Cách lập sơ đồ hệ thống kiến thức hiệu quả?

Xã hội - Ngày đăng : 06:21, 07/12/2014

Vào thời điểm này, học sinh (HS) đã trải qua những đợt kiểm tra giữa kỳ và nhiều môn học đã chuẩn bị bước vào giai đoạn ôn tập. Để làm tốt những bài thi kết thúc học kỳ 1 sắp tới, các em phải biết cách lập sơ đồ hệ thống kiến thức để ôn tập dễ dàng hơn. Hãy cùng lắng nghe chia sẻ của thầy cô và các bạn HS về phương pháp này nhé.

Em Hoàng Thu Phương (HS lớp 9A5, Trường THCS Đống Đa):

- Em thấy hệ thống kiến thức một cách hiệu quả nhất là… vẽ và kẻ sơ đồ. Mỗi bài học trong một bộ môn đều liên quan đến nhau, kiến thức này là mở đầu cho kiến thức kia. Do đó, mỗi môn học em đều tự làm một biểu bảng vẽ khoanh tròn các kiến thức cơ bản rồi dùng các biểu tượng mũi tên, dấu sao dẫn ra các kiến thức cơ bản khác. Sau khi hoàn thành sơ đồ này, em dán ở chỗ dễ nhìn nhất hoặc ở góc học tập, chỗ để sách để mỗi khi học bài đều nhìn thấy và ghi nhớ được. Nhờ phương pháp vẽ và làm bản đồ này nên em ghi nhớ kiến thức nhanh hơn rất nhiều. Trước mỗi kỳ thi em đều ôn tập dễ dàng hơn chứ không bị tình trạng học nhồi nhét, thức khuya dậy sớm mới học được hết đáp án.

Em Nguyễn Minh Duy (HS lớp 8H2, Trường THCS Trưng Vương):

- Kiến thức chưa được hệ thống, nhiều bài học vẫn chưa hoàn thành, cùng vô số đáp án trắc nghiệm... đều khiến HS chúng em vô cùng hoang mang. Em thường không hệ thống kiến thức một cách quá chi tiết, cụ thể vì cách này sẽ khó học được hết. Nếu không biết bắt đầu từ đâu, hãy nhìn vào phần mục lục ở cuối sách giáo khoa, đó là toàn bộ khối kiến thức HS cần nắm vững. Đầu tiên, em đánh dấu vào những phần quan trọng, gom những kiến thức lẻ của từng phần lại, sắp xếp theo thứ tự từ cơ bản đến nâng cao. Mỗi khi cô giáo giảng bài, em luôn chú ý xem phần nào cô nói sẽ là phần hay ra trong đề thi, phần trọng tâm của bài. Sau đó em ghi chép lại những kiến thức này bằng những ý chính gạch đầu dòng. Trước kỳ thi em sẽ chú ý để học lại vì "thi gì học nấy" còn các kiến thức phụ em sẽ học sau.

Cô Trịnh Ngân (giáo viên dạy văn - sử, Trường THCS Ngọc Lâm):

- Nhiều môn học hiện nay đều có dạng thi trắc nghiệm, kiến thức rộng, đòi hỏi các em phải biết cách tổng hợp và hệ thống kiến thức. Để hệ thống kiến thức tốt, trước hết các em cần học thật kỹ các khái niệm, định nghĩa và ghi chép cẩn thận, chú ý các khái niệm hơi giống nhau dễ gây nhầm lẫn. Khi học bài phải học từ ngoài vào trong: Nghĩa là phải nắm vững các vấn đề lớn, sau đó phân tích dần các vấn đề bên trong tùy vào khả năng của mình. Mỗi môn học nên lập sơ đồ, phân chia và tìm những điểm riêng trong các quy luật, định luật để phân biệt chúng.

Việc lập sơ đồ cũng giúp HS tìm mối liên hệ giữa các chương, bài để kết nối kiến thức. Mỗi khi học cần đọc qua một vài lần, sau đó đọc kỹ từng câu, gạch chân những ý nổi trội. Cách học này không chỉ hiệu quả với những môn khoa học mà ngay cả những môn xã hội cũng rất tốt. Ví dụ như môn văn, các em có thể lập bảng hệ thống các tác giả văn học theo năm sinh, quê quán, nhận xét về những tác phẩm, đóng góp, hạn chế…

Thanh Phong