Không thể tiếp tục "đào" và "chặt"!

Góc nhìn - Ngày đăng : 05:52, 11/12/2014

(HNM) - Việc Tập đoàn Công nghiệp than - khoáng sản Việt Nam (Vinacomin) ký hàng loạt biên bản ghi nhớ và hợp đồng nguyên tắc với các công ty than của Indonesia, Nhật Bản… được xem là một sự kiện chứa đựng nhiều bất thường.

Theo thống kê mới đây của Bộ Công thương, từ tháng 11-2014, Việt Nam đã nhập khẩu trên 2,8 triệu tấn than đá, trị giá 388 triệu USD (tăng 44,7% về giá và 40% về lượng nhập khẩu so với cùng kỳ năm trước). Một quan chức của Vinacomin cho biết: Năm 2016, Việt Nam sẽ nhập khoảng 6 - 7 triệu tấn, số lượng than nhập khẩu sẽ tăng dần qua các năm, đến năm 2020 vào khoảng 35 triệu tấn, năm 2030 là 135 triệu tấn… Việc phải nhập khẩu số lượng than lớn như vậy ở một quốc gia có truyền thống xuất khẩu than như Việt Nam có phải là một nghịch lý? Phía sau câu chuyện này là gì?

Trong cơ chế thị trường, việc Vinacomin vừa nhập khẩu, vừa xuất khẩu than cũng là chuyện bình thường, không đáng phải tiêu tốn nhiều giấy mực đến như vậy. Tuy nhiên, một "ông lớn" về trữ lượng than như Việt Nam lại rơi vào cảnh thiếu hụt đến mức phải nhập khẩu thì không thể xem là chuyện bình thường. Càng không bình thường ở chỗ Việt Nam phải nhập chính loại than đang "tích cực" xuất khẩu (than thuộc loại chất lượng thấp). Nếu ai đó nói tới cái giá phải trả từ "lời nguyền tài nguyên" cũng không quá lời. Câu chuyện Việt Nam phải nhập khẩu than không mới, nhiều năm trước, giới chuyên gia đã cảnh báo về những hệ lụy từ vấn nạn xuất lậu và tình trạng ngành than chăm chăm vào việc "đào lên để bán". Thế nhưng, Vinacomin vẫn xin giảm thuế suất từ 13% xuống 10% (vào cuối năm 2013) với lý do loại than xuất khẩu trong nước không sử dụng... để tiếp tục tuồn "vàng đen" ra nước ngoài.

Theo nhiều chuyên gia kinh tế, chính sách giữ giá than thấp để dành ưu đãi cho ngành điện, xi măng, thép… đã dẫn đến tình trạng, nếu chỉ trông chờ việc bán than cho các doanh nghiệp trong nước, ngành than sẽ thua thiệt, nói đúng hơn là lỗ nặng. Và đây là lý do khiến người ta bất chấp mọi hệ lụy để đẩy mạnh xuất khẩu. Kết quả là nếu không có đủ than với giá hợp lý thì hàng loạt dự án điện chạy than sẽ hoạt động cầm chừng, kéo theo đó là không ít vấn đề về kinh tế - xã hội. Trong khi nhiều nước trên thế giới hạn chế tối đa việc khai thác, xuất khẩu nguồn tài nguyên không tái tạo được, tại sao Việt Nam lại đi ngược xu thế này? Việc Việt Nam phải nhập khẩu than là hậu quả của cơ chế nhiệm kỳ - một căn bệnh của doanh nghiệp nhà nước hay có những nhóm lợi ích nào đó đang chi phối ngành than?

"Trong hơn 20 năm qua, các thành phần kinh tế, mọi ngành, mọi nhà đều ra sức "đào" và "chặt", ra sức xuất khẩu tài nguyên, bán cho nước ngoài tất cả nguồn tài nguyên thiên nhiên quốc gia ở mức có thể. Và trong thời gian qua, nỗ lực tận khai đó vẫn còn duy trì sự đóng góp mạnh mẽ vào thành tích tăng trưởng kinh tế. Đến bây giờ năng lực đó hầu như đã đạt mức tối đa, nhiều loại tài nguyên gần như cạn kiệt, môi trường đã bị suy thoái nghiêm trọng" - Một chuyên gia kinh tế đã chua chát nhận định như vậy. Xuất khẩu thô tài nguyên được ví như việc xẻ thịt chính mình. Nếu không có các biện pháp quyết liệt hơn để dừng việc xuất than nói riêng và xuất thô tài nguyên nói chung thì cái giá phải trả chắc chắn sẽ không dừng lại ở số ngoại tệ phải bỏ ra để nhập khẩu than như đã nêu trên...

Thế Phương