Thái Lan: Tăng trưởng là nền tảng ổn định
Thế giới - Ngày đăng : 06:31, 10/12/2014
Thế nhưng với Thủ tướng đương nhiệm Prayuth Chan-ocha, đó là nhận định không có cơ sở. Như khẳng định của nhà lãnh đạo Thái Lan và Bộ trưởng Bộ Nội vụ Anupong Pauchinda trước báo giới mới đây, với tình hình hiện nay không thể có một cuộc phản đảo chính nào xảy ra, bởi chính phủ đang tập trung cao độ cho công cuộc cải cách toàn diện. Với một loạt nỗ lực nhằm sớm ổn định đất nước, Chính phủ của Thủ tướng P.Chan-ocha đang nhận được sự ủng hộ của đông đảo cử tri xứ Chùa Vàng. Kết quả cuộc thăm dò dư luận của Trung tâm nghiên cứu Đại học Bangkok vừa công bố đã phần nào nói lên điều đó khi đa số người dân tỏ ý hài lòng về Chính phủ của Thủ tướng P.Chan-ocha - đặc biệt là những bước đi cần thiết nhằm lập lại trật tự an ninh ở thủ đô Bangkok - với 6,52 điểm trên thang điểm 10. Trong đó Thủ tướng P.Chan-ocha nhận được sự ủng hộ khá cao khi được chấm 7,43 điểm.
Dẫu vậy, vẫn còn tồn tại không ít ý kiến trái chiều liên quan đến các đề xuất mà Chính phủ của Thủ tướng P.Chan-ocha đưa ra. Nhiều người dân tỏ ra hoài nghi về tương lai đất nước sau khi Phó Thủ tướng Prawit Wongsuwan thông báo rằng, cuộc tổng tuyển cử dự kiến diễn ra vào năm tới sẽ bị hoãn tới năm 2016. Đây được xem như một bước thụt lùi đối với quá trình lập lại nền dân chủ mà Chính phủ của Thủ tướng P.Chan-ocha từng cam kết với cử tri.
Trước thông tin trên, việc tổ chức cuộc tổng tuyển cử vào thời điểm nào cũng như theo thể thức ra sao đang là mối quan tâm hàng đầu của cử tri Thái Lan hiện nay. Đã xuất hiện những lời đồn thổi rằng, chính phủ đang tìm cách kéo dài thời gian tổng tuyển cử sang năm 2016 để được tại vị lâu hơn. Trong khi đó, hai đảng chủ chốt - gồm đảng Vì nước Thái và đảng Dân chủ đối lập lại yêu cầu chính phủ cần thực hiện cải cách, soạn thảo Hiến pháp trước khi tiến hành tổng tuyển cử theo đúng lộ trình đã cam kết. Về thể thức bầu cử, một số thành viên của Ủy ban soạn thảo Hiến pháp Thái Lan đề xuất cần thay đổi thể thức bầu cử Hạ viện theo mô hình bầu cử ở Đức. Theo đó, tổng số hạ nghị sĩ đắc cử của một chính đảng sẽ được tính theo tỷ lệ phiếu bầu của cử tri dành cho đảng này.
Cuộc thăm dò dư luận của Viện Nghiên cứu phát triển khoa học quản lý (NIDA) Thái Lan công bố mới đây cho thấy, có gần 67% số ý kiến ủng hộ thể thức bầu cử trực tiếp thủ tướng. Tuy nhiên, đây chỉ là một đề xuất của tiểu ban chính trị trong Ủy ban soạn thảo Hiến pháp. Theo các nhà phân tích, thể thức bầu cử này giúp các chính đảng nhỏ có nhiều cơ hội tham gia Hạ viện, tránh được tình trạng một chính đảng chiếm vị thế đa số áp đảo tại cơ quan lập pháp. Thế nhưng, thể thức đó cũng sẽ tạo ra một chính phủ liên minh đa đảng và kém ổn định hơn; đồng thời chính phủ sẽ phải chịu nhiều sức ép hơn tại Hạ viện.
Trong một nỗ lực ổn định nền kinh tế trong nước sau thời gian dài bị tác động do bất ổn chính trị, Chính phủ Thái Lan vừa thông qua chương trình du lịch năm 2015 với chủ đề "Khám phá Thái Lan". Chương trình này sẽ được triển khai mở rộng thêm 12 tỉnh, ngoài 10 tỉnh thành từng được triển khai nhiều chương trình du lịch từ trước tới nay. Theo Bộ trưởng Thể thao và Du lịch Thái Lan Kobkarn Wattanavrangkul, việc triển khai chiến dịch này sẽ khuyến khích mở rộng hợp tác phát triển về du lịch trong ASEAN, đặc biệt là khi khu vực này trở thành một cộng đồng chung vào cuối năm 2015. Ngành công nghiệp không khói thường đóng góp khoảng 10% cho tăng trưởng kinh tế Thái Lan. Tuy nhiên, dự kiến lượng khách du lịch nước ngoài tới nước này trong năm nay chỉ vào khoảng 25 triệu, giảm gần 2 triệu so với số lượng của năm ngoái. Tổng cục Du lịch Thái Lan dự kiến sẽ đón khoảng 25 đến 27 triệu khách du lịch và đạt doanh thu khoảng 2.200 tỷ baht (67 tỷ USD) vào năm 2015. Chính phủ của Thủ tướng P.Chan-ocha đã đặt trọng tâm khôi phục kinh tế đất nước là một ưu tiên hàng đầu, tăng trưởng khởi sắc sẽ là nền tảng quan trọng góp phần ổn định chính trường.