Giấy phép một đằng, làm một nẻo!
Đời sống - Ngày đăng : 08:01, 06/12/2014
Tại sao gia hạn "giấy phép"?
Sau khi Báo Hànộimới đăng bài "Tại chân cầu Thăng Long (phường Đông Ngạc, quận Bắc Từ Liêm): Vẫn ngang nhiên trông giữ xe!", chúng tôi nhận được thông tin phản hồi rằng Công ty Hà Thái đã có "giấy phép". Tuy nhiên thực tế đó chỉ là bản Thỏa thuận số 2787/ GTVT-QLVT do Sở GTVT Hà Nội cấp, theo đó Sở đồng ý để Công ty Hà Thái tạm thời sử dụng gầm cầu Thăng Long từ trụ N4 đến trụ N9 làm bãi tập kết phương tiện giao thông đường bộ phục vụ giao thông công cộng và công tác duy tu, sửa chữa cầu Thăng Long. Đáng chú ý là văn bản này được ký ngày 31-10-2014 nhưng lại cho phép Công ty Hà Thái được sử dụng gầm cầu kể từ ngày 22-10-2014 đến hết ngày 21-4-2015, tức là ký sau khi "giấy phép" có hiệu lực… gần chục ngày.
Biển báo trông giữ xe được dựng ngay hàng rào. |
Điều 10, Thông tư 39/2011/TT-BGTVT quy định về quản lý và bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ đã nêu rõ: "Không được sử dụng gầm cầu đường bộ làm nơi ở, hoạt động kinh doanh dịch vụ, điểm dừng xe". Vướng quy định này nên việc tổ chức trông giữ xe tại gầm cầu Thăng Long của Công ty Hà Thái bị tạm dừng cấp phép. Thế nhưng, không hiểu sao lại có việc Sở GTVT Hà Nội "gia hạn giấy phép"?
Bà Kiều Thị Bạch Tuyết - Phó Trưởng phòng Quản lý vận tải - Sở GTVT Hà Nội: Với Văn bản số 2787/SGTVT-QLVT ngày 30-10-2014, Sở GTVT Hà Nội chỉ đồng ý thỏa thuận để Công ty TNHH MTV Quản lý đường sắt Hà Thái tạm thời sử dụng gầm cầu Thăng Long làm bãi tập kết phương tiện giao thông do đặc thù công việc là duy tu sửa chữa cầu; chứ không được phép kinh doanh dịch vụ trông giữ xe. |
Tìm hiểu vấn đề này, phóng viên Báo Hànộimới đã có buổi làm việc với Sở GTVT Hà Nội. Bà Kiều Thị Bạch Tuyết - Phó Trưởng phòng Quản lý vận tải cho biết: Việc "đồng ý thỏa thuận" là để tạo điều kiện cho đơn vị hoàn thành việc lập và trình cấp trên phê duyệt kế hoạch quản lý, sử dụng hành lang an toàn đường bộ, đường sắt tại khu vực cầu Thăng Long Km8+947 tuyến đường sắt Bắc Hồng - Văn Điển, nhằm bảo đảm khai thác công trình cầu Thăng Long được an toàn, tránh tình trạng lấn chiếm hành lang ATGT và thuận lợi cho công tác duy tu, sửa chữa cầu.
Được biết, trước đó (ngày 14-3-2012) Bộ GTVT đã có Văn bản 1766/BGTVT-KCHT chấp thuận giao Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam lập kế hoạch quản lý, sử dụng hành lang an toàn đường bộ, đường sắt tại khu vực cầu Thăng Long Km8+947 tuyến đường sắt Bắc Hồng - Văn Điển vào mục đích giao thông công cộng, bảo vệ môi trường để trình cấp có thẩm quyền xem xét quyết định. Nhiệm vụ này được Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam giao cho Công ty Hà Thái trực tiếp thực hiện với bản kế hoạch đầy đủ nội dung, bản vẽ liên quan đến việc giải tỏa vi phạm, xây dựng các công trình bảo vệ chống lấn chiếm, chống tái lấn chiếm, giải pháp khai thác sử dụng phần diện tích trong phạm vi hành lang ATGT cầu Thăng Long… Song, đến hết ngày 31-12-2013, Công ty Hà Thái vẫn chưa hoàn thành kế hoạch. Do đó, Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam "chốt" tiến độ thực hiện: trình nộp kế hoạch trong quý I-2014, phê duyệt kế hoạch trong quý II-2014; nghiên cứu, thẩm định tham mưu để Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam trình Bộ GTVT phê duyệt…
"Bãi tập kết" hay "điểm trông giữ xe"?
Mặc dù Công ty Hà Thái chỉ được cho phép làm bãi tập kết phương tiện giao thông để phục vụ việc duy tu, sửa chữa cầu và bảo đảm trật tự ATGT, trật tự đô thị, chống lấn chiếm hành lang ATGT đường sắt, nhưng có mặt tại gầm cầu Thăng Long (trụ N4 đến N9) ngày 20-11-2014, phóng viên nhìn thấy tấm biển báo: "Điểm trông giữ xe ô tô - xe máy ngày và đêm" treo ngay ngoài hàng rào. Thực tế cho thấy "phép" một đằng, công ty này làm một nẻo. Tại đây thường xuyên có đến hàng trăm phương tiện giao thông ra vào mỗi ngày, phần lớn chẳng liên quan gì đến công tác duy tu bảo dưỡng đường giao thông. Ngoài ô tô 4 chỗ, còn có rất nhiều xe khách chạy đường dài mang biển kiểm soát Sơn La, Điện Biên… nằm nối đuôi nhau chờ đón khách trong "bãi tập kết" dưới chân cầu. Trong vai một khách hàng vào gửi xe, chúng tôi nhận được tấm vé gửi xe tự tạo có đánh số do Công ty cổ phần Xây dựng Thăng Long 306 đóng dấu đỏ, phát hành (trong khi biển báo bên ngoài điểm trông giữ lại ghi rất rõ và cụ thể tư cách pháp nhân là Công ty Hà Thái)!?
Lý giải về vấn đề này, ông Nguyễn Bá Thực - Giám đốc Công ty Hà Thái cho biết: Trước đây Công ty cổ phần Xây dựng Thăng Long 306 là đơn vị thi công phần nền của gầm cầu Thăng Long. Do đó mấy năm gần đây Công ty Hà Thái đã cho Công ty cổ phần Xây dựng Thăng Long 306 mượn tư cách pháp nhân để kinh doanh, giúp người lao động có thêm thu nhập. Đối với những sai phạm trong thời gian qua của Công ty cổ phần Xây dựng Thăng Long 306, ông Thực quả quyết: "Hiện nay có thể coi Công ty cổ phần Xây dựng Thăng Long 306 là một đơn vị của Hà Thái. Tuy nhiên, nếu việc trông giữ không đầy đủ các thủ tục, quy định của cơ quan có thẩm quyền cho phép thì đội trưởng đội trông giữ phải chịu trách nhiệm trước pháp luật".
Việc "lập lờ đánh lận con đen", nhập nhằng giữa "bãi tập kết" với "điểm trông giữ phương tiện…" là một thực tế đang diễn ra ở đây. Người dân băn khoăn tự hỏi: Trong suốt một thời gian dài tồn tại, số tiền phí thu từ điểm trông giữ xe này (tuy trái phép) hẳn là không nhỏ, nhưng có đóng góp được gì cho ngân sách nhà nước và địa phương hay rơi vào túi ai và trách nhiệm quản lý của các cơ quan chức năng trong vụ việc này đến đâu? Câu hỏi này xin dành phần trả lời cho Sở GTVT Hà Nội.
Trường hợp sử dụng gầm cầu đường bộ trong đô thị làm bãi đỗ xe tạm thời phải được UBND cấp tỉnh quyết định đối với gầm cầu trên đường đô thị do địa phương quản lý, Bộ GTVT quyết định đối với gầm cầu trên quốc lộ đi qua đô thị trên cơ sở đề xuất của UBND cấp tỉnh.