Củng cố quan hệ đối tác toàn diện
Kinh tế - Ngày đăng : 06:28, 12/12/2014
Xuất khẩu thủy sản của Việt Nam sang Hàn Quốc sẽ tăng sau khi VKFTA được ký kết vào đầu năm 2015. |
Bộ trưởng Công thương Việt Nam Vũ Huy Hoàng và Bộ trưởng Thương mại Công nghiệp và Năng lượng Hàn Quốc Yoon Sang-jick đã ký kết bản thỏa thuận kết thúc đàm phán Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Hàn Quốc (VKFTA). Đây là hoạt động nổi bật trong khuôn khổ chuyến thăm, làm việc tại Hàn Quốc và dự Hội nghị Cấp cao đặc biệt kỷ niệm 25 năm Quan hệ đối thoại ASEAN - Hàn Quốc của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng. Điểm quan trọng nhất trong VKFTA được nhiều chuyên gia kinh tế nhận định là cơ cấu hàng hóa xuất - nhập khẩu của hai nước có tính bổ sung cho nhau chứ không cạnh tranh trực tiếp. Đây được xem là thuận lợi lớn để hai nước hoàn tất các thủ tục cần thiết trước khi ký VKFTA dự kiến vào đầu năm 2015.
Được chính thức khởi động tại Hà Nội từ tháng 8-2012, sau 8 phiên đàm phán chính thức và 8 phiên họp giữa kỳ, họp cấp trưởng đoàn đàm phán, Việt Nam và Hàn Quốc đã cơ bản thống nhất nội dung VKFTA với phạm vi toàn diện cũng như mức độ cam kết cao và bảo đảm cân bằng lợi ích. Hiệp định bao gồm các nhóm nội dung chính về thương mại hàng hóa - cam kết cắt giảm thuế quan, thương mại dịch vụ, bao gồm các phụ lục về viễn thông, tài chính..., đầu tư, sở hữu trí tuệ; các biện pháp vệ sinh an toàn thực phẩm và kiểm dịch động thực vật; quy tắc xuất xứ, thuận lợi hóa hải quan, phòng vệ thương mại, hàng rào kỹ thuật trong thương mại, thương mại điện tử…
Theo đó, phía Hàn Quốc dành cho Việt Nam ưu đãi cắt, giảm thuế quan, tạo cơ hội xuất khẩu mới quan trọng đối với các nhóm hàng nông sản, thủy sản chủ lực như tôm, cá, hoa quả nhiệt đới và hàng công nghiệp như dệt, may, sản phẩm cơ khí. Bên cạnh đó, Hàn Quốc cũng cam kết dành thêm cơ hội thị trường cho các lĩnh vực dịch vụ, đầu tư của Việt Nam, nhất trí tăng cường hợp tác kinh tế, dành hỗ trợ kỹ thuật toàn diện trong nhiều lĩnh vực. Điều đáng nói, đây là lần đầu tiên Hàn Quốc mở cửa thị trường cho những sản phẩm "nhạy cảm" cao như tỏi, gừng, mật ong, tôm… với mong muốn tạo cơ hội cạnh tranh đáng kể cho hàng hóa Việt Nam so với các đối thủ cạnh tranh khác trong khu vực. Ngược lại, Việt Nam dành ưu đãi cho Hàn Quốc đối với các nhóm hàng công nghiệp như nguyên phụ liệu dệt, may, nguyên liệu nhựa, linh kiện điện tử, xe tải và xe con từ 2500cc trở lên, phụ tùng ô tô, điện gia dụng, sản phẩm sắt thép, dây cáp điện.
Bên cạnh các lợi ích xuất khẩu quan trọng, VKFTA dự kiến sẽ tạo điều kiện nâng cao hiệu quả nhập khẩu, nhất là các nhóm hàng nguyên, phụ liệu phục vụ các ngành sản xuất, xuất khẩu chủ lực như dệt may, giày, dép, điện tử, giảm phụ thuộc vào nhập khẩu từ các nguồn khác. Điều quan trọng hơn là các cam kết này đều được hai bên thống nhất nhằm bảo đảm cân bằng lợi ích, phù hợp với quy định pháp luật của mỗi nước và không ảnh hưởng đến các cuộc đàm phán khác của Việt Nam hiện nay.
Việc kết thúc đàm phán VKFTA được lãnh đạo hai nước cũng như giới doanh nghiệp đặc biệt đánh giá cao. Hiệp định không chỉ có ý nghĩa tăng cường hợp tác thương mại song phương nhằm hướng tới mục tiêu kim ngạch 70 tỷ USD vào năm 2020, mà còn góp phần thúc đẩy toàn diện quan hệ Đối tác hợp tác chiến lược Việt Nam - Hàn Quốc lên tầm cao mới. Nhận định này có cơ sở khi hợp tác kinh tế Việt Nam và Hàn Quốc đang phát triển nhanh. Hàn Quốc hiện là nhà đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) lớn nhất tại Việt Nam, với hơn 4.000 dự án và tổng số vốn đầu tư đã đăng ký đạt gần 37 tỷ USD. Hàn Quốc còn là đối tác cung cấp ODA song phương lớn thứ hai của Việt Nam với cam kết 1,2 tỷ USD cho giai đoạn 2012-2015; đối tác thương mại lớn thứ ba của Việt Nam với kim ngạch song phương năm 2013 đạt 27,5 tỷ USD. Hàn Quốc còn là quốc gia đứng thứ hai về lượng khách du lịch đến Việt Nam và năm 2014 dự kiến đạt khoảng 800.000 lượt khách.
Với việc hoàn tất đàm phán VKFTA, Việt Nam đã ký kết 8 FTA khác, trong đó có 2 FTA song phương với Nhật Bản và Chile. Các FTA, đặc biệt là Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) đang đẩy mạnh đàm phán sẽ là giải pháp quan trọng để Việt Nam mở rộng, đa dạng hóa thị trường xuất nhập khẩu. Đồng thời, đây cũng là bước đi hiệu quả để Việt Nam thâm nhập sâu rộng hơn vào chuỗi liên kết kinh tế toàn cầu, xây dựng mối quan hệ đối tác chặt chẽ và cùng có lợi với các quốc gia trong khu vực và trên thế giới.