổ, quả tim mình như sắp rơi ra... Nhưng thằng này thì nó làm tốt quá rồi... Người Mông mình tin nó..!
Chúng tôi im lặng hồi lâu, như thể để cảm nhận về điều anh vừa kể. Mỗi người dượt đuổi theo một suy nghĩ khác nhau. Rồi A Sử phá tan khoảng lặng ấy, nâng chén trà nhấp từng ngụm nhỏ, A Sử lại kể tiếp: Chị không biết đâu, người dân đi viện không có gì ngoài một cái chăn, sau xe là bó củi, một cái nồi nhôm vừa dùng để nấu cơm, nấu canh, đun nước... Cơm thì chẳng có gì ăn ngoài con cá khô nướng, lắm khi chỉ có tý rau cải nhổ vội ở nương còn nguyên gốc mang xuống viện, để bồi dưỡng bệnh nhân. Có người nghèo quá, người nhà lại phải nằm viện lâu ngày, bệnh nhân phải ăn mèn mén. Cơm không đủ ăn mà phải đi viện thì khổ quá rồi... Cứ nhìn thấy thế là tim mình như có hòn đá nặng đè vào. - A Sử bỏ lửng câu nói lắc đầu...
A Sử sinh ra và lớn lên ở Tủa Chùa, biết được cái khó khăn của người dân quê mình. Để thuận tiện cho người nhà đến chăm sóc bệnh nhân, A Sử đã mạnh dạn đầu tư bộ tăng âm loa đài để hằng ngày nhân viên y tế trung tâm phát thanh 2 lần vào đầu giờ sáng và cuối buổi chiều. Mỗi lần 30 phút bằng ba thứ tiếng Thái, Mông, Kinh để những ai về chăm sóc bệnh nhân biết được cách sử dụng bếp, nơi để xoong nồi; chế độ ăn kiêng cho một số bệnh nhân tiểu đường, bệnh nhân sau sinh, sau mổ. Đặc biệt, với hủ tục lạc hậu của người Mông sau khi trẻ chào đời 1 giờ là mang tắm nước lạnh... rất nguy hại đến sức khỏe của trẻ sơ sinh, chính lẽ đó mà tỷ lệ tử vong ở trẻ em người dân tộc Mông luôn rất cao. Nhờ cách làm của A Sử mà nhiều bệnh nhân được chăm sóc đúng cách, trẻ sơ sinh tại viện không bị viêm phổi cấp, thế là nếp nghĩ của người dân dần dần thay đổi.
A Sử không chỉ tận tụy với nghề mà còn là một người biết cách tổ chức quản lý, giúp đỡ đồng nghiệp. Tại Trung tâm Y tế Tủa Chùa mỗi năm A Sử cử từ 3 đến 4 cán bộ đi học các lớp đại học chuyên khoa để nâng cao tay nghề phục vụ nhân dân. Và mỗi lần cán bộ y, bác sĩ đi học, phần việc của anh em, A Sử động viên mọi người cùng cố gắng giúp đỡ làm thay. Đến nay, trung tâm đã có đội ngũ y, bác sĩ tận tình công việc, tay nghề từng bước được nâng lên. Trung tâm Y tế Tủa Chùa đề ra mục tiêu rất rõ ràng: "Không để bệnh nhân thất vọng khi tìm đến trung tâm". Tuy nhiên, phương châm đó không dễ thực hiện được.
Đánh giá về Vừ A Sử, Giám đốc Sở Y tế tỉnh Điện Biên, Triệu Đình Thành khẳng định: A Sử là người thông minh, có chuyên môn, tận tụy với nghề. Đặc biệt anh rất cần cù chịu khó, ngần ấy năm một mình công tác trên Tủa Chùa, vợ con ở Điện Biên cách xa hơn 100 cây số, nhưng chưa khi nào A Sử than phiền hay có ý xin luân chuyển. Chúng tôi đánh giá rất cao về ý thức trách nhiệm và thái độ phục vụ nhân dân của A Sử. Chính điều đó làm chúng tôi càng thêm tin tưởng và quý trọng A Sử rất nhiều.
Giờ tôi mới té ngửa, hóa ra A Sử một mình "cơm niêu nước lọ" gần chục năm qua. Nghe đâu, mỗi tháng A Sử ghé thăm nhà một vài lần, cũng có tháng không về lần nào. Có lẽ chỉ có tình yêu và niềm đam mê nghề nghiệp mới khiến con người ta vượt lên tất cả...