Thu hút vốn đầu tư phát triển hạ tầng giao thông: Quá nhiều vướng mắc
Kinh tế - Ngày đăng : 06:20, 13/12/2014
Nhu cầu vốn rất lớn
Theo ông Nguyễn Danh Huy, Vụ trưởng - Trưởng ban Quản lý các dự án đối tác công tư (Bộ GTVT), tính riêng năm 2014, ngành GTVT đã huy động được gần 43.000 tỷ đồng vốn tư nhân tham gia đầu tư các dự án giao thông. Thống kê cho thấy, tham gia chủ trương xã hội hóa đầu tư HTGT mạnh mẽ nhất chính là các ngân hàng thương mại. Chỉ tính riêng 63 dự án BOT, BT, PPP do Bộ GTVT quản lý, các ngân hàng thương mại tham gia tài trợ tới 135.000 tỷ đồng (chiếm trên 89% tổng mức đầu tư). Đây là số vốn tín dụng ngân hàng lớn nhất từ trước đến nay tài trợ cho các dự án HTGT.
Xã hội hóa đầu tư phát triển giao thông là chủ trương đúng song còn vướng nhiều nút thắt về cơ chế.Ảnh: Huy Hùng |
Để đáp ứng nhu cầu vốn đầu tư cho các dự án, trong năm 2015, dự kiến sẽ huy động tiếp từ các ngân hàng khoảng 63.000 tỷ đồng và ước tính, nhu cầu vốn đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ đến năm 2020 bình quân khoảng 202.000 tỷ đồng/năm. Trong đó, một số dự án giao thông quan trọng, cấp bách như quốc lộ 1 cần bình quân 22.000 tỷ đồng/năm; đường Hồ Chí Minh bình quân 27.000 tỷ đồng/năm... Hiện, một số ngân hàng như BIDV, VietinBank, SHB... đã triển khai, đưa ra các chương trình tín dụng cho vay ưu đãi đối với các dự án HTGT, như: BIDV đã ký kết chương trình thỏa thuận hợp tác giữa BIDV và Bộ GTVT với giá trị cam kết tài trợ các dự án quốc lộ 1A, đường Hồ Chí Minh khu vực qua Tây Nguyên là 30.000 tỷ đồng với 19 dự án BOT; VietinBank cam kết tài trợ cho một số dự án lớn như dự án đầu tư nâng cấp tuyến đường Pháp Vân - Cầu Giẽ là hơn 5.900 tỷ đồng, dự án hầm đường bộ qua Đèo Cả là hơn 5.400 tỷ đồng, dự án mở rộng quốc lộ 1 đoạn qua Ninh Thuận 1.700 tỷ đồng...
Tuy nhiên, ông Nguyễn Danh Huy cũng nhận định, việc huy động vốn đầu tư vào ngành giao thông vẫn còn gặp nhiều khó khăn. Thứ nhất, vốn xã hội hóa tham gia đầu tư chủ yếu tập trung ở lĩnh vực đường bộ, các lĩnh vực khác chưa có hoặc hạn chế. Thứ hai, tham gia các dự án giao thông chủ yếu là các nhà đầu tư trong nước có năng lực tài chính chưa mạnh, vay vốn chủ yếu trong nước nên có chỉ số tín nhiệm thấp. Bên cạnh đó, họ cũng ít có kinh nghiệm đầu tư, quản lý, khai thác và chưa am hiểu về đầu tư PPP, chưa đánh giá được rủi ro nên triển khai còn vướng mắc. Một hạn chế nữa là hành lang pháp lý của chúng ta hiện chưa theo kịp thông lệ quốc tế…
Hoàn thiện cơ sở pháp lý
Bà Nguyễn Thị Thúy Hạnh, Phó Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế (Ngân hàng Nhà nước) cho rằng: Vốn huy động của các ngân hàng chủ yếu là ngắn hạn nhưng nhu cầu vay vốn thực hiện các dự án HTGT thường rất dài (khoảng 20-25 năm). Trong khi đó, năng lực tài chính của nhiều nhà đầu tư yếu kém, không đủ vốn chủ sở hữu tham gia dự án theo đúng cam kết, dẫn đến phải dừng thực hiện dự án. Bên cạnh đó, nhiều dự án bị chậm tiến độ do năng lực thi công của nhà thầu không đáp ứng yêu cầu, tiến độ giải phóng mặt bằng chậm. Nhiều dự án bị tăng tổng mức đầu tư, ảnh hưởng đến hiệu quả dự án, khả năng trả nợ vay ngân hàng cũng như rất khó khăn trong việc tìm nguồn vốn bổ sung để tiếp tục thực hiện dự án. Để đẩy mạnh thu hút vốn đầu tư vào HTGT, Ngân hàng Nhà nước kiến nghị cần hoàn thiện cơ sở pháp lý trong lĩnh vực đầu tư theo hình thức đối tác công tư; có chính sách đồng bộ trong việc ưu đãi, khuyến khích xã hội hóa đầu tư HTGT; Bộ GTVT tiếp tục chỉ đạo quyết liệt, sát sao về tiến độ, chất lượng công trình... để ngân hàng yên tâm cho vay đối với các dự án giao thông. Đồng thời, có cơ chế hỗ trợ chủ đầu tư về các rủi ro phát sinh như cơ chế kéo dài thời gian hoàn vốn, cơ chế thu phí... do tăng tổng mức đầu tư, chậm giải phóng mặt bằng, giúp các ngân hàng kiểm soát rủi ro khi cho vay đối với các dự án. Bộ GTVT cần công khai thông tin về các dự án kêu gọi vốn đầu tư, tình hình triển khai thực hiện, nhu cầu vốn đầu tư... Việc lựa chọn chủ đầu tư phải được đánh giá kỹ lưỡng, chỉ giao các dự án cho các chủ đầu tư thực sự có năng lực tài chính và chuyên môn.
Ông Lê Tuấn Anh, Phó Vụ trưởng Vụ Đầu tư (Bộ Tài chính) nhấn mạnh, các nhà đầu tư tư nhân luôn hướng tới lợi nhuận thu được khi tham gia dự án. Nguyên tắc này một khi chưa được thỏa mãn thì tất yếu dòng vốn sẽ không chảy tới nơi dù được khuyến khích. Để thu hút được các nhà đầu tư tư nhân vào các dự án ngành giao thông thì phải cân bằng được lợi ích giữa các dự án này với các dự án đầu tư thông thường khác.