Đại biểu lo ngại khi người dân chung cư quản trị tòa nhà

Chính trị - Ngày đăng : 12:41, 04/12/2014

(HNMO) – Trong phiến chất vấn chiều 4/12, các vấn đề về xử lý rác, nước thải y tế; cung cấp nước sạch cho người dân; quản lý nhà chung cư, tái định cư...đã lần lượt được chất vấn.

(ảnh: Chinhphu.gov.vn)


Mở đầu phiên chất vấn chiều, Giám đốc Sở Y tế Nguyễn Khắc Hiền trả lời về vấn đề xử lý nước thải ở các trạm y tế chưa chuẩn, đang xử lý theo thông thường.

Theo mục tiêu đến năm 2015 100% các xã phường đạt chuẩn quốc gia  về xử lý nước thải trạm y tế, đến nay Hà Nội chỉ còn 3 phường chưa đạt. Trạm y tế các xã, phường xử lý theo biện pháp thông thường vì lượng chất thải tại các trạm này không nhiều, việc đầu tư xử lý tốn kém. Theo mục tiêu thời gian tới, 100% BV từ địa phương đến Trung ương phải đạt chuẩn về xử lý môi trường.

Về một số trạm y tế được đầu tư trang thiết bị nhưng chưa đưa vào sử dụng hoặc sử dụng không hết công suất, ngành y tế đã rà soát, nơi nào chưa sử dụng đã điều chuyển, vì thế trạm y tế đã thu hút bệnh nhân đến khám, giảm tải cho bệnh viện tuyến trên. “Tuy nhiên, việc khai thác các thiết bị y tế chưa được tốt, nhiều bệnh nhân bị bệnh thông thường không đến trạm y tế khám” - Ông Hiền thừa nhận.

Nguyên nhân là do khu vực trung tâm có nhiều phòng khám đa khoa, bệnh viện lớn, tâm lý bệnh nhân muốn đến khám những nơi đông người đến khám, có tay nghề tốt. Một số cán bộ trạm y tế chưa năng động, nâng cao tay nghề để người dân đến khám.

Biện pháp để giải quyết vấn đề này là tăng cường tuyên truyền để người dân bị bệnh thông thường khám ở tuyến cơ sở; luân phiên cán bộ y tế, tức bác sĩ, điều dưỡng ở tuyến thành phố, huyện phải làm việc ở tuyến dưới 6-12 tháng; tăng cường kiểm tra trang thiết bị để sử dụng hiệu quả.

Để thực hiện tốt việc này, Giám đốc Sở Y tế đề xuất giao tăng chỉ tiêu biên chế cho bệnh viện tuyến thành phố để thực hiện luân phiên bác sĩ xuống tuyến dưới.

Đại biểu Xuân Tài.


* Trả lời câu hỏi của ĐB Xuân Tài việc xử lý nước thải ở trạm xá theo cách thủ công có hạn chế gì, công nghệ xử lý nào tốt mà không gây tốn kém; vừa qua Sở đã thanh, kiểm tra nước thải ở bao nhiêu trạm y tế, kết quả, ông Hiền thừa nhận việc xử lý theo phương pháp hiện đại là tốt hơn nhưng hệ thống các trạm y tế chủ yếu khám bệnh ban đầu nên lượng chất độc hại y tế không nhiều; trước mắt, có thể tạm thời thực hiện theo phương pháp thủ công. “Chúng tôi rất mong muốn khi điều kiện kinh tế cho phép, TP sẽ tiếp tục đầu tư lĩnh vực này” - Ông Hiền nói.

Trước câu hỏi của ĐB Trung Hải về chủ trương nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh y tế nhưng vẫn xử lý nước thải y tế theo phương pháp thủ công là đã phù hợp chưa? Về xử lý rác thải, ở Đan Phượng có xử lý bằng lò nhỏ hiện đại trong khi nhiều nơi khác xử lý thủ công là gom rác mang đến một nơi xử lý, đề nghị Sở Y tế định hướng đầu tư xử lý rác thải trạm y tế; một số trạm y tế do gần bệnh viện TW nên khám chữa bệnh hạn chế trong khi trang bị thiết bị đồng loạt, cần có giải pháp quyết liệt hơn, ông Hiền cho rằng do điều kiện khó khăn nên vẫn áp dụng phương pháp thủ công, điều kiện kinh tế tốt hơn sẽ đầu tư phương pháp hiện đại.

* Tiếp đến, Giám đốc Sở Xây dựng Lê Văn Dục nói về thông tin ô nhiễm nguồn nước sông Đà, sông Hồng ảnh hưởng đến nguồn nước sạch TP, ông cho biết, khi nguồn nước đến tay người sử dụng đều phải sạch. Các mẫu nước như độ PH, nồng độ NO3, NH4...tại nguồn nước trước khi nhà máy cung cấp cho người dân đều đạt tiêu chuẩn.

Nhà máy nước sông Đà hiện sản xuất 300.000m2 nước/ngày đêm nhưng mới chuyển tải được hơn 200.000m2 nước/ngày đêm về TP. Sở Xây dựng đang cùng các đơn vị triển khai thực hiện an ninh nguồn nước như phối hợp chính quyền địa phượng đảm bảo an ninh nguồn nước, tuần tra bảo vệ khu vực xung quanh hồ Đầm Bài, các hộ khu vực này cam kết không xả rác thải xuống hồ.

Trả lời thắc mắc của ĐB Xuân Tài về thời gian qua phân tích nước tại 19 nhà máy, 8 trạm cấp nước và ở một số hộ gia định, một số trạm cấp nước không đảm bảo chất lượng, cơ quan nào chịu trách nhiệm, Giám đốc Sở Xây dựng thừa nhận đúng là thời gian qua một số trạm cục bộ như Mỹ Đình 2, trạm trên địa bàn Linh Đàm và 1 bể ở khu vực dân cư không đạt tiêu chuẩn vì nồng độ a-mô-ni ở bể cao, vì thế đã yêu cầu tổng vệ sinh bể; trạm khu Mỹ Đình 2 và trạm tại Linh Đàm đã được nối với nguồn nước thành phố, hiện nguồn nước các khu vực trên đảm bảo chất lượng.

ĐB Phạm Thanh Mai.


Với chất vấn của ĐB Phạm Thanh Mai về cắt nước có phải báo trước không, Giám đốc Sở Xây dựng khẳng định, khi mất nước, bên cung cấp nước phải thông báo để người dân biết.

Trước câu hỏi của ĐB Chu Sơn Hà rằng hiện còn bao nhiêu công trình đảm bảo nước sạch nông thôn đã triển khai theo quy trình chưa thực hiện được theo tiến độ, Phó Chủ tịch UBND TP Trần Xuân Việt cho biết, do nguồn vốn hạn chế nên mỗi năm giao không nhiều, các trạm năm lấy mẫu nước kiểm tra vào mùa khô và mùa mưa. Một số trạm đã xây dựng lâu, công nghệ lạc hậu, chất lượng không đảm bảo. Đối với hộ gia đình, từ 2009 đến nay lấy được hàng nghìn mẫu, qua phân tích có 44,8% mẫu nước phục vụ hộ gia đình đảm bảo các chỉ tiêu, còn lại bị ô nhiễm về sắt, asen... Sau khi có kết quả, báo có UBND các xã xử lý.

Vừa qua, Ngân hàng Thế giới và Chính phủ hỗ trợ cho Hà Nội 6 dự án cấp nước sạch. Các dự án này tập trung tại Ba Vì, Chương Mỹ, Thường Tín..., đã khởi công dự án ở Ba Vì và sắp khởi công 3 dự án khác. Một số trạm cấp nước sạch dở dang, không hiệu quả  ở Ứng Hòa, Quốc Oai, thị trấn Phùng nhưng thời gian qua đã được cải tạo và bàn giao 6 trạm... Như vậy, trong 16 trạm cấp nước dở dang, ngoài 2 trạm không đủ điều kiện đã được thu hồi, số còn lại đã được bàn giao.

* Sang phần chất vấn về quản lý nhà chung cư, nhà tái định cư tại các khu đô thị, Giám đốc Sở Xây dựng Lê Văn Dục cho biết, về đầu tư xây dựng khớp nối hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng khu đô thị còn chậm là do thị trường bất động sản thời gian qua có dấu hiệu phục hồi nhưng doanh nghiệp vẫn khó khăn, dẫn đến khó thực hiện xã hội hóa đầu tư hạ tầng xã hội, nguồn ngân sách TP còn hạn chế trong đầu tư lĩnh vực này; việc giám sát của sở, ban, ngành, quận, huyện chưa thường xuyên; giải phóng mặt bằng chậm.

Trách nhiệm này đầu tiên thuộc về chủ đầu tư dự án khu nhà ở, khu đô thị, sau đó là lãnh đạo, sở, ngành. Giải pháp là yêu cầu các chủ đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội, trường học đúng tiến độ, khớp nối hạ tầng kỹ thuật khu nhà ở với hạ tầng các khu vực xung quanh; đẩy nhanh hoàn thành quy hoạch khu đô thị, khu nhà ở; giao UBND các quận, huyện tháo gỡ vướng mắc GPMB.

Trước câu hỏi của ĐB Tuấn Thịnh về đã rà soát việc khớp nối hạ tầng chưa? Kinh phí bảo trì là 2% không đảm bảo duy trì nhưng số tiền cho thuê ở tầng 1 đi đâu, Giám đốc Sở Xây dựng cho biết hiện đã rà soát khớp nối hạ tầng kỹ thuật đó. Một số nơi thực hiện khớp nối hạ tầng rất tốt như khu đô thị Việt Hưng.

Về việc quỹ bảo trì 2% không đủ và tiền kinh doanh tầng 1, Giám đốc Sở Xây dựng cho hay, toàn bộ kinh phí đó chuyển về kho bạc Nhà nước. Nếu nhà chung cư, tái định cư thiếu vốn bảo trì, các sở ngành sẽ đề xuất trích từ nguồn kinh phí trên.

Về việc xuất hiện tranh chấp ở khu chung cư khi khớp nối hạ tầng, cụ thể là tại Xa La mà ĐB Mai đưa ra, Giám đốc Sở Xây dựng tiếp thu ý kiến này, cho biết sẽ họp với UBND quận Hà Đông và chủ đầu tư để giải quyết. ĐB Mai cũng chất vấn rằng các khu chung cư có mua bảo hiểm cháy theo quy định  chung cư cao từ 5 tầng trở lên phải mua bảo hiểm hay không, người đứng đầu ngành xây dựng cho hay, nhà chung cư tái định cư mà dùng tiền ngân sách để mua bảo hiểm là rất khó vì cần nhiều kinh phí; còn chủ đầu tư nhà chung cư thương mại đã mua bảo hiểm này.

ĐB Vân Hoa băn khoăn rằng, sau 2 năm có 136 ban quản trị được thành lập với sự tham gia của người dân khu chung cư, vậy Sở đã tiến hành đánh giá, khảo sát hiệu quả hoạt động của các ban quản trị chưa vì đến nay nhiều ban quản trị mâu thuẫn với chủ đầu tư, hiệu quả không như mong muốn; còn ĐB Hoài Nam lo ngại ban quản trị sẽ không hoạt động hiệu quả khi người dân ở khu chung cư nằm trong ban quản trị tòa nhà vì họ không có chuyên môn về lĩnh vực này. Tuy nhiên, Giám đốc Sở Xây dựng cho biết, Ban quản trị chỉ là cầu nối giữa chính quyền với chủ đầu tư về các vấn đề tranh chấp.

Còn nhiều câu hỏi nữa của ĐB đưa ra nhưng do thời gian không cho phép nên Giám đốc Sở Xây dựng trả lời bằng văn bản.

Kết thúc buổi chất vấn, Chủ tịch HĐND TP Ngô Thị Doãn Thanh cho rằng, phiên chất vấn diễn ra nghiêm túc, công khai, dân chủ, có trao đi đổi lại làm sáng tỏ thêm nhiều vấn đề, gợi mở một số giải pháp để tiếp tục giải quyết có hiệu quả hơn. Các vị đại biểu thẳng thắn, đi vào trọng tâm vấn đề. Phần trả lời cơ bản bám sát câu hỏi, đều có giải pháp thực hiện thời gian tới. Nét mới là HĐND TP đã dành thời gian thỏa đáng để tái chất vấn những vấn đề đã đặt ra theo phương châm chất vấn đến cùng.

Chủ tịch HĐND TP đề nghị UBND TP, trên cơ sở các nội dung được chất vấn và tái chất vấn, chỉ đạo tổ chức thực hiện những vấn đề đã thống nhất; các ban, tổ đại biểu, vị đại biểu tiếp tục theo dõi giám sát việc thực hiện kết luận chất vấn.

T.Hương