Bé được sinh ra từ tử cung của bà ngoại
Sức khỏe - Ngày đăng : 16:17, 05/12/2014
Hai bà mẹ nằm trong số 9 trường hợp được cấy ghép tử cung - trong đó có 7 ca thành công - được thực hiện tại Bệnh viện Đại học Sahlgrenska ở Gothenburg, Thụy Điển. Một trong hai người, 29 tuổi, sinh ra với dị tật không có tử cung, còn người kia, 34 tuổi, buộc phải cắt bỏ tử cung khi điều trị ung thư hơn 10 năm trước. Cả hai đều được hiến tặng tử cung từ chính mẹ ruột của mình, sau đó được thụ tinh bằng ống nghiệm (IVF).
Hai bé trai chào đời khoảng một tháng trước đây đều bằng phương pháp sinh mổ, cả hai đều cân nặng gần 2,3 kg và hoàn toàn khỏe mạnh. Thành công đặc biệt này được các bác sĩ so sánh với tầm quan trọng của ca ghép tim đầu tiên và nó cho thấy mỗi tử cung hoàn toàn có thể mang trong nó hai thế hệ của cùng một gia đình.
Tiến sĩ Liza Johannesson của Bệnh viện Sahlgrenska, người tham gia vào cuộc thử nghiệm nói: “Thật tuyệt vời khi người hiến tặng chính là những người mẹ. Đây quả là những món quà vô giá dành cho những người con”.
Vincent - Em bé đầu tiên ra đời từ tử cung cấy ghép. Ảnh: Herallive |
Bệnh viện Đại học Sahlgrenska bắt đầu tiến hành thử nghiệm việc cấy ghép tử cung từ năm 1999 nhằm tạo điều kiện cho những phụ nữ bị dị tật tử cung hoặc phải phẫu thuật cắt bỏ nó có khả năng sinh con như người bình thường.
Vào tháng 9 năm nay, một phụ nữ Thụy Điển khác đã ghi dấu trong lịch sử y khoa khi trở thành người phụ nữ đầu tiên sinh con từ tử cung được hiến tặng. Cậu bé đầu tiên ra đời bằng phương pháp này, có tên là Vincent, mặc dù chỉ cân nặng khoảng 1,8 kg, nhưng những tiếng khóc đầu đời của cậu đã khiến cho những người chứng kiến trào nước mắt vì vui sướng, sau những giây phút mà tiến sĩ Johannesson mô tả là “nghẹt thở”.
Tuy nhiên, tử cung mà mẹ cậu được hiến tặng không phải từ một người trong gia đình mà từ một người bạn của gia đình đã 61 tuổi. Rất may mắn là dù người hiến tặng đã lớn tuổi nhưng thai nhi vẫn phát triển bình thường. Không thể nào tả hết niềm hạnh phúc, vì mẹ của bé Vincent, một phụ nữ 36 tuổi, được xác định là không có tử cung. Bà nói rằng bà chưa bao giờ bà nghĩ mình sẽ được làm mẹ, nhưng bây giờ thì “điều tưởng như không thể đã trở thành sự thật”.
Thành công của các nhà khoa học Thụy Điển đã đem đến niềm hy vọng vô cùng lớn lao cho những người phụ nữ vô sinh do nguyên nhân bẩm sinh không có tử cung hoặc buộc phải cắt bỏ tử cung.
Giáo sư Mats Brannstrom của Đại học Gothenburg, trưởng nhóm nghiên cứu, người đã trăn trở với kỹ thuật cấy ghép tử cung suốt 15 năm qua nói một cách tin tưởng: “Thành công này cho chúng ta cơ sở khoa học để tin rằng việc cấy ghép tử cung có thể được sử dụng để điều trị chứng vô sinh do yếu tố tử cung, điều mà cho đến nay vẫn là khó khăn lớn nhất trong điều trị vô sinh nữ. Nó cũng cho thấy rằng việc cấy ghép với một người hiến tặng còn sống là hoàn toàn có thể, kể cả khi người hiến tặng đã không còn trong độ tuổi sinh nở”.
Các bác sĩ ở nhiều nước cũng quan tâm tới kỹ thuật này. Trước đây, các bác sĩ Thổ Nhĩ Kỳ và Arab Saudi cũng đã từng thử nghiệm nhưng chưa thành công. Hiện nay, các nhóm nghiên cứu của Mỹ, Trung Quốc và Australia cũng đã bắt đầu tiến hành những chương trình nghiên cứu riêng của mình. Nếu kỹ thuật này trong tương lai được nhân rộng, hàng triệu phụ nữ không may mắn sẽ có cơ hội tận hưởng niềm hạnh phúc được làm mẹ như những người bình thường khác.