Đánh giá công chức: Cần sự tham gia của người dân

Chính trị - Ngày đăng : 04:42, 09/12/2014

(HNM) - Bộ Nội vụ vừa tổ chức hội thảo "Đánh giá kết quả làm việc của công chức trong cơ quan hành chính nhà nước: Kinh nghiệm quốc tế và thực tiễn của Việt Nam". Tại đây, Thứ trưởng Bộ Nội vụ Trần Anh Tuấn khẳng định: Đánh giá công chức là một khâu quan trọng trong quá trình quản lý và sử dụng công chức. Tuy nhiên, việc đánh giá công chức ở Việt Nam hiện vẫn mang tính hình thức.

Nhận định trên hoàn toàn có cơ sở. Hiện nay, việc đánh giá công chức đang dựa trên 6 nội dung (chấp hành đường lối, chủ trương, chính sách, pháp luật; phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống, tác phong, lề lối làm việc; năng lực, trình độ chuyên môn, nghiệp vụ; tiến độ, kết quả thực hiện nhiệm vụ; tinh thần trách nhiệm, phối hợp trong thực hiện nhiệm vụ; thái độ phục vụ nhân dân). Song, kết quả đánh giá công chức hằng năm không tương xứng với kết quả của công tác xây dựng, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức. Điển hình là kết quả đánh giá công chức năm 2013 của Bộ Nội vụ khi có tới 92,58% công chức hoàn thành xuất sắc và hoàn thành tốt nhiệm vụ, 5,66% không hoàn thành hoặc hoàn thành nhiệm vụ nhưng còn hạn chế về năng lực. Trong khi đó, tình trạng tham nhũng vặt trong cơ quan hành chính công; thái độ ứng xử, giao tiếp với công dân không đúng mực; giải quyết TTHC chưa đúng quy định về quy trình, thời gian… vẫn là vấn nạn, gây bức xúc cho doanh nghiệp, người dân... Bên cạnh đó, dù có quy định công chức hai năm không hoàn thành nhiệm vụ sẽ đưa ra khỏi bộ máy nhưng việc thực hiện vẫn là cả vấn đề.

Theo các chuyên gia quốc tế, ngoài cách đánh giá hiện nay, Việt Nam cần coi trọng yếu tố trách nhiệm giải trình của công chức, nhận thức của công chức về vai trò, trách nhiệm của mình. Đối với những mảng việc liên quan đến dịch vụ công, cần khảo sát ý kiến của người sử dụng dịch vụ, tức là cần sự tham gia của cả người dân vào quá trình đánh giá công chức.

Đề án "Đẩy mạnh cải cách chế độ công vụ, công chức" được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt từ năm 2012 đã nêu rõ mục tiêu đến năm 2015: Đổi mới công tác đánh giá công chức theo hướng đề cao trách nhiệm người đứng đầu và gắn với kết quả công vụ; Xây dựng và thực hiện cơ chế đào thải, giải quyết cho thôi việc và miễn nhiệm công chức không hoàn thành nhiệm vụ, vi phạm kỷ luật… Hơn lúc nào hết, các cơ quan chức năng cần sớm nghiên cứu cách đánh giá công chức phù hợp để thực hiện được mục tiêu mà đề án "Đẩy mạnh cải cách chế độ công vụ, công chức" đã đề ra.

Hải Vân