Lúng túng hay dung túng?
Giới trẻ - Ngày đăng : 06:22, 10/12/2014
Thực hư việc lấn chiếm
Theo phản ánh của một số người dân tại tổ 18, cụm 2 phường Xuân La (Tây Hồ), nhiều công trình không phép đang "mọc" lên trên đất nông nghiệp và sẽ trở thành nhà mặt đường dọc tuyến Vành đai II. Tình trạng này diễn ra phổ biến, đặc biệt các công trình vi phạm đều nằm gần trụ sở UBND phường Xuân La. Còn tại mặt đường Lạc Long Quân, tình trạng xây dựng sai phép cũng hết sức sôi động. Các công trình tận dụng vị trí đắc địa đua nhau xây quá phép, bất chấp việc UBND TP Hà Nội đã ban hành Quyết định số 4177/QĐ-UBND, ngày 8-8-2014 phê duyệt quy hoạch phân khu đô thị Khu vực Hồ Tây và phụ cận (A6) tỷ lệ 1/2000. Trong đó chỉ rõ, khu vực trong phạm vi 50m kể từ kè hồ không xây dựng cao quá 3 tầng (12m), không xây dựng công trình trong phạm vi 16m kể từ mép kè hồ... Vậy, liệu có hay không việc "bảo kê" của chính quyền địa phương để xảy ra tình trạng vi phạm trật tự xây dựng (TTXD) trên địa bàn!?.
Để làm rõ hơn sự việc, trong hai ngày 3 và 4-12, phóng viên Hànộimới đã đến phường Xuân La tiếp xúc với các hộ dân. Tại tổ 18, cụm 2 phường Xuân La, đường Vành đai II đã và đang gấp rút hoàn thiện. Khu vực xây dựng trái phép được phản ánh nằm sát con đường này. Đó là 4 ngôi nhà cấp 4 được cải tạo lại. Một số nhà dựng vì kèo nâng cao mái tôn so với hiện trạng cũ. Trao đổi với chúng tôi, ông Phạm Tuấn Vinh, tổ 18 cụm 2, có nhà xây dựng được xem là không phép cho biết, khu đất này ngày trước là đất rau xanh có diện tích hơn 400m2. Sau khi GPMB để xây dựng tuyến đường Vành đai II, gia đình bị thu hồi hơn 200m2, chỉ còn lại 130m2. Năm 2005, gia đình đã làm đơn xin chuyển đổi diện tích trên từ đất trồng rau sang đất phi nông nghiệp và xây dựng nhà cấp 4 để ở từ đó đến nay. Hằng năm, gia đình đều thực hiện đầy đủ nghĩa vụ thuế với Nhà nước. Do trước đây khu đất đi qua tổ 18 là ruộng trũng nên khi xây dựng đường Vành đai II, đơn vị thi công nâng cốt đường lên rất cao. Việc tôn cao cốt đường khiến nhà ở và xưởng sản xuất của gia đình thấp hơn so với cốt đường khoảng 1,2-1,5m. Mỗi khi trời mưa, nước từ đường chảy vào nhà khiến tường nhà bị ẩm mốc, rạn nứt nặng. Ngày 28-10-2014, gia đình đã làm đơn gửi UBND phường, xin phép được cải tạo nhà cũ, nâng cốt nền cho bằng với mặt đường nhằm bảo đảm các điều kiện sinh hoạt tối thiểu. Ông Vinh nói: "Không riêng gì nhà tôi mà nhiều nhà khác cũng bị ảnh hưởng và đều có đơn xin phép chính quyền địa phương. Tuy nhiên, điều đáng buồn là chúng tôi đang bị quy kết là vi phạm trật tự xây dựng". Ông Vinh thừa nhận: "Chúng tôi có phần sai là chưa được sự đồng ý của chính quyền địa phương, nhưng chúng tôi cam kết với tổ dân phố, chi bộ cụm dân cư là tuyệt đối không lấn chiếm, chỉ cải tạo lại trên nền nhà cũ và khi Nhà nước có chính sách mới, chúng tôi xin tuyệt đối chấp hành".
Nằm sát vách công trình xây dựng của gia đình ông Vinh là khu đất của gia đình ông Nguyễn Đức Giỏi. Khi chúng tôi có mặt vào trưa 4-12-2014, ông Giỏi đang cho thợ tháo dỡ phần tôn quây quanh khu đất theo Quyết định cưỡng chế xử lý công trình cải tạo trái phép của UBND phường Xuân La. Ông Giỏi phân trần: Đây là diện tích đất rau xanh bố mẹ chia cho từ năm 1987. Nhà đông con, tôi là anh cả nên năm 1995 khi lập gia đình, bố mẹ cho vợ chồng tôi ra ở riêng trên khu đất có diện tích 300m2. Năm 1997, vợ chồng tôi dựng một căn nhà cấp 4 khoảng 30m2 để ở tạm, phần diện tích còn lại được dựng khung sắt, quây mái tôn để cho một doanh nghiệp tư nhân thuê làm nhà xưởng sản xuất mũ cối. Khi GPMB đường Vành đai II, gia đình tôi bị thu hồi trên 60m2, diện tích còn lại khoảng 270m2. Từ khi cốt đường được nâng cao, xưởng sản xuất không thể hoạt động do thường xuyên ngập nước. Doanh nghiệp trả lại nhà xưởng, vợ chồng tôi cũng không thể sinh sống tại đây mà phải chuyển về ở cùng ông bà nội. Do cuộc sống khó khăn, tôi làm đơn gửi UBND phường Xuân La xin phép cải tạo, sửa chữa. Sau khi nâng cốt nền phần diện tích mặt tiền, tôi sử dụng toàn bộ vật liệu tôn nhẹ để nâng trần và quây kín phần nhà xưởng. Người dân chúng tôi rất mong các cấp chính quyền xem xét, tháo gỡ cho người dân để ổn định cuộc sống.
Trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Đức Tài, Bí thư Chi bộ Khu dân cư số 2, phường Xuân La cũng xác nhận, những hộ này tôn nền, cải tạo trên nền nhà cũ chứ không lấn chiếm. Chi bộ khu dân cư và tổ dân phố cũng đã kiến nghị chính quyền địa phương cho phép họ được cải tạo trên nền nhà cũ nhằm bảo đảm các điều kiện sinh hoạt. Thông tin về việc tại tổ 18, cụm 2 xây dựng ồ ạt nhằm đón đầu dự án đường Vành đai II là không có cơ sở.
Chính quyền địa phương nói gì?
Để làm rõ những nội dung mà dư luận phản ánh, ngày 4-12, phóng viên Báo Hànộimới đã làm việc với lãnh đạo UBND phường Xuân La. Ông Lê Tiến, Phó Chủ tịch UBND phường khẳng định, không có chuyện hàng loạt công trình xây dựng không phép "mọc" trên đất nông nghiệp dọc tuyến đường Vành đai II. Ông Tiến cho biết: Tuyến đường Vành đai II đi qua địa bàn phường Xuân La có chiều dài khoảng 2,4km, ảnh hưởng đến 593 hộ dân, trong đó có 417 hộ là đất nông nghiệp, 167 hộ là đất ở và 9 cơ quan. Đến nay công tác GPMB đã cơ bản hoàn thành, UBND quận đã phê duyệt 566 phương án, chi trả tiền bồi thường hỗ trợ cho 557 hộ, thu hồi 12,2 héc ta đất. Do đặc thù tuyến đường Vành đai II trên địa bàn phường thu hồi cả đất ở và đất nông nghiệp nên công tác quản lý đất đai, TTXD và chỉnh trang đô thị rất khó khăn. Trong năm 2014, dọc tuyến đường Vành đai II phát sinh 7 trường hợp xây dựng, trong đó có 4 hộ xây dựng, cải tạo không phép và 2 hộ sai phép. Ngay khi phát hiện vi phạm UBND phường đã kiểm tra, lập hồ sơ xử lý; đồng thời yêu cầu chủ đầu tư cam kết tự tháo dỡ và ra quyết định cưỡng chế tháo dỡ. Đến nay, cơ bản các hộ vi phạm đã tự tháo dỡ phần xây dựng, cải tạo không phép.
Về vấn đề này, ông Trần Bá Viêm, Chủ tịch UBND phường Xuân La cho biết thêm: Quá trình GPMB tuyến đường Vành đai II gặp nhiều khó khăn do nguồn gốc đất của các hộ dân phức tạp và không đồng nhất. Nhiều trường hợp hai thửa đất nằm cạnh nhau nhưng thửa này là đất ở, thửa kia là đất nông nghiệp. Thậm chí, có trường hợp bản đồ năm 1986 ghi rõ là đất ở, nhưng bản đồ chính tắc để cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất được đo vẽ năm 1994 lại ghi đất vườn. Để làm tốt công tác quản lý TTXD dọc tuyến Vành đai II; đồng thời tạo điều kiện sinh hoạt cho người dân, UBND phường Xuân La sẽ kiến nghị UBND quận Tây Hồ xem xét, cấp giấy phép xây dựng (GPXD) tạm cho các trường hợp nêu trên. Tuy nhiên, phải hạn chế về mật độ, chiều cao xây dựng công trình, yêu cầu người dân cam kết khi Nhà nước thu hồi GPMB sẽ nghiêm chỉnh chấp hành và không đòi hỏi đền bù những gì phát sinh sau hiện trạng...
Khi PV đặt câu hỏi: UBND phường Xuân La giải thích thế nào trước thông tin có nhiều công trình xây dựng "khủng" nằm dọc tuyến đường Lạc Long Quân đang vi phạm về mật độ xây dựng và chiều cao công trình, phá vỡ cảnh quan so với quy hoạch được UBND thành phố phê duyệt? ông Lê Tiến cho biết: Trong thời gian qua, chúng tôi nhận được nhiều thông tin về vấn đề này, song quá trình kiểm tra các công trình xây dựng nhà cao tầng đang thi công trên tuyến Lạc Long Quân, không phát hiện tình trạng vi phạm như phản ánh. Trước hết cần khẳng định, những công trình xây dựng nhà cao tầng nằm dọc tuyến đường Lạc Long Quân đều được cấp phép xây dựng đúng quy định do nằm ngoài chỉ giới 50m kể từ kè Hồ Tây, do đó không nằm trong phạm vi điều chỉnh của Quyết định số 4177/QĐ-UBND. Đối với một số công trình có xảy ra vi phạm so với thiết kế ban đầu như tự ý điều chỉnh vị trí đặt thang máy, chiều cao tum... UBND phường đã kiểm tra, xác định vi phạm và sẽ xử lý dứt điểm trong thời gian tới.
Tuy nhiên, để tạo điều kiện cho người dân ổn định cuộc sống, nâng cao công tác quản lý TTXD trên địa bàn phường Xuân La, chính quyền phường cần tham mưu với UBND quận Tây Hồ để có biện pháp tháo gỡ kịp thời những vướng mắc cho người dân, chấm dứt những hành vi vi phạm TTXD trong thời gian tới.