Vai trò của chính quyền địa phương ở đâu?

Đời sống - Ngày đăng : 06:07, 08/12/2014

(HNM) - Trong thời gian gần đây, trên nhiều đoạn đê sông Hồng chạy qua địa bàn Hà Nội, xe quá khổ, quá tải chở vật liệu xây dựng hoạt động suốt ngày đêm, khiến mặt đê xuống cấp nghiêm trọng.

Tuyến đê hữu Hồng từ thị trấn Phú Minh đến xã Quang Lãng, huyện Phú Xuyên chỉ dài gần 16km nhưng có hàng trăm vị trí bị hư hỏng nặng, bởi hoạt động của "tập đoàn" xe chở vật liệu xây dựng (VLXD). Tình trạng này tồn tại đã nhiều năm, song vẫn không được xử lý dứt điểm. Mặt đê tại khu vực xã Khai Thái (huyện Phú Xuyên) được đổ bê tông dày 20cm, song nhiều đoạn bị nứt toác, gãy khúc, lún sụt, tạo thành ổ gà, ổ voi sâu 15-25cm, rộng 1-2m, kéo dài 10m, hai bên đường đê cỏ mọc um tùm, chẳng khác nào một con mương cạn.

Theo một người dân ở xã Khai Thái, ban ngày xe chở VLXD còn hoạt động dè chừng, nhưng buổi tối ô tô chở cát, gạch bên tỉnh Hưng Yên, Hà Nam ầm ầm tiến vào nội thành để xả hàng, khiến tuyến đường đê xuống cấp nghiêm trọng. Còn tại xã Cổ Đô (Ba Vì), nhiều người dân bức xúc cho biết: Tuyến đê hữu Hồng mới được xây dựng khoảng 4 năm nay, nhưng từ tháng 5 đến tháng 9-2014, mỗi ngày có hàng chục lượt xe ô tô chở đất, đá ra vào thi công các dự án trên địa bàn, làm cho mặt đê bị lún sụt nghiêm trọng, là nguyên nhân gây ra một số vụ tai nạn giao thông.

Hiện tại, trên địa bàn TP Hà Nội có 20 tuyến đê chính, dài hơn 626km, trong đó 37,7km đê cấp đặc biệt, gần 250km đê cấp I (gồm đê hữu Hồng, tả Hồng, La Thạch, Ngọc Tảo)... đều đã được gia cố bằng bê tông hoặc thảm nhựa. Trong đó, giai đoạn 2008-2013, ngân sách nhà nước đã đầu tư hơn 1.300 tỷ đồng gia cố mặt đê, cơ đê, khắc phục sự cố sạt lở... bảo đảm an toàn đê điều, tính mạng, tài sản của nhân dân. Thế nhưng chỉ được một thời gian ngắn, mặt đê lại bị biến dạng, hư hỏng nặng.

Phó Chi cục trưởng Chi cục Đê điều và Phòng chống lụt bão Hà Nội Nguyễn Xuân Hải khẳng định, nguyên nhân chính mặt đê bị hư hỏng là do xe quá tải cày xới. "Theo quy định, xe cơ giới dưới 12 tấn mới được lưu thông trên các tuyến đê này. Các chủ xe ô tô tải phớt lờ các biển báo giới hạn tải trọng ô tô 30 - 40 tấn vẫn "vô tư" hoạt động, đê nào chịu nổi" - ông Hải cho biết. Trong khi đó, Đội trưởng Đội Cảnh sát giao thông huyện Phú Xuyên Lê Hồng Chuyên cũng thừa nhận xe chở VLXD đã cày nát đường đê sông Hồng trên địa bàn. Tuy nhiên, đê sông Hồng là tuyến giao thông huyết mạch của các xã khu vực miền đông huyện Phú Xuyên nên việc các phương tiện tham gia giao thông hoạt động trên đê là khó tránh khỏi.

Theo thống kê của công an, hiện mỗi ngày có khoảng 25 xe tải chở cát phục vụ san lấp mặt bằng Khu công nghiệp Đại Xuyên và xây dựng trên địa bàn; 10 xe tải chở gạch từ huyện Duy Tiên (Hà Nam) và huyện Khoái Châu (Hưng Yên) đi trên đê vào nội thành tiêu thụ. Lực lượng chức năng huyện đã lập biên bản 103 trường hợp chở quá tải trọng đi trên đê, xử phạt hơn 200 triệu đồng, tước giấy phép lái xe 64 trường hợp. Đặc biệt, thực hiện chỉ đạo của Công an TP Hà Nội, từ ngày 12-11 đến nay, Công an huyện Phú Xuyên đã thành lập 3 chốt kiểm soát trên đê, nên tình trạng xe quá tải trọng vi phạm đã giảm hẳn. Tuy nhiên, sau 22h đêm, các chủ xe vẫn lén lút hoạt động, rất khó xử lý triệt để.

Trước tình trạng xe chở VLXD quá tải trọng làm hỏng mặt đê, Sở NN&PTNT đã có Thông báo số 325 đề nghị các huyện khẩn trương xây dựng biện pháp ngăn chặn. Theo đó, Hạt Quản lý đê điều các huyện chụp ảnh, ghi hình những xe chở quá tải lưu thông trên đê gửi cho cơ quan chức năng làm cơ sở xử lý vi phạm… Sở NN&PTNT cũng đã đề nghị Bộ NN&PTNT, UBND TP Hà Nội đầu tư cải tạo, kiên cố hóa hệ thống đê điều, nhằm nâng mức tải trọng cho xe cơ giới đi trên đê, đáp ứng an toàn đê điều và yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của nhân dân khu vực ngoại thành...

Hoàng Văn