Sống trên miệng “hà bá”

Giới trẻ - Ngày đăng : 06:35, 11/12/2014

(HNM) - Dù đang là mùa khô nhưng hàng trăm hộ dân sống ven sông Bùi, ở xã Quảng Bị, huyện Chương Mỹ vẫn


"Hà bá" rình rập

Một đêm khoảng nửa cuối năm 2008, bà Nguyễn Thị Chải và anh con trai đang ở trong ngôi nhà mới xây thì nghe thấy tiếng kêu răng rắc, liền sau đó xuất hiện những vết nứt kéo dài trên khắp các bức tường và nước cứ thế tràn ào ạt vào nhà. "Thấy vậy, mẹ con tôi hô hoán anh em làng xóm đến trợ giúp, nhanh chóng chuyển được một số đồ đạc giá trị đến nơi an toàn. Ngày hôm sau, căn nhà đổ sập hoàn toàn, chỉ dọn dẹp và lấy lại được ít gạch lục" - bà Chải nhớ lại.

Căn nhà của bà Nguyễn Thị Chải bị sạt lở xuống sông Bùi, hiện chỉ còn trơ một số đoạn tường.


Bây giờ, đứng trên nền nhà đã bị dòng sông "nuốt" quá nửa, vẫn thấy những viên gạch hoa tráng men bám trên nền nhà, tấm lợp pro xi măng vỡ vụn, những thanh gỗ mục nát, những mảng tường sạt lở nham nhở... nằm ngổn ngang giữa um tùm cây dại. Ở góc phía trong khu đất là đống gạch được thu lại sau khi căn nhà bị sập, đã phủ rêu phong đen sì. Bà Chải nói giọng buồn rầu: "Ngôi nhà được xây dựng năm 2006 với giá khoảng 180 triệu đồng, đây là kết quả sau hàng chục năm tích cóp từ nghề chở đò ở bến Đầm Mơ của tôi, công sức đi làm thuê, làm mướn của người con trai, vậy mà chỉ trong tích tắc, dòng sông hung hãn đã lấy đi mất. Nhà mất, đất mất, không còn nơi nào để đi, tôi phải trú tạm trong căn nhà nhỏ ở góc vườn kia, còn con trai phải đi ở nhờ nhà anh em". Nhìn khu đất của bà Chải bây giờ, khó có thể tưởng tượng ra trước đây, trên mảnh đất này lại tồn tại một ngôi nhà kiên cố rộng đến hơn trăm mét vuông với sân, vườn khang trang. Cũng từ ngày mất nhà, bà Chải phải sống cơ cực trong căn nhà lụp xụp, chỉ để vừa vặn một chiếc giường và một vài đồ dùng thiết yếu cho sinh hoạt hằng ngày. Chỉ tay ra phía dòng sông, bà Chải nói: "Hồi trước, khi chưa cất ngôi nhà này, mảnh đất của tôi kéo dài mãi ra phía ngoài, rộng lắm. Từ khi nhà bị sập, mỗi năm dòng sông lại lấn vào một ít, mảnh đất nhỏ dần.

Nhìn mảnh đất chênh vênh bên dòng sông Bùi, chúng tôi cảm thấy ái ngại. Ngay cạnh nhà bà Chải, gia đình anh Đặng Đình Bình bị "hà bá" "nuốt gọn" công trình phụ. Anh Bình than thở: "Nếu tiếp tục sạt lở sông thì không biết sẽ xoay xở ra sao vì đất đã hết, và nguy hiểm hơn là dòng sông sẽ uy hiếp trực tiếp đến ngôi nhà đang ở bây giờ".

Đi dọc bờ sông Bùi, chúng tôi tiếp tục chứng kiến nhiều cảnh ngộ tương tự. Ngôi nhà cấp 4 rộng 4 gian của chị Đặng Thị Tươi, dù đã được kè đá hộc chắc chắn nhưng vẫn nứt ngang dọc. Để khắc phục lại mặt bằng, gia đình đã mua 24m3 cát về lấp lại nhưng cũng không thấm tháp vào đâu, vì cứ mỗi lần nước lên là phần đất phía dòng sông lại bị sạt lở và tụt xuống. "Tôi vẫn dặn dò các con là khi mưa gió, nước lên là phải cẩn thận, nếu thấy mưa to, nước lớn khác thường là phải di chuyển ngay" - chị Tươi chia sẻ. Để minh chứng, chị Tươi lấy chân đập mạnh xuống nền nhà lập tức phát tiếng kêu ộp ộp, chị lo ngại: "Ở phía dưới nền nhà bị rỗng hết rồi". Cùng cảnh ngộ căn nhà cấp 4 của gia đình anh Nguyễn Việt Dục đã xuất hiện vết nứt xé ngang và chạy dài ra phía ngoài sân. "Diễn biến như 2 năm trở lại đây thì chẳng mấy nữa ngôi nhà này, mảnh đất này sẽ trôi xuống lòng sông", chủ nhà nói giọng buồn buồn. Dòng sông đã ăn sát vào đến sân nhà, lối đi lát bê tông từ cổng vào đã bị sạt lở. Mặc dù bà con đã nỗ lực trồng tre chắn sóng, đi mua đất, cát, đá hộc đổ xuống, đóng cọc nhưng sạt trượt cứ lấn sâu làm cho nhiều hộ dân lo mất ăn, mất ngủ.

Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Chu Phú Mỹ: Trước tình trạng sạt lở nghiêm trọng xảy ra trên địa bàn xã Quảng Bị, Sở NN&PTNT đã báo cáo UBND thành phố xin chủ trương, biện pháp xử lý. Hiện tại Sở đã giao Chi cục Đê điều và PCLB thường xuyên kiểm tra diễn biến sạt lở, thông báo cho bà con sinh sống trong khu vực bờ sông cảnh giác, sẵn sàng phương án sơ tán dân khi nước lũ lên cao. Sở cũng đã giao cho một đơn vị tiến hành khảo sát, đánh giá mức độ sạt lở báo cáo các ngành và UBND thành phố xin biện pháp xử lý để sớm khắc phục sự cố, bảo vệ đê và sự an toàn cho người dân địa phương.

Mong sớm ổn định cuộc sống

Trưởng thôn 5 (xã Quảng Bị), Đỗ Viết Thắng cho biết, chiều dài sông Bùi chạy qua xã Quảng Bị khoảng gần 4km, người dân đội 8 và đội 9 của thôn 5 là sống ngoài đê, hằng năm phải chịu nhiều đợt lũ rừng ngang, diễn biến nhanh, nguy hiểm, tình trạng sạt lở thường xuyên xảy ra, uy hiếp trực tiếp đến cuộc sống các hộ ở sát bờ sông. Theo thống kê, tổng số 2 đội có khoảng 430 hộ dân thì có tới 270 hộ, nằm trong khu vực sạt lở và có nguy cơ sạt lở cao. "Chúng tôi đã nhiều lần kiến nghị cơ quan chức năng và các cấp thẩm quyền có giải pháp khắc phục, tuy nhiên đến nay tình trạng này vẫn diễn biến phức tạp và càng khó lường hơn" - ông Đỗ Viết Thắng phân trần.

Theo phản ánh của người dân, thời gian gần đây tình trạng sạt lở phức tạp hơn, vì xảy ra vào cả thời gian không có lũ về. Theo thống kê của UBND xã Quảng Bị đã có hai sự cố sạt lở nghiêm trọng đã xảy ra sát khu dân cư, đó là thời điểm tháng 9 xuất hiện vết nứt, sạt lở từ Km 10+900 đến Km 11+800, dài khoảng 300m, thuộc đội 8, đoạn từ nhà bà Lục Thị Tân đến nhà ông Trần Duy Liễu về phía thượng lưu; những ngày đầu tháng 12 vừa qua lại xảy ra sạt lở nghiêm trọng tại điểm Km12+100 đến Km13+300 thuộc khu vực đội 9, đoạn từ nhà ông Đặng Đình Chiều đến nhà bà Đinh Thị Hý về phía thượng lưu. Nhận định về hiện tượng bất thường này, lãnh đạo thôn 5 đều cho rằng, "từ năm 2010, bên bờ hữu sông Bùi (thuộc xã Mỹ Lương, huyện Chương Mỹ) được xây kè, sông đã thay đổi dòng chảy, dòng nước thúc mạnh sang phía bờ tả thôn 5 của xã Quảng Bị nên liên tục gây ra tình trạng sạt lở".

Trước tình trạng sạt lở tiếp tục diễn biến bất thường, xã Quảng Bị đã thường xuyên cử lực lượng kiểm tra, canh gác và kịp thời phát hiện sự cố để báo cáo cơ quan chức năng. Phó Chủ tịch UBND xã Quảng Bị Trịnh Đăng Vinh cho biết, xã đã chỉ đạo cán bộ chuyên môn phối hợp với nhân dân địa phương cắm biển cảnh báo, khoanh vùng và bố trí lực lượng theo dõi khu vực sự cố. Cùng với đó là vận động người dân nếu có sự cố nguy hiểm phải di chuyển đến nơi an toàn. Cũng theo ông Trịnh Đăng Vinh, vào ngày 2-12-2014 xã Quảng Bị đã có công văn gửi UBND huyện Chương Mỹ, Chi cục Đê điều và PCLB Hà Nội báo cáo sự việc và đề nghị xem xét, sớm có phương án xử lý bảo đảm an toàn cho người dân.

Trưởng phòng Kinh tế huyện Chương Mỹ Đặng Viết Xuân cho biết, đê tả Bùi được đắp trên nền đất yếu, thềm bờ sông cao, mái đê đứng có độ chếch rất lớn, phía trong đồng lại có nhiều ao hồ, đầm nên chất lượng đê kém. Tình trạng sạt lở đê diễn biến phức tạp, nhiều vị trí xung yếu xuất hiện mạch đùn, mạch sủi, nước thấm qua thân đê, gây sạt trượt. Đê sông Bùi nhiều năm nay không được tu bổ, hộ chân, nước sông chảy xiết khi lũ rừng ngang đổ về thúc vào mái đê tạo ra nhiều hàm ếch rất nguy hiểm. Huyện Chương Mỹ đã báo cáo Sở NN&PTNT, Chi cục Đê điều và PCLB Hà Nội có hướng xử lý bảo vệ đê để bảo đảm an toàn cho người dân nơi đây.

Xuân Quang - Chí Đạo