Dù có tiến bộ, các nhà máy may vẫn cần cải thiện công tác an toàn cháy nổ

Đời sống - Ngày đăng : 15:32, 11/12/2014

(HNMO) - Các nhà máy may mặc lớn ở khu vực miền Nam đã ghi nhận những bước tiến về công tác an toàn cháy nổ trong bốn năm qua nhưng nhìn chung, việc không tuân thủ các tiêu chuẩn quốc gia và quốc tế trong lĩnh vực này vẫn phổ biến ở mức cao, báo cáo mới nhất của Better Work Việt Nam cho thấy.


Là một chương trình hợp tác giữa Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) và Tổ chức Tài chính Quốc tế (IFC), Better Work Việt Nam hướng tới việc cải thiện điều kiện làm việc và thúc đẩy năng lực cạnh tranh trong ngành công nghiệp may mặc và da giày của Việt Nam thông qua các dịch vụ đánh giá, tư vấn và đào tạo kết hợp.

"An toàn cháy nổ là một vấn đề quan trọng đối với nhiều nhà máy ở Việt Nam trong những năm gần đây. Cháy nổ có thể gây thiệt hại lớn cho doanh nghiệp, cũng như mạng sống con người. Đó là lý do tại sao chúng tôi cam kết làm việc với doanh nghiệp để cải thiện lĩnh vực này," bà Nguyễn Hồng Hà, Giám đốc Chương trình Better Work Việt Nam cho biết.

Báo cáo chuyên đề hàng năm lần này tổng hợp tình hình của 60 nhà máy đã trải qua bốn kỳ đánh giá năm. Báo cáo cho thấy sự tiến bộ đáng kể trong việc lưu trữ các chất hóa học độc hại. Tỷ lệ không tuân thủ các tiểu chuẩn an toàn ở khu vực này đã giảm gần hai phần ba kể từ lần đánh giá đầu tiên trong năm 2011 cho tới lần đánh giá thứ tư trong năm 2014.

Tuy nhiên, báo cáo cho thấy một nửa số nhà máy được đánh giá vẫn chưa đảm bảo được các lối thoát hiểm không bị che chắn. Qua quan sát cho thấy các lối thoát hiểm này thường bị chặn hoặc khóa trong giờ làm việc. Tình hình hầu như không được cải thiện kể từ lần đánh giá thứ hai năm 2012 và còn bị kém đi so với lần đánh giá đầu tiên trong năm 2011.

Theo đánh giá của Better Work, những vấn đề này bắt nguồn từ việc hàng hóa được sắp xếp lộn xộn trên khu vực sàn nhà máy, do đó chặn đường thoát hiểm, đặc biệt là trong thời gian nhà máy có nhiều đơn hàng.
“Khả năng tiếp cận các lối thoát hiểm đóng vai trò quan trọng để đảm bảo an toàn cháy nổ. Một khi đã phát hiện ra, giải quyết vấn đề này tương đối đơn giản, thế nhưng nhiều nhà máy vẫn chưa có được biện pháp nhất quán để ngăn chặn hiện tượng này tái diễn," Giám đốc Better Work Việt Nam cho biết.

Trong các lần giám sát trong hai năm gần đây, hơn một phần ba các nhà máy vẫn chưa đánh dấu rõ ràng vị trí của cửa thoát hiểm và đường thoát hiểm, hơn 30% không bảo dưỡng hệ thống dây điện, và hơn một phần tư còn chưa có đầy đủ thiết bị chữa cháy.

Ngoài ra, các nhà máy vẫn chưa tuân thủ các tiêu chuẩn liên quan đến hệ thống báo cháy, tập huấn phòng cháy chữa cháy cho công nhân và kiểm tra, bảo dưỡng máy móc, thiết bị, các tòa nhà và kho hàng.

Bà Hà nhận định: "Mặc dù ở một số lĩnh vực đã có tiến bộ, rõ ràng các nhà máy vẫn cần nỗ lực hơn nữa, chủ động xác định những nguy hiểm tiềm tàng và áp dụng các biện pháp phòng ngừa cháy nổ".

"Để có được sự phát triển bền vững và tăng cường khả năng cạnh tranh của ngành dệt may Việt Nam, điều quan trọng là phải đảm rằng ngành công nghiệp chủ chốt này là một nơi an toàn cho người lao động và là một ngành có rủi ro thấp đối với các nhà đầu tư quốc tế. Điều này đòi hỏi những nỗ lực không ngừng từ Chính phủ, người sử dụng lao động và công đoàn".

Better Work kêu gọi Chính phủ đề cao vấn đề an toàn cháy nổ khi cấp giấy phép xây dựng. Bên cạnh đó, cũng cần tăng cường hướng dẫn, kiểm tra và thi hành pháp luật về an toàn cháy nổ, theo đó yêu cầu tất cả các nhà máy phải tham gia tập huấn về an toàn cháy nổ, có lối thoát hiểm phù hợp và thiết bị chữa cháy tự động như vòi phun nước ở các khu vực nhất định.

Trong khi đó, công đoàn nên đóng vai trò chủ động trong chiến lược phòng chống cháy nổ tại các doanh nghiệp và là một kênh hữu hiệu để người lao động bày tỏ các mối quan tâm và chuyển thông tin liên quan đến nguy cơ cháy nổ tới quản lý nhà máy.

Better Work cũng đề nghị tổ chức của người sử dụng lao động và hiệp hội ngành tăng cường nỗ lực để nâng cao nhận thức về an toàn cháy nổ cho các thành viên, và để khuyến khích các nhà máy đầu tư thích hợp vào công tác tập huấn cho người cho người lao động, cũng như mua sắm thiết bị và công tác bảo trì để tránh hỏa hoạn.

Được tài trợ bởi Chính phủ Úc, Canada, Hà Lan và Thụy Sĩ, Better Work Việt Nam hiện nay bao phủ hơn 300 nhà máy ở cả phía bắc và phía nam với gần 300.000 lao động. Hầu hết trong số đó là các doanh nghiệp trong ngành công nghiệp may mặc, bao gồm các nhà máy xuất khẩu hàng may mặc lớn nhất tại Việt Nam. Hiện hơn 50 khách hàng toàn cầu đăng ký tham gia chương trình này.

H.Đ