Tiếp dòng di sản 130 năm Nhà máy đèn Bờ Hồ
Doanh nghiệp - Ngày đăng : 16:43, 06/12/2022
Tới dự có các đồng chí: Hoàng Trung Hải, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Bí thư Thành ủy Hà Nội; Anh hùng Lao động Thái Phụng Nê, nguyên Bộ trưởng Bộ Năng lượng; Nguyễn Mạnh Quyền, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội; cùng lãnh đạo Sở Công Thương Hà Nội, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN); các nhà sử học, nhà văn có nhiều tác phẩm viết về Hà Nội.
Cách đây 130 năm (ngày 6-12-1892), Nhà máy đèn Bờ Hồ, cơ sở điện lực đầu tiên của Hà Nội ra đời, tạo nền móng cho sự nghiệp hình thành, phát triển của ngành điện sau này. Nhà máy đèn Bờ Hồ được khởi công xây dựng từ năm 1892. Vào tháng 7-1894, Hội đồng thành phố thông qua hợp đồng và thời điểm khởi công xây dựng xưởng phát điện Hà Nội (còn gọi là Nhà máy đèn Bờ Hồ) tại phố Francis Garnier (nay là phố Đinh Tiên Hoàng). Ngày 20-11-1894, việc thử nghiệm lò hơi được tiến hành và ngày 5-1-1895, Nhà máy đèn Bờ Hồ chính thức đi vào vận hành phục vụ chiếu sáng. Lúc này, nhà máy có 2 máy phát điện một chiều tổng công suất 500kW.
Giai đoạn này, Nhà máy đèn Bờ Hồ do người Pháp, Công ty Điện khí Đông Dương quản lý, cung cấp điện cho 523 đèn điện ở những khu phố người Âu và phục vụ cho sinh hoạt của gia đình. Năm 1922, sản lượng điện do Nhà máy đèn Bờ Hồ cung cấp là 2 triệu kWh, cung cấp điện cho thành phố Hà Nội, Hà Đông và các vùng lân cận.
Trong cuộc chiến tranh phá hoại miền Bắc, các nhà máy điện là mục tiêu đánh phá hàng đầu của địch, nhưng với tinh thần “Tổ quốc cần điện như cơ thể cần máu”, những người thợ điện đã không quản ngại khó khăn, nguy hiểm để bảo vệ, phát triển nguồn điện phục vụ sản xuất và sinh hoạt của đất nước.
Ngày 10-10-1954, Thủ đô Hà Nội được giải phóng, Nhà máy đèn Bờ Hồ được tiếp quản và trở thành “cái nôi” của ngành Điện Việt Nam và được đổi tên thành Nhà máy điện Hà Nội. Năm 1975, ngành điện Hà Nội bắt tay vào phát triển lưới điện nhằm đáp ứng yêu cầu về điện cho sự phát triển của Thủ đô. Giai đoạn này, Nhà máy đèn Bờ Hồ được gọi là Sở Quản lý và phân phối điện khu vực I.
Sau nhiều lần đổi tên, từ Nhà máy đèn Bờ Hồ năm xưa, năm 2010, EVNHANOI được thành lập trên cơ sở nâng cấp và tổ chức lại Công ty Điện lực thành phố Hà Nội, hoạt động theo mô hình công ty mẹ - công ty con và là đơn vị thành viên của EVN.
Tại hội thảo, các đại biểu đã chia sẻ các tư liệu, hình ảnh giá trị, ý nghĩa lịch sử của Nhà máy đèn Bờ Hồ đồng hành cùng Thủ đô, đồng thời khẳng định vai trò, trách nhiệm của các thế hệ cán bộ, công nhân viên EVNHANOI. Hội thảo đã tái hiện sinh động quá trình hình thành, xây dựng và phát triển của Nhà máy đèn Bờ Hồ từ khi xây dựng năm 1892 đến nay, thông qua sự góp mặt ấn tượng của các nhân chứng lịch sử, các nhà sử học, chuyên gia, nghiên cứu về Hà Nội cùng chia sẻ của các kỹ sư, thợ điện trẻ giỏi...
Phát biểu tại hội thảo, ông Nguyễn Anh Tuấn, Chủ tịch Hội đồng thành viên EVNHANOI nhấn mạnh, với niềm tự hào là chiếc nôi của ngành điện, vinh dự được Bác Hồ về thăm đơn vị sau Ngày Giải phóng Thủ đô, EVNHANOI luôn phát huy truyền thống đoàn kết, là tập hợp của những đơn vị tốt, cá nhân tốt, luôn bảo đảm điện ổn định, an toàn phục vụ các hoạt động chính trị của Đảng, Nhà nước, các sự kiện kinh tế, văn hóa, xã hội và đời sống sinh hoạt của nhân dân trên địa bàn Thủ đô. Mỗi thành công của EVNHANOI hôm nay đều được xây dựng trên nền tảng văn hóa điện lực Hà Nội, đã được các thế hệ thợ điện Thủ đô xây dựng, duy trì, kế thừa và phát triển. Đó là nét văn hóa mang đậm tính truyền thống, phù hợp với đặc thù của ngành điện và bản sắc văn hóa ngàn năm văn hiến của Thủ đô Hà Nội.
Nhìn nhận chặng đường của EVNHANOI, ông Đặng Huy Cường, Thành viên Hội đồng thành viên EVN nêu rõ, EVNHANOI đã từng bước phát triển vững vàng và không ngừng lớn mạnh về mọi mặt, luôn hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao. Tổng công ty liên tục vinh dự được EVN xếp hạng Nhất trong số các tổng công ty trực thuộc tập đoàn.
Ông Cường bày tỏ mong muốn, thời gian tới, EVNHANOI sẽ tiếp tục phát huy truyền thống và những thành tựu đã đạt được để tiếp tục phát triển nhanh, toàn diện hơn nữa, đóng góp tích cực vào sự phát triển của EVN cũng như sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.