Không nên bỏ quy định về nghị quyết liên tịch
Chính trị - Ngày đăng : 07:22, 06/12/2014
- Bộ Tư pháp đã đề xuất: Không tiếp tục quy định nghị quyết liên tịch giữa Ủy ban Thường vụ Quốc hội hoặc giữa Chính phủ với cơ quan TƯ của các tổ chức xã hội là văn bản pháp luật. Là đại diện một trong những cơ quan chịu tác động, ông có suy nghĩ gì?
- Theo tờ trình của Chính phủ, quy định như vậy là để phù hợp với quy định của Hiến pháp về phân công nhiệm vụ giữa các cơ quan nhà nước, về chức năng của các tổ chức chính trị - xã hội. Theo tôi, lý do nêu trên không đủ sức thuyết phục và thiếu cơ sở thực tiễn.
- Cơ sở nào để ông đưa ra nhận định trên?
- Từ năm 2008 đến nay, các thông tư liên tịch giữa Ban Thường trực Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam và một số tổ chức chính trị - xã hội ở TƯ, như Tổng Liên đoàn Lao động, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, Hội Nông dân Việt Nam với Bộ Công an, Bộ Y tế, Bộ Tài chính, Bộ Tư pháp, Thanh tra Chính phủ… phát huy tác dụng rất tốt. Việc này tạo cơ chế để MTTQ Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội thực hiện nhiệm vụ xây dựng chính quyền, giám sát hoạt động của cơ quan nhà nước, đại biểu dân cử, cán bộ, công chức nhà nước theo quy định của Hiến pháp. Không chỉ thông tư liên tịch, vừa qua còn có một số nghị quyết liên tịch về quy chế phối hợp công tác giữa Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam; giữa TAND Tối cao, Viện KSND Tối cao với MTTQ Việt Nam. Tại hội nghị kiểm điểm, đánh giá và sự tham gia của Chủ tịch nước, lãnh đạo Quốc hội, Chính phủ, của Tòa án, Viện KSND Tối cao diễn ra hằng năm, hầu hết ý kiến cho rằng việc thực hiện góp phần tăng cường mối quan hệ gắn bó giữa Chủ tịch nước, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ, TAND Tối cao, Viện KSND Tối cao với Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam và cơ quan TƯ của các tổ chức chính trị, xã hội trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của mỗi bên. Chưa thấy có ý kiến nào đề nghị thay đổi hay hủy bỏ hình thức văn bản pháp luật này.
- Nhưng cũng có ý kiến cho rằng, hệ thống văn bản pháp luật của chúng ta đang quá cồng kềnh, thưa ông?
- Vấn đề là phải rà soát, loại bỏ những văn bản không còn phù hợp. Tôi xin dẫn ví dụ. Không lâu nữa chúng ta sẽ tổ chức cuộc bầu cử Quốc hội khóa XIV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2016-2021. Bầu cử, hiệp thương, lựa chọn, giới thiệu người ứng cử đại biểu Quốc hội (ĐBQH) và ĐB HĐND không phải là việc riêng của MTTQ Việt Nam mà là của cả hệ thống chính trị. MTTQ Việt Nam cũng không phải là cơ quan nhà nước, văn bản do Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam ban hành không có tác dụng bắt buộc trong các cơ quan, tổ chức khác thuộc hệ thống chính trị. Chính vì thế, đối với mỗi cuộc bầu cử bao giờ Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Chính phủ cũng cùng với Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam ban hành một nghị quyết liên tịch để hướng dẫn công tác hiệp thương, lựa chọn, giới thiệu người ứng cử ĐBQH và ĐB HĐND, để các quy định về hiệp thương bầu cử có giá trị bắt buộc chung trong cả hệ thống chính trị, góp phần làm cho cuộc bầu cử thành công. Tới đây, giả sử không có hình thức văn bản pháp luật này nữa, Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Chính phủ sẽ phối hợp với Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam bằng cách nào?
- Mặc dù đề xuất bãi bỏ hình thức nghị quyết liên tịch giữa Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Chính phủ với cơ quan TƯ của các tổ chức chính trị, xã hội nhưng Bộ Tư pháp đã tập trung vào việc hoàn thiện các quy định về sự tham gia giám sát và phản biện xã hội của MTTQ đối với hoạt động xây dựng và thi hành pháp luật để nâng cao vị thế của Mặt trận, thưa ông?
- Tôi khẳng định, hai việc hoàn toàn khác nhau. Nghị quyết liên tịch là văn bản pháp luật cụ thể hóa mối quan hệ giữa cơ quan nhà nước với MTTQ Việt Nam. Theo đó, Mặt trận với tư cách là cơ sở chính trị của chính quyền nhân dân tham gia xây dựng Nhà nước và Nhà nước có trách nhiệm tạo điều kiện để MTTQ Việt Nam và các tổ chức thành viên thực hiện những nhiệm vụ trên theo quy định của Hiến pháp. Nó không giống với hoạt động tham gia xây dựng pháp luật của MTTQ Việt Nam và các tổ chức thành viên.
Xin cung cấp thêm, khi chúng ta đang nghiên cứu, thảo luận về dự luật này thì ngày 18-11-2014, Thủ tướng Chính phủ và Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam đã ký Nghị quyết số 01 hướng dẫn một số vấn đề thực hiện về quy định pháp luật hòa giải cơ sở. Nghị quyết liên tịch này cũng do Bộ Tư pháp chủ trì, soạn thảo. Hệ thống pháp luật của chúng ta cũng cần phải có những đặc thù, hình thức văn bản pháp luật, nghị quyết liên tịch giữa Quốc hội, Chính phủ với cơ quan TƯ của các tổ chức xã hội chính là nét đặc thù như thế. Theo Điều 5 của Luật MTTQ Việt Nam, quan hệ giữa Nhà nước và MTTQ Việt Nam là quan hệ phối hợp. Trên cơ sở quy chế phối hợp công tác, việc ban hành các nội dung liên tịch là nhằm đưa quan hệ phối hợp giữa hai bên vào một khuôn khổ pháp lý chung mà thôi. Việc giữ lại hình thức văn bản pháp luật này chỉ có tốt và không hề làm cồng kềnh thêm hệ thống văn bản pháp luật của chúng ta.
- Cảm ơn ông về cuộc trao đổi!