Những tỷ phú trên đất đồi gò

Xã hội - Ngày đăng : 06:41, 07/12/2014

(HNM) - Trời còn mờ sáng, khắp cánh đồng xã Cổ Đông đã rộn rã tiếng nói cười của những nông dân đi làm sớm.



Trong khu vườn đào xanh tốt phủ kín một vùng, anh Nguyễn Việt Dũng cho biết, khu đất rộng 3,4ha này là đất đồi gò, trước đây chỉ trồng sắn, keo, bạch đàn và phải mất nhiều năm mới được thu hoạch, mà thu cũng chẳng đáng kể. Từ năm 2011, anh đã đưa hơn 10.000 cây đào phai, đào bích về trồng. Chỉ sau 2 năm, vụ đào Tết năm 2013, trang trại của anh đã cung cấp cho thị trường khoảng 1.000 cây đào với giá trung bình 500.000 đồng/cây, thu về khoảng 500 triệu đồng. "Vụ đào năm nay, gia đình có khoảng 3.000 cây có thể khai thác được, nhưng gia đình anh sẽ bán khoảng 1.200 cây, thu về dự kiến khoảng 600 triệu đồng, cao hơn trồng sắn hàng chục lần"- anh Dũng cho biết thêm.

Trang trại nuôi thỏ ở xã Cổ Đông, Sơn Tây.


Nếu như anh Nguyễn Việt Dũng năng động đưa cây hoa về trồng trên đất đồi gò thì gia đình anh Vũ Chí Kiên và anh Nguyễn Văn Toản ở khu 916, xã Cổ Đông lại thực hiện mô hình chăn nuôi mới, đó là chăn nuôi thỏ New Zealand theo hướng công nghiệp. Trên diện tích đồi gò rộng khoảng 22ha, các anh đã đầu tư gần 10 tỷ đồng để xây dựng chuồng trại, trồng cỏ chăn nuôi. Hiện tại trang trại này đang nuôi khoảng 6.000 thỏ sinh sản để cung cấp giống cho các trang trại khác trong chuỗi liên kết cung cấp thịt sang thị trường Nhật Bản, EU. Theo tính toán của anh Kiên, nếu mỗi con thỏ sinh 6 lứa/năm thì mỗi năm một thỏ mẹ có thể sinh sản được khoảng 48-50 thỏ con. Với giá thỏ giống trung bình 400 - 500 nghìn đồng/con, mỗi thỏ mẹ sẽ cho giá trị 21,5 triệu đồng/năm.

Bên cạnh đó, giống gà bản địa được người dân Sơn Tây nuôi từ nhiều năm nay là gà Mía đã được ông Vũ Duy Hùng đầu tư phát triển chăn nuôi quy mô lớn theo hướng hàng hóa. Theo ông Hùng, gà Mía Sơn Tây là sản vật ngon nức tiếng nhưng không có nhiều để cung ứng ra thị trường, trong khi đó đất nông nghiệp của Sơn Tây lại chủ yếu là đồi gò, phù hợp với điều kiện chăn thả. Chính vì vậy, ông Hùng đã quyết định phục tráng và phát triển chăn nuôi đàn gà Mía, hướng tới đăng ký nhãn hiệu gà Mía Sơn Tây. Hiện, gia đình ông đang có khoảng 10 nghìn gà giống bố mẹ, mỗi năm cung cấp cho thị trường khoảng 1 triệu gà con giống. Riêng năm 2014, trang trại của ông đã cung cấp 1,5 triệu con giống và khoảng 5 tấn gà thịt cho thị trường, thu về hàng trăm triệu đồng.

Đó chỉ là một trong số rất nhiều mô hình chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi hiệu quả ở Sơn Tây. Theo Trưởng phòng Kinh tế thị xã Sơn Tây Phùng Huy Vinh, những năm gần đây, thị xã đã tích cực chỉ đạo chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, hình thành một số mô hình sản xuất hiệu quả cao, từng bước khắc phục tình trạng độc canh cây lúa. Điển hình như ở Cổ Đông, là xã có địa hình rộng, đồi gò, nhân dân đã phát triển nhiều mô hình chăn nuôi trang trại, mô hình VAC. Hay như ở xã Kim Sơn có lợi thế trồng cỏ nuôi bò sữa nên rất nhiều nông dân trong xã đã đầu tư vốn mua bò sữa về nuôi. Chỉ riêng chương trình bò sữa và gà Mía, thị xã đã hỗ trợ được 26 hộ chăn nuôi gà Mía với số lượng 30.000 con, 40 hộ được hỗ trợ kinh phí mua bò sữa và 9 hộ được hỗ trợ máy vắt sữa bò. Thị xã Sơn Tây cũng đã phối hợp với Sở NN&PTNT và các đơn vị trực thuộc triển khai mô hình chăn nuôi lợn thịt an toàn sinh học với quy mô 220 con tại xã Thanh Mỹ và Kim Sơn; mô hình nuôi gà thả vườn, gà đồi an toàn sinh học quy mô 10.000 con tại xã Kim Sơn, Đường Lâm, Xuân Sơn, Thanh Mỹ, phường Trung Hưng…

Các mô hình sản xuất trên đã góp phần nâng cao hiệu quả kinh tế và thu nhập cho nông dân. Nhờ đó, thu nhập bình quân đầu người của thị xã năm 2014 đạt khoảng 24 triệu đồng, tăng gần 5 triệu đồng so với năm 2010. Và quan trọng hơn, đây chính là những điển hình mang lại kinh nghiệm, tạo động lực để nhiều hộ dân khác trên địa bàn thị xã học tập, nhân lên những mô hình sản xuất nông nghiệp hiệu quả.

Nguyễn Mai