Phát triển điện hạt nhân: Xây dựng lòng tin cộng đồng là ưu tiên hàng đầu

Công nghệ - Ngày đăng : 22:51, 05/12/2014

Bà Tiina Tigerstedt, Giám đốc Quan hệ công chúng và truyền thông quốc tế của Công ty điện lực Fennovoima (Phần Lan) đã nhấn mạnh như vậy tại Diễn đàn Các nhà cung ứng công nghiệp hạt nhân khu vực Châu Á vừa diễn ra tại TP Hồ Chí Minh.

Truyền thông không thể đứng ngoài cuộc

Theo IAEA, thông tin, tuyên truyền là một trong 19 vấn đề cần thiết cơ bản của phát triển cơ sở hạ tầng ĐHN. Công tác tuyên truyền và thông tin đại chúng về ĐHN phải đi trước một bước khi triển khai dự án và phải tiếp tục thực hiện thường xuyên trong quá trình xây dựng, vận hành và cả khi nhà máy ĐHN dừng hoạt động.

Người dân đang xem bản quy hoạch chi tiết Nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận 1


Là quốc gia có diện tích tương đương Việt Nam nhưng dân số Phần Lan hiện chỉ khoảng 5,5 triệu người. Tuy nhiên, quốc gia Bắc  Âu này đang xây dựng cho mình một nền công nghiệp ĐHN đầy tham vọng. Bà Tiina Tigerstedt cho biết: Hiện điện năng tiêu thụ hằng năm theo đầu người của Phần Lan vào khoảng 18.000 kWh (Việt Nam là 1.140 kWh). Chúng tôi không có năng lượng dầu hay khí, trong khi thuỷ điện đã tối đa hoá hết mức và không phát triển thêm được nữa. Bốn lò phản ứng hiện đang hoạt động của Phần Lan với tổng công suất khoảng 2.700 MW, nằm trong những lò hoạt động hiệu quả nhất thế giới. Hiện lò thứ 5 đang xây và lò thứ 6 sẽ sớm được khởi công trong khi lò thứ 7 đã nằm trong tính toán. Tỷ trọng ĐHN trong sản lượng điện của Phần Lan hiện là 27% và Chính phủ có kế hoạch nâng tỷ lệ này lên. Sự đồng thuận trong dư luận ở Phần Lan về vấn đề này là tương đối khả quan. Trung bình hơn một nửa dân chúng đồng tình với ĐHN. Chính sách năng lượng ở Phần Lan rất nhất quán, do đó sẽ không có câu hỏi nào đặt ra như liệu chúng ta có nên phát triển ĐHN hay không. Tuy nhiên, nước này vẫn gặp phải những ý kiến không đồng tình. Hóa giải bài toán này quan trọng nhất là luôn cởi mở, minh bạch, thông tin tuyên truyền đến cộng đồng, luôn sẵn sàng với tất cả câu hỏi.

Sau sự cố tại Fukushima, Nhật Bản vào tháng 3-2011, các chuyên gia đều cho rằng, xây dựng "văn hóa an toàn ĐHN" là rất cần thiết khi phát triển lĩnh vực này. "Để xây dựng "văn hóa an toàn ĐHN" thì câu chuyện thông tin đến người dân là vô cùng quan trọng. Người dân phải hiểu được về những gì đã diễn ra, tác động của nó, rủi ro của ĐHN và đem so sánh, cân nhắc với nhu cầu điện mà họ luôn cần, để thấy chúng ta có thể làm gì để phát triển ĐHN tốt hơn. Ngoài ra, cũng cần thông tin về hạn chế và rủi ro của tất cả các dạng phát điện khác để công chúng có sự nhìn nhận một cách công bằng. Mục tiêu của vấn đề này là làm thế nào trong tương lai chúng ta có thể sử dụng ĐHN an toàn và hiệu quả hơn" - bà Tiina Tigerstedt khẳng định.

Việt Nam đã và đang làm gì?

Việt Nam mới bắt đầu chuẩn bị xây dựng công nghiệp ĐHN nên hiểu biết, nhận thức về ĐHN trong cộng đồng còn chưa đầy đủ, đồng đều. Việt Nam nhận thức được việc xây dựng lòng tin và sự ủng hộ của công chúng là một công việc quan trọng cần được tăng cường và tiến hành một cách có chiến lược, bài bản, thường xuyên, liên tục và lâu dài.

Ngày 28-2-2013, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Đề án thông tin, tuyên truyền về phát triển ĐHN ở Việt Nam đến năm 2020 tại Quyết định số 370/QĐ-TTg và giao Bộ KH&CN chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương, đặc biệt là tỉnh Ninh Thuận tổ chức thực hiện Đề án này một cách tích cực, hiệu quả. Tuy nhiên đến nay, như phát biểu của đại diện doanh nghiệp tỉnh Ninh Thuận tại Diễn đàn Các nhà cung ứng công nghiệp hạt nhân khu vực Châu Á thì người dân nơi dự kiến đặt Nhà máy ĐHN Ninh Thuận 1 đang rất băn khoăn về việc dự án nhiều khả năng sẽ phải lùi tiến độ nên công tác giải phóng mặt bằng, di dân tái định cư... chưa có hướng giải quyết, kéo theo đời sống dân sinh gặp nhiều khó khăn. Điều đó cho thấy công tác thông tin tuyên truyền về vấn đề này chưa được quan tâm đúng mức.

Trong khi đó, Giám đốc Trung tâm thông tin Năng lượng nguyên tử Hà Mạnh Thư cho biết, năm 2013, đơn vị này (thành lập tháng 12-2012) đã đón 17.000 lượt khách trong đó phần đông là học sinh, sinh viên đến tham quan, tìm hiểu về ĐHN. Dự kiến con số này trong năm 2014 là 20.000 người. "Nhiều cuộc họp báo, hội thảo, tọa đàm, diễn đàn về ĐHN với sự tham gia của các nhà khoa học, chuyên gia trong nước và quốc tế đã diễn ra tại Trung tâm, tập trung vào các nội dung phát triển hạ tầng, đảm bảo an toàn an ninh cho ĐHN. Trung tâm cũng giới thiệu rộng rãi 6 chương trình phim 3D đến học sinh, sinh viên và người dân... Được biết, mặc dù có nhu cầu nhưng do không lo được phương tiện đi lại nên nên nhiều trường chưa thể tổ chức cho học sinh đến thăm Trung tâm và con số 17.000 còn khá khiêm tốn so với tổng số học sinh, sinh viên ở Hà Nội" - ông Hà Mạnh Thư cho biết.

Công chúng "có lý" khi quan tâm tới vấn đề hạt nhân, mức độ an toàn, đặc biệt là vấn đề tiếp nhận công nghệ và tác động công nghệ an toàn thế nào khi phát triển ĐHN. Do đó, việc đưa thông tin đầy đủ đến cộng đồng cơ bản quyết định sự thành công, là cơ hội để Việt Nam nhận được sự ủng hộ, đồng thuận của công chúng trong xây dựng Nhà máy ĐHN Ninh Thuận 1 và các dự án tiếp sau.

Đỗ Quỳnh Chi