Tìm trong di sản

Văn hóa - Ngày đăng : 06:27, 07/12/2014

(HNM) - "Giai phẩm thơ" là tủ sách do Nhã Nam cùng các nhà văn nhà nghiên cứu như Lại Nguyên Ân, Đoàn Ánh Dương, Văn Giá... thực hiện với mong muốn vinh danh những thi phẩm đẹp còn mãi với thời gian của các tác giả nổi tiếng trong nền văn học Việt Nam.

6 tập đầu tiên đã ra mắt trong đó có "Điêu tàn" của Chế Lan Viên, "Quê Ngoại" của Hồ Dzếnh, "Tiếng thu" của Lưu Trọng Lư, "Thơ Hàn Mặc Tử", "Lỡ bước sang ngang" của Nguyễn Bính...

Có thể nói, việc tái bản và công bố những danh tác đã lưu dấu trong đời sống ngoài việc mang lại lợi ích thiết thực cho người đọc thì nó cũng là xu thế khai thác bản thảo đang rất được chú ý của xuất bản hiện nay. Còn nhớ, khi NXB Trẻ giới thiệu lại gần như trọn bộ các tác phẩm của nhà nghiên cứu Nguyễn Duy Cần (hiệu Thu Giang) như "Óc sáng tạo", "Tôi tự học"... thì sự kiện ra mắt bộ sách này đã thu hút sự chú ý của không ít người đọc nhiều lứa tuổi, đặc biệt là giới trẻ ham nghiên cứu. Thế nhưng, việc tái bản những ấn phẩm của các tác giả tên tuổi, nhất là ở thời điểm cách xa hiện nay, sẽ phải đồng thời giải quyết nhiều vấn đề như lựa chọn bản thảo nào chính xác nhất (bản gốc thường là căn cứ đầu tiên nhưng trong thực tế, ngay bản gốc cũng được các tác giả sửa chữa trong các lần tái bản sau); rồi thì tổ chức mỹ thuật thể hiện ở bìa sách, minh họa, trang trí sao cho ra bản in mới mà lại không xa lạ với hồn cốt và ấn tượng đã có về tác phẩm...

Được biết, 6 ấn phẩm thơ nói trên cũng được xuất bản với khổ sách gần vuông, khá quen thuộc với các ấn phẩm thơ giai đoạn 1930-1975, font chữ được thiết kế nét thanh nét đậm để gợi lại công nghệ in và sắp chữ xưa, bìa sách được nhiều họa sĩ có tiếng tham gia thiết kế nhưng vẫn giữ lại một số trang trí của bản in cũ...

Có thể nhận ra cách làm khôn ngoan để thu hút người đọc nhiều lứa tuổi khi vừa muốn tiếp nhận cái mới vừa hoài niệm cái đã qua. Và như thế cũng mới hay, trong khi thiếu bản thảo thì vẫn có người kêu, nhưng lại cũng không ít người biết "tìm trong di sản" để tái bản những công trình, tác phẩm giá trị, tiếng là vốn cũ nhưng thật ra với nhiều người, nhất là thế hệ trẻ lại vẫn là tác phẩm mới.

Người Lái Đò