Nguy cơ từ cách làm "ăn đong"

Góc nhìn - Ngày đăng : 05:50, 08/12/2014

(HNM) - Đại hội Thể dục thể thao (TDTT) toàn quốc lần thứ VII - năm 2014 vừa mới chính thức khai mạc tối 6-12 tại Nam Định, nhưng đã có không ít "điều ra tiếng vào".


Vài ngày trước, theo dõi những môn thi đấu sớm dư luận đã phải một phen "dậy sóng" khi chứng kiến chỉ đạo viên cùng VĐV môn vật của một địa phương xô xát với trọng tài, rồi một HLV cũng môn này nhưng thuộc địa phương khác "ra đòn" với trọng tài ngay rìa thảm đấu! Việc xảy ra những ứng xử thiếu văn hóa, phải gọi là hành vi "chợ búa" mới đúng, ở một sân chơi tầm cỡ quốc gia thật đáng trách. Tuy nhiên, như nhiều người trong cuộc đánh giá, đó mới chỉ là biểu hiện nổi của "tảng băng chìm".

Ngay từ trước khi diễn ra những môn thi đấu sớm, dư luận và cả không ít người trong giới chuyên môn đã bàn tán nhiều về chuyện mượn quân giữa các địa phương. Đơn cử như cuộc chuyển quân ồ ạt ở bộ môn bóng bàn, khi hàng loạt tay vợt tên tuổi đang thi đấu cho các ngành, địa phương hoặc doanh nghiệp "bỗng dưng" đầu quân cho tỉnh này tỉnh nọ; hay một số VĐV judo, wushu hàng đầu "bỏ phố lên rừng", khoác áo đấu cho một tỉnh Tây Nguyên… Tất cả những chuyện thuê mượn, thậm chí đổi chác VĐV không nằm ngoài mục đích phục vụ nỗi khao khát có huy chương, có "vị trí" trên bản đồ thể thao nước nhà nhưng lại quen cách làm "đi tắt", "ăn đong" mà không chịu đầu tư bài bản, không có chiến lược đào tạo VĐV, phát triển thể thao đỉnh cao… của không ít địa phương.

Phải nói rằng chuyện này không mới mà đã có từ lâu, và ở kỳ đại hội năm nay, mặc dù lãnh đạo Tổng cục TDTT đã tuyên bố sẽ có những biện pháp siết chặt điều lệ và công tác đăng ký thi đấu nhằm hạn chế tối đa chuyện thuê, mượn VĐV giữa các địa phương, nhưng thực tế tình trạng này vẫn diễn ra khá phổ biến. Thậm chí, cũng như nhiều kỳ đại hội trước, lần này dư luận lại xì xầm về nạn "xin huy chương", "nhường huy chương", dẫu biết việc tìm ra đáp án cho câu hỏi "bằng chứng đâu?" còn khó hơn "hái sao trên trời"!

Chưa hết, lướt qua thông tin về đại hội, không ít người "ngoại đạo" đã ngớ người trước những cụm từ "tổng sắp huy chương thực tế" và "quy đổi huy chương". Tìm hiểu mới vỡ lẽ trước khi đại hội diễn ra, ban tổ chức đã có quyết định đoàn (địa phương, ngành) nào có VĐV giành 1 HCV tại ASIAD 2014 sẽ được cộng thêm 3 HCV Đại hội TDTT toàn quốc; 1 HCV SEA Games, HCB Asian Games 2014 được cộng thêm 2 HCV và 1 HCĐ Asian Games 2014 hoặc 1 HCV SEA Games 2013 được cộng thêm 1 HCV vào bảng tổng sắp huy chương của đơn vị đó. Như vậy, dù đại hội chưa diễn ra nhưng những địa phương "mạnh về gạo, bạo về tiền", có nhiều VĐV đạt thành tích cao tại các giải đấu khu vực và châu lục đã sở hữu vô số huy chương vàng. Có thể nói cách tính thành tích thể thao kiểu như vậy chỉ có ở Việt Nam!

Phải khẳng định rằng, những chuyện lộn xộn, bát nháo trên chính là biểu hiện của bệnh thành tích - vốn được coi là căn bệnh trầm kha, thâm căn cố đế của thể thao Việt Nam. Và mặc dù lâu nay vẫn được núp dưới những từ ngữ bóng bảy như là "để phát triển phong trào thể thao của địa phương", "liên kết để giúp nhau phát triển", "tạo động lực thi đấu cho các VĐV", thế nhưng những cách làm thể thao như thế rõ ràng là lợi bất cập hại, thậm chí còn có nguy cơ triệt tiêu động lực thi đấu của VĐV, nhất là ở những địa phương thuộc diện "hộ nghèo", điều kiện kinh tế khó khăn…

Đại hội TDTT toàn quốc là cuộc biểu dương lực lượng thể thao, thường được gắn với tiêu chí "khỏe vì nước", đồng thời là dịp để đánh giá toàn diện sự phát triển của phong trào TDTT các địa phương thông qua công tác đào tạo, tập luyện cũng như thi đấu. Thế nhưng, những bất cập trong công tác tổ chức cũng như thi đấu thể hiện ở kỳ đại hội này đã làm mất đi ý nghĩa cao quý của ngày hội thể thao của cả nước, không những thế còn dẫn đến nguy cơ làm suy yếu nền thể thao nước nhà. Vì vậy, dư luận cho rằng ngành thể thao phải sớm có biện pháp kiên quyết để chấm dứt cách làm thể thao kiểu "ăn xổi ở thì" như hiện nay.

Hà Anh