Chủ động đầu tư, thích ứng với thị trường

Công nghệ - Ngày đăng : 06:44, 12/12/2014

(HNM) - Trong điều kiện kinh tế khó khăn, nhiều doanh nghiệp buộc phải rời khỏi thị trường nhưng vẫn có những doanh nghiệp tìm được lối đi cho riêng mình, khẳng định sức sống nhờ biết cách đầu tư cho KH&CN.


Số này không chỉ là cầu nối đưa các nghiên cứu, ứng dụng, chuyển giao KH&CN vào sản xuất, mà còn đóng vai trò như một lực lượng sản xuất chủ lực, tạo ra những sản phẩm có giá trị gia tăng cao. Xung quanh vấn đề này, chúng tôi đã có cuộc trao đổi với ông Phạm Hồng Quất - Cục trưởng Cục Phát triển thị trường và doanh nghiệp KH&CN (Bộ KH&CN).

Sản xuất tại Công ty TNHH một thành viên Yến sào Khánh Hòa. Ảnh: Hà Nhân


- Thưa ông, tính tới tháng 11-2014, có 132 doanh nghiệp đã được cấp giấy chứng nhận Doanh nghiệp KH&CN. Ông có thể cho biết rõ hơn về thực trạng phát triển của các doanh nghiệp KH&CN này.

- Với các doanh nghiệp KH&CN, việc quan tâm tới công tác nghiên cứu, phát triển KH&CN là điều cần thiết. Để làm được điều này, phần lớn các doanh nghiệp đã chú trọng xây dựng cơ sở vật chất, đào tạo nhân lực và có bộ phận nghiên cứu riêng nhằm phục vụ công tác nghiên cứu, phát triển công nghệ ứng dụng vào sản xuất kinh doanh. Có thể kể đến một số doanh nghiệp KH&CN điển hình có hoạt động nghiên cứu phát triển như: Công ty cổ phần (CP) Giống cây trồng trung ương, Công ty CP Giống cây trồng miền Nam, Công ty CP Tư vấn xây dựng ACH, Công ty TNHH Thiên Dược, Công ty TNHH một thành viên Thương mại - sản xuất - xuất nhập khẩu Ngân Hà… Trong số đó, nhiều doanh nghiệp có doanh thu và lợi nhuận lớn…

Theo báo cáo của 63 Sở KH&CN, từ đầu năm đến nay chưa có doanh nghiệp KH&CN nào giải thể. Các đơn vị này đứng vững một phần là do hoạt động sản xuất kinh doanh có ứng dụng tiến bộ KH&CN, doanh nghiệp chủ động thích ứng với biến động thị trường thông qua việc cải tiến, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm. Trong bối cảnh kinh tế thế giới nói chung và kinh tế Việt Nam nói riêng gặp nhiều khó khăn, việc chủ động ứng dụng khoa học và công nghệ vào sản xuất kinh doanh là giải pháp cơ bản giúp doanh nghiệp KH&CN phát triển bền vững.

- Tuy nhiên, tốc độ đổi mới công nghệ trong các doanh nghiệp hiện được đánh giá là rất chậm. Theo ông, đâu là nguyên nhân của tình trạng này?

- Hiện nay, khó khăn lớn nhất của phần lớn doanh nghiệp là vốn. Hầu hết doanh nghiệp phải huy động vốn bên ngoài với lãi suất cao, nên khó có điều kiện để thực hiện hoạt động nghiên cứu, phát triển hoặc nhận chuyển giao công nghệ tiên tiến từ nước ngoài. Đội ngũ cán bộ nghiên cứu có năng lực và tâm huyết còn thiếu trong khi nhận thức của người lãnh đạo doanh nghiệp về đổi mới công nghệ còn có sự hạn chế. Bên cạnh đó, sự hỗ trợ của Nhà nước nhiều khi còn chưa đồng bộ và thiếu hiệu quả, chưa mang tính hệ thống và toàn diện.

Tính đến tháng 11-2014, có 132 doanh nghiệp đã được cấp giấy chứng nhận doanh nghiệp KH&CN và khoảng 20-30 hồ sơ đang chờ thẩm định. Việc phát triển doanh nghiệp KH&CN tập trung chủ yếu tại hai thành phố lớn là Hà Nội (17 doanh nghiệp) và TP Hồ Chí Minh (17 doanh nghiệp).

- Có ý kiến cho rằng nhiều doanh nghiệp nhỏ và vừa hiện nay không có khả năng đầu tư cho KH&CN, ý kiến của ông về vấn đề này như thế nào?

- Trong những năm gần đây, Nhà nước có nhiều chính sách hỗ trợ phát triển KH&CN, nhưng vẫn chưa có chính sách dành riêng cho loại hình doanh nghiệp nhỏ và vừa.

Bên cạnh đó, quy định về trích lập Quỹ phát triển KH&CN của doanh nghiệp không có hiệu quả đối với loại hình doanh nghiệp này do doanh thu của doanh nghiệp không cao. Tuy nhiên, không phải các doanh nghiệp đó không có khả năng đầu tư KH&CN. Bởi, nếu biết xây dựng chiến lược kinh doanh hợp lý, thu hút được nguồn nhân lực có trình độ, tận dụng được các nguồn lực hiện có và tiếp cận các chương trình hỗ trợ ưu đãi của Nhà nước thì doanh nghiệp nhỏ và vừa vẫn hoàn toàn có thể thực hiện hoạt động đầu tư cho KH&CN để nâng cao năng lực cạnh tranh. Trong vấn đề này, tầm nhìn của người lãnh đạo doanh nghiệp và vấn đề xây dựng một chiến lược sản xuất, kinh doanh phù hợp có vai trò quan trọng.

- Trong thời gian tới, theo ông, cần những giải pháp gì để tháo gỡ khó khăn nói trên để doanh nghiệp KH&CN phát triển?

- Theo tôi, giải pháp quan trọng nhất là xây dựng môi trường pháp lý kinh doanh hoàn thiện, thống nhất, đồng bộ, bảo đảm sự cạnh tranh công bằng giữa các doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế để việc tăng cường đổi mới công nghệ trở thành yếu tố quan trọng quyết định sức cạnh tranh của doanh nghiệp.

Với khó khăn về nguồn vốn đầu tư như đã đề cập, doanh nghiệp cần được tăng cường hỗ trợ thông qua nhiều hình thức, như xây dựng mô hình Quỹ đầu tư mạo hiểm ở Việt Nam, phát triển mô hình Quỹ phát triển KH&CN của các bộ, ngành, địa phương. Bên cạnh đó, cần có sự phối hợp hiệu quả giữa các bộ, ngành, cơ quan quản lý nhằm hỗ trợ doanh nghiệp giải quyết các khó khăn liên quan tới thực thi chính sách pháp luật về phát triển doanh nghiệp KH&CN. Tất nhiên, không thể thiếu việc tăng cường phổ biến thông tin về các chính sách khuyến khích, hỗ trợ doanh nghiệp thực hiện các hoạt động nghiên cứu,
đổi mới công nghệ, phát triển sản phẩm mới.

- Xin cảm ơn ông!

Ánh Tuyết