Tranh cãi về taxi Uber: Vẫn chuyện… “nồi cơm”

Kinh tế - Ngày đăng : 07:50, 06/12/2014

(HNM) - Lựa chọn taxi Uber sẽ có giá rẻ hơn taxi truyền thống; hệ số an toàn cao bởi mọi hành trình và thanh toán đều được công khai minh bạch do quản lý bằng công nghệ. Tuy nhiên, do còn mới nên Uber mong muốn được tiếp xúc, trao đổi với các ngành chức năng của Việt Nam để mô hình này được thừa nhận rộng rãi.


Mặt tích cực đã rõ

Taxi Uber là một dịch vụ tận dụng chức năng điện thoại di động thông minh để kết nối lái xe taxi với những người có nhu cầu đi lại. Hành khách có nhu cầu chỉ cần dùng ứng dụng Uber để đăng ký hành trình, hệ thống sẽ tự động kết nối với một chủ xe (có đăng ký tham gia vào ứng dụng Uber), sau đó hiển thị thông báo các thông tin về chi phí chuyến đi, chiếc xe sắp đến đón. Nếu khách hàng đồng ý, chi phí sẽ trả qua thẻ thanh toán quốc tế Visa, Mastercard mà không dùng tiền mặt.



Ông Michel Brown Tổng Giám đốc khu vực Đông Nam Á của Công ty Uber cho biết, công nghệ đã, đang làm thay đổi thế giới. Và công nghệ của Uber mang lại nhiều tiện ích, giúp việc đi lại an toàn hơn với chi phí rẻ hơn. Hiện Uber đã có mặt tại 250 thành phố ở 50 quốc gia. Uber gia nhập thị trường TP Hồ Chí Minh từ tháng 7-2014 và đã phát triển một cách nhanh chóng. Uber cũng đã thâm nhập vào thị trường Hà Nội.

Đánh giá về lợi ích mà công nghệ Uber mang lại, các chuyên gia của Uber cho rằng, Uber tối ưu hóa hiệu suất sử dụng của mỗi chiếc xe. Thay vì xe phải chạy rỗng để tìm khách thì với công nghệ này, xe không phải di chuyển nhiều để tìm khách. Hành khách có nhu cầu đi lại và tài xế taxi sẽ dễ dàng tìm thấy nhau trong thời gian ngắn nhất chỉ thông qua vài thao tác trên điện thoại thông minh. Với mỗi chuyến đi, Uber hưởng 20% phí dịch vụ, chủ xe hưởng 80%. Tất cả thông qua định vị GPS và phần mềm Uber tích hợp trên điện thoại. Chính lý do này khiến cho chi phí đi lại của khách hàng rẻ hơn rất nhiều. Trong khi đó, các hãng taxi không phải đầu tư quá nhiều xe. Ách tắc giao thông và ô nhiễm môi trường chắc chắn sẽ giảm bởi lượng xe chạy rỗng đã giảm đáng kể.

Loại hình kinh doanh này có an toàn cho hành khách và tuân thủ đúng pháp luật Việt Nam? Có hay không việc Uber và các đối tác kinh doanh vận tải trốn nghĩa vụ thuế với Nhà nước? Trước câu hỏi này, ông Michael Brown khẳng định, Uber và các đối tác của Uber bảo đảm tuân thủ hoàn toàn pháp luật của Nhà nước Việt Nam cũng như nghĩa vụ thuế. Về thuế, tất cả việc thanh toán đi lại đều qua thẻ tín dụng nên các cơ quan thuế có thể dễ dàng kiểm soát. Để trở thành đối tác vận chuyển của Uber, các doanh nghiệp vận tải đều phải có giấy phép kinh doanh và thực hiện đầy đủ nghĩa vụ với Nhà nước. Ngoài ra, Uber sẽ kiểm tra lý lịch cũng như quá trình sử dụng phương tiện giao thông trong thời gian trước đây của các tài xế đối tác. Đồng thời, phương tiện vận chuyển của đối tác cũng được kiểm tra nghiêm ngặt, bảo đảm tiêu chuẩn chất lượng và phải đăng ký bảo hiểm đầy đủ mới được kết nối tới khách hàng thông qua một ứng dụng toàn cầu duy nhất. Taxi không được phép dừng đỗ, đón khách tùy tiện. Toàn bộ thông tin về hành trình, chi phí của chuyến đi cũng được minh bạch. Hành khách có thể trực tiếp chia sẻ các thông tin đó với người thân ngay trong quá trình sử dụng dịch vụ Uber. Đặc biệt, qua dịch vụ này, tài xế luôn được hành khách đánh giá chất lượng qua mỗi chuyến đi. Nếu khách phản hồi không tốt, chính cơ quan điều hành Uber sẽ có những hành động kịp thời để bảo đảm chất lượng dịch vụ tốt nhất cho hành khách. Đây chính là sự cạnh tranh lành mạnh, cung gặp cầu và bên bán lẫn bên mua đều có thể đánh giá lẫn nhau một cách minh bạch.

Vì sao chưa được chào đón?

Những người đã từng sử dụng dịch vụ này đều khẳng định sẽ lựa chọn taxi Uber cho những hành trình kế tiếp bởi sự hiệu dụng của nó. Nhưng với các cơ quan chức năng thì khác. Trao đổi với phóng viên Báo Hànộimới, một số chuyên gia trong lĩnh vực giao thông cho rằng, cơ chế, chính sách quản lý đều đã được ban hành từ trước. Trong khi công nghệ thông tin phát triển như vũ bão, làm thay đổi môi trường kinh doanh và khiến cho nhiều cơ chế, chính sách trở nên lạc hậu, phải thay đổi. Nhưng không phải ai cũng dũng cảm thừa nhận điều đó. Các hãng taxi truyền thống hiện nay lại càng không muốn mở cửa cho loại hình này bởi nó đá đổ "nồi cơm" của họ. Nhiều hãng taxi hiện nay đang hoạt động theo mô hình: lái xe không có tiền đầu tư mua xe thì phải lái thuê cho hãng, tỷ lệ ăn chia thường là 50/50. Còn nếu muốn mua xe thì một số hãng cũng không chấp nhận cho mua xe ngoài mà phải mua xe qua hãng, đương nhiên với mức giá cao hơn. Ngoài ra, hàng tháng tài xế còn phải trả một khoản không nhỏ cho chi phí điện đàm, định vị và đặc biệt là khoản thuê thương quyền. Nếu mô hình mới này phát triển, "miếng bánh" lợi ích của các hãng sẽ giảm đáng kể.

Mới đây, tại cuộc họp Ban cán sự đảng Bộ GTVT, Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng đã yêu cầu, nếu loại hình kinh doanh bằng phần mềm Uber chưa được quy định tại các văn bản quy phạm pháp luật, cơ quan chức năng phải có trách nhiệm rà soát, nghiên cứu bổ sung, để vừa thuận cho quản lý nhưng vừa tiện lợi cho người dân.

Về phía Uber, ông Michael Brown khẳng định: Mong muốn được gặp gỡ, trao đổi với các cơ quan chức năng liên quan của Việt Nam nhằm giới thiệu, qua đó có cơ hội được thừa nhận rộng rãi.

Tuấn Lương