Chất men ở tâm hồn và tư duy độc đáo

Văn hóa - Ngày đăng : 06:30, 07/12/2014

(HNM) - Đại hội Hội Văn học nghệ thuật (VHNT) các dân tộc thiểu số lần thứ V (2014-2019) vừa diễn ra tại Hà Nội giống như một cuộc hội ngộ những tiếng nói VHNT đa dạng, phong phú của các dân tộc anh em trên cả nước.

Một vùng tươi sắc và hấp dẫn

Phải nói xưa nay công chúng vẫn quen thưởng thức tác phẩm cũng như biết đến tên tuổi của văn nghệ sĩ các dân tộc thiểu số nổi tiếng với tâm thế "con của một nhà". Vì vậy, chỉ đến khi có những cuộc điểm danh riêng mới giật mình thấy sự đóng góp to lớn của các văn nghệ sĩ trưởng thành từ bản cao, rừng xa từ những buôn làng, bếp lửa bập bùng những giai điệu những câu chuyện cổ đầy màu sắc... Có thể kể đến nhà văn Nông Quốc Chấn, nhà thơ Nông Minh Châu, Bàn Tài Đoàn, Lò Ngân Sủn, đạo diễn Nông Ích Đạt, nhà văn Vi Hồng, nghệ sĩ Kim Nhớ, NSND Lương Kim Vĩnh, nghệ nhân Điểu Câu, nhà nghiên cứu Nông Trung...

Như vậy để thấy, nền văn nghệ Việt Nam không thể thiếu VHNT các dân tộc thiểu số, nhất là trong việc bồi đắp giá trị tinh thần chung cho dân tộc và xây dựng con người Việt Nam giàu có về bản sắc văn hóa, vững vàng trong cuộc hội nhập đầy thử thách này. Năm 2012, nhà thơ dân tộc Tày - Dương Thuấn và NXB Tri thức cho ra mắt tập "Văn hóa Tày ở Việt Nam và tiến trình hội nhập thế giới". Bạn đọc chắc chắn sẽ bất ngờ khi được biết rõ hơn về một nền văn học dân gian đáng trân trọng của người Tày, về đời sống tinh thần phong phú với những giá trị về lòng yêu thương, tình cảm gia đình, biết ơn tiền nhân... rất gần gũi với phong tục, truyền thống lâu đời của dân tộc Việt ta.

Thông điệp chung của văn hóa, văn nghệ các dân tộc thiểu số là thông điệp về một giá trị tinh thần vượt lên các giá trị vật chất thông thường. Tinh thần ấy nếu được chuyển tải vào VHNT một cách nhuần nhuyễn chắc chắn sẽ mang đến những cảm thức mới cho thế giới tinh thần của người Việt nói chung. Bên cạnh đó, nói như nhạc sĩ Nông Quốc Bình, Chủ tịch Hội VHNT các dân tộc thiểu số Việt Nam thì "Đời sống xã hội, thiên nhiên và con người miền núi, dân tộc là đề tài lớn, chứa đựng nhiều yếu tố phức tạp của dân tộc và thời đại đã và đang thu hút sự quan tâm, khám phá, tìm tòi và thể hiện bằng hình tượng nghệ thuật".

Ý nghĩa và mong muốn là vậy, nhưng thực tế sáng tác, quảng bá tác phẩm VHNT các dân tộc thiểu số không phải không có nhiều trở ngại.

Không để trôi đi nguồn cội

Trong các đại hội của giới VHNT cả nước, có lẽ Đại hội Hội VHNT các dân tộc thiểu số là không gian đa sắc nhất về trang phục. Và đương nhiên phía sau đó là một vùng văn hóa với nhiều chia sẻ về đời sống VHNT với bản sắc riêng.

Nhà thơ trẻ Phan Tú Anh (sinh năm 1982, người dân tộc Mường ở Thanh Hóa) bày tỏ: Nhiều vùng văn hóa Mường hiện nay không còn giữ được nguyên gốc, chỉ còn lại những mảng không đầy đủ, khiến cho người trẻ rất khó nắm bắt được nguyên bản văn hóa dân tộc mình. Nhưng may mắn là nhiều văn nghệ sĩ người Mường đi trước đã rất tâm huyết trong việc gìn giữ vốn cổ như Hà Cẩm Anh, Vương Anh, Hoàng Anh Nhân..., giúp ích rất nhiều cho người sáng tác đi sau.

Ảnh minh họa từ internet


Quả thật, sự biến đổi các vùng văn hóa là một thách thức không nhỏ đối với các thế hệ văn nghệ sĩ trẻ. Hội VHNT các dân tộc thiểu số đã cùng nhau chỉ ra và thừa nhận một xu thế không vui trong đời sống sáng tác hiện nay là "xa rời ngọn nguồn bản sắc dân tộc" và "vọng ngoại". Còn nhớ, nhà thơ Dương Thuấn (dân tộc Tày) từng viết "Tôi đã đứng ở bản Hon nhỏ bé của tôi ở huyện Ba Bể, tỉnh Bắc Kạn để nhìn ra thế giới, để đem văn hóa của dân tộc mình đến với năm châu". Nhà thơ này cũng nhắn nhủ về sự gìn giữ bản sắc dân tộc trong một bài thơ rằng "Em ơi ta ở đâu/Là bản ta ở đó".

Nhà thơ Inrasara (dân tộc Chăm) chia sẻ: "Nếu bà mẹ người Kinh thường thốt lên "Trời đất ơi!" thì bà mẹ người Chăm lại kêu "Trời biển ơi!" Mỗi tiếng nói, câu chữ phải chuyển tải cả thế giới tâm hồn dân tộc đó! Và người sáng tác phải là người nghiên cứu sâu về văn hóa dân tộc mình; không phải là nghiên cứu hàn lâm mà là sự thấu hiểu đến tận ngọn nguồn để chuyển tải tâm hồn dân tộc".

Đứng ở tầm bao quát, hiện nay VHNT các dân tộc thiểu số còn một thách thức lớn là sự phát triển không đồng đều ở các vùng, các dân tộc. Có những dân tộc có nền văn hóa vô cùng đặc sắc nhưng đến nay lại chưa có một đại diện văn nghệ sĩ - hội viên nào.

Một thách thức khác là gìn giữ vốn văn hóa dân tộc thông qua phương thức sáng tác bằng tiếng dân tộc, hoặc dịch ra song ngữ. Nhìn lại danh sách tác giả, tác phẩm được đầu tư sáng tác từ năm 2007 đến 2013 đã thấy sự xuất hiện ngày một nhiều hơn của các tác phẩm song ngữ như Việt - Mông, Tày - Nùng, Việt - Mường, Tày - Việt, Bana - Việt, Khơ me - Việt... Nói như nhà văn Cao Duy Sơn thì các nhà văn dân tộc thiểu số phải tư duy, sáng tác hai lần, đầu tiên là bằng tiếng mẹ đẻ sau đó lại chuyển sang tiếng phổ thông.

Dịp đại hội vừa qua, Hội VHNT các dân tộc thiểu số Việt Nam đã kiến nghị với Đảng, Nhà nước về thực hiện dự án bồi dưỡng, tạo nguồn đội ngũ văn nghệ sĩ người dân tộc thiểu số và dự án hỗ trợ kinh phí xuất bản tác phẩm công trình VHNT có giá trị của các tác giả là người dân tộc thiểu số. Đặc biệt, hội kiến nghị nghiên cứu chọn lọc những tác phẩm VHNT dân tộc thiểu số tiêu biểu để đưa vào giảng dạy trong nhà trường.

Thiết nghĩ đây cũng là những động thái cần thiết để VHNT các dân tộc thiểu số luôn được ủ trong thứ men say của tâm hồn và tư duy độc đáo.

Thi Thi