Cuộc chiến chưa kết thúc
Thế giới - Ngày đăng : 06:39, 11/12/2014
Nhiệm vụ hiện nay của lực lượng Mỹ và NATO là chuyển sang vai trò huấn luyện và hỗ trợ lực lượng an ninh Afghanistan, vốn đã lãnh đạo cuộc chiến chống Taliban từ giữa năm 2013. Theo đó, kể từ ngày 1-1-2015, liên quân sẽ duy trì 13.000 binh sĩ ở Afghanistan, giảm từ mức đỉnh điểm 140.000 binh sĩ trong năm 2011.
Trong vô vàn bất ổn tại quốc gia Nam Á thì một trong những thành công mà phương Tây, cụ thể là NATO đạt được ở Afghanistan trong những năm qua là góp phần xây dựng nên một chính phủ đoàn kết dân tộc dưới sự điều hành của tân Tổng thống Ashraf Ghani. Về nguyên tắc, điều đó đã chấm dứt một giai đoạn tranh đấu chính trị quyết liệt khiến nước này rơi vào thảm cảnh nội chiến. Tuy nhiên, đối với NATO, chiến dịch can thiệp ở Afghanistan thực sự là một cuộc chiến hao người tốn của. Từ năm 2001 đến nay, đã có 2.120 lính Mỹ và 453 lính Anh thiệt mạng trong các cuộc giao tranh với phiến quân Taliban. Mặt khác, theo một số báo cáo, cuộc chiến Afghanistan đã tiêu tốn của Mỹ hơn 630 tỷ USD. Trong đó, chỉ riêng chi phí huấn luyện quân đội Afghanistan, theo The New York Times, đã "ngốn" tới 55 tỷ USD ngân sách của Lầu Năm Góc. Dù phải bỏ ra khoản chiến phí khổng lồ nhưng một cuộc khảo sát tại Mỹ gần đây cho thấy, chỉ có 28% số người tham gia cho rằng việc can thiệp vào Afghanistan khiến nước Mỹ trở nên an toàn hơn.
Tuy nhiên, vấn đề được quan tâm hiện nay là Afghanistan sẽ ra sao sau cuộc "rút lui" của lực lượng Mỹ và NATO. Dù lực lượng quốc tế đã trao toàn bộ trọng trách bảo vệ đất nước cho chính người Afghanistan nhưng nhiều ý kiến lo ngại lực lượng an ninh tại quốc gia Nam Á này vẫn quá mỏng và quá yếu để chống lại những tay súng Taliban thiện chiến và nhiều kinh nghiệm trên chiến trường. Mặc dù đã được NATO, chủ yếu là Mỹ, ra sức huấn luyện cũng như trang bị kỹ thuật và vũ khí, nhưng rõ ràng quân đội Afghanistan (hiện có khoảng 350.000 người), chưa đủ sức chống trả lại nhóm Hồi giáo cực đoan và các lực lượng phiến quân nổi dậy khác. Trong khi đó, lợi dụng "khoảng trống an ninh" có thể xuất hiện sau khi Mỹ và đồng minh NATO rút quân chiến đấu về nước, Taliban đã mở nhiều cuộc tấn công khủng bố với tính chất và mức độ ngày càng nguy hiểm hơn. Những vụ đánh bom liều chết và tấn công vào các mục tiêu quân sự lẫn dân sự đang tăng lên, bình quân mỗi ngày có hơn 50 vụ. Bên cạnh đó, mạng lưới khủng bố Al-Qaeda và tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng ở Trung Đông cũng đang nuôi mộng vươn tầm hoạt động đến Afghanistan. Một khi không còn sự hiện diện của quân đội phương Tây, rất có thể những nhóm cực đoan này sẽ trỗi dậy như nấm sau mưa. Đến khi đó, theo chuyên gia tình báo Mỹ Wayne Simmons, "mọi công sức và xương máu của chúng ta sẽ đổ ra sông ra biển".
Viễn cảnh về Afghanistan vẫn bừa bộn và không chắc chắn. Trong bối cảnh này, tránh lặp lại sai lầm tại Iraq khi Mỹ rút hết quân về nước, ở Afghanistan, Mỹ và NATO đã đạt được thỏa thuận hợp tác an ninh song phương (BSA) với Chính phủ của Tổng thống A.Ghani. Theo văn bản đó, lực lượng NATO với 12.000 quân (trong đó có khoảng 10.000 lính Mỹ) sẽ tiếp tục ở lại một thời gian nữa, chủ yếu để tiếp tục huấn luyện và yểm trợ cho các lực lượng sở tại khi cần thiết. Nhưng nhiệm vụ đào tạo của NATO sẽ kéo dài bao lâu còn tùy thuộc vào khả năng của các lực lượng an ninh Afghanistan. Thế nên, theo tướng Mỹ Daniel Woo, Kabul cần phải nỗ lực cải cách chính trị, củng cố an ninh và phát triển kinh tế để có thể "tự mình duy trì sự ổn định của đất nước". Và dù NATO và Mỹ có chính thức chấm dứt sứ mệnh của mình tại Afghanistan thì thực tế là quốc gia Nam Á vẫn phải đối mặt với cuộc chiến chống Taliban dai dẳng, khó khăn và có thể kéo dài nhiều năm nữa.