“Nóng” chuyện nhà biệt thự, tàu hút bùn
Chính trị - Ngày đăng : 07:32, 04/12/2014
Buổi chất vấn và trả lời chất vấn sẽ tập trung vào tình hình thực hiện nhiệm vụ kinh tế xã hội, an ninh quốc phòng và những vấn đề dân sinh bức xúc mà đại biểu HĐND Thành phố và đông đảo cử tri quan tâm.
* Hà Nội phê bình Chủ tịch 6 huyện vì để xảy ra nợ xây dựng cơ bản
Mở đầu phiên chất vấn, đồng chí Lê Hồng Sơn, Phó Chủ tịch UBND báo cáo tóm tắt kết quả thực hiện các kết luận của chủ tọa tại kỳ họp thứ 10.
Phó Chủ tịch UBND TP Lê Hồng Sơn |
Theo đó, về nợ xây dựng cơ bản, UBND Thành phố yêu cầu quận, huyện, thị xã có số nợ cơ bản nhỏ phải bố trí đủ vốn để xử lý xong trong 2014; chỉ bố trí vốn cho dự án mới khi cấp bách; thực hiện nghiêm biện pháp không để nợ đọng mới; không tổ chức lựa chọn nhà thầu với dự án chưa được bố trí vốn...
Về làm rõ trách nhiệm từng cấp, ngành, cá nhân để xả ra nợ xây dựng cơ bản và người có trách nhiệm của người đứng đầu trong quản lý điều hành để xảy ra nợ xây dựng, UBND TP đã có văn bản phê bình Chủ tịch 6 huyện, trong đó có huyện Thạch Thất, Thanh Oai, Mê Linh, Thường Tín, Mỹ Đức...
Về quản lý đất đai, TP tăng cường công tác quản lý về quản lý đất đai, phân rõ trách nhiệm của từng đơn vị. Năm 2014 Thành phố tổ chức 12 đoàn thành kiểm tra về quản lý và sử dụng đất, qua đó xử lý với từng trường hợp cụ thể.
Về trường Cao đẳng nghề công nghệ cao, sau khi đưa vào sử dụng đã xuống cấp. Nguyên nhân do khu vực xây dựng có nền đất yếu. UBND TP chỉ đạo yêu cầu nhà thầu sửa chữa. Dù đã sửa chữa tình trạng trên vẫn xảy ra. UBND tiếp tục chỉ đạo tìm rõ nguyên nhân và rà soát toàn bộ dự án, xem xét trách nhiệm của từng cá nhân liên quan đến dự án; Ban quản lý dự án và nhà thầu tiến hành sửa chữa...
ĐB Nguyễn Xuân Diên. |
* “Nóng” chuyện nhà biệt thự, tàu hút bùn
Chuyển sang phần chất vấn, trả lời thắc mắc của ĐB Lê Hoài Nam và Nguyễn Xuân Diên về việc đưa ra quyết định đối với việc thanh tra 312 biệt thự nằm ngoài danh mục quản lý, đến nay chưa có kết luận thanh tra, Phó Chủ tịch UBND TP Vũ Hồng Khanh cho biết, thẩm quyền để ra quyết định liên quan đến các biệt thự trên, UBND TP thận trọng về vấn đề này, đã giao Sở Tư pháp, Sở rà soát và báo cáo UBND TP nên việc ra văn bản của UBND TP hợp thẩm quyền. UBND TP yêu cầu Sở Tư pháp báo cáo Bộ Tư pháp. Bộ Tư pháp nghiên cứu kỹ văn bản của Hội đồng nhân dân, vì vậy mới có văn bản trả lời của UBND TP.
Khối lượng công việc lớn, khó khăn phức tạp (liên quan đến hồ sơ). Trong thực tế, UBND TP đã 3 lần nghe thanh tra và đơn vị liên quan tháo gỡ vấn đề này. “Chúng tôi yêu cầu cơ quan chức năng cung cấp đầy đủ hồ sơ để thanh tra. Trong thực tế, việc quản lý hồ sơ có sai sót do lịch sử để lại. Vì vậy, cuối tuần qua, chúng tôi yêu cầu 15/12 các đơn vị liên quan phải có văn bản chính thức báo cáo về thực trạng hồ sơ” - Phó chủ tịch UBND nói.
Phó Chủ tịch UBND TP Vũ Hồng Khanh trả lời một số vấn đề các đại biểu chất vấn. |
Về giải pháp để có kết luận nhanh về các biệt thự trên, cần đưa cơ quan điều tra hay không, Phó Chủ tịch cho hay, để xác định 1 biệt thự là biệt thự cổ, cần bảo tồn thì cần nhiều tiêu chí, vì thế, khi tiếp cận từng biệt thự cần thời gian và trao đổi về chuyên môn. Mục tiêu của UBND TP là nghe về từng biệt thự, nếu khó sẽ mời tư vấn để xác định từng loại biệt thự. UBND TP tập trung chỉ đạo quyết liệt để hoàn thanh việc thanh tra này. Sau thanh tra, nếu có dấu hiệu hình sự sẽ chuyển cơ quan điều tra.
Chưa thỏa mãn với trả lời của Phó Chủ tịch Khanh, ĐB Tuấn Thịnh muốn biết rõ khi nào có kết luận thanh tra và nghi ngờ có hay không 1 đơn vị cản trở thanh tra, Phó Chủ tịch Vũ Hồng Khanh cho hay, đây là phân loại biệt thự, kể cả không nằm trong danh mục thì các biệt thự này vẫn phải quản lý. Trong quá trình quản lý có sai sót do, quy trình, cách làm thiếu chặt chẽ. Để thanh tra tổng thể 312 biệt thự cần thời gian. Quan điểm của TP là thực hiện quyết liệt.
Về khi nào kết luận thanh tra, theo Phó Chủ tịch, một vụ việc thông thường cần 45 ngày nhưng đây là vụ việc phức tạp nên cần nhiều thời gian. Quan điểm của TP là không bao che, dung túng cho những sai phạm mà sẽ làm khách quan.
Liên quan đến vấn đề tàu hút bùn được sáng chế và hoàn thành từ lâu nhưng chưa được đưa vào sử dụng; từ năm 2011, nhiều tiến sĩ, thạc sĩ được đào tạo nghi ngờ là từ nguồn kinh phí ngành Khoa học công nghệ và biện pháp công khai đề tài nào để nhà khoa học tham gia đấu thầu mà một số đại biểu chất vấn. Giám đốc sở KHCN Lê Xuân Rao cho rằng, chuyện 1 đề tài có sản phẩm ra thương mại được như tàu hút bùn là nỗ lực lớn. Đề tài này đã thực hiện hoàn theo đúng quy định.
Giám đốc Sở KHCN khẳng định, việc đào tạo nhiều tiến sĩ và thạc sĩ như vậy không phải kinh phí từ ngành KHCN mà ngành có các đề tài thì các tiến sĩ, thạc sĩ tham gia. Nói rõ hơn là, những cá nhân có đủ điều kiện sẽ được tham gia các đề tài khoa học công nghệ chứ không phải do ngành khoa học công nghệ cấp tiền để đào tạo họ.
Về công khai đề tài để nhà khoa học tham gia đấu thầu, việc này được công khai trên báo chí, cụ thể là trên báo Hànộimới.
Giải đáp thắc mắc của ĐB Xuân Tài và một ĐB khác về thời hạn đối với các giải pháp khắc phục tình trạng trường cao đẳng nghề công nghệ cao mới xây dựng đã xuống cấp, kết quả xem xét xử lý cá nhân, tập thể với dự án này, dự án quyết toán chậm, ông Khuất Văn Thành - Giám đốc Sở LĐTBXH cho biết, trường này hoàn thành xây dựng năm 2010. Sau khi hoạt động, một số hạng mục xuống cấp do sụt lún nền, sụt mặt sàn. UBND TP đã chỉ đạo xử lý. Cách đây 7 ngày Sở xây dựng có báo cáo kết luận nguyên nhân gây sụt lún, làm nứt nền do nền đất yếu, qua khảo sát đất tại đây có chứa chất hữu cơ. Trong quá trình thiết kế, đơn vị không căn cứ hồ sơ khảo sát; trong quá trình thi công, không thống nhất về ống thép làm lan can nên thép không có phần bọc chống rỉ bên trong; chủ đầu tư giám sát san nên khi thi công chưa chặt chẽ.. “Trên cơ sở kết luận của Sở Xây dựng, chúng tôi đang xem xét để kiểm điểm chủ đầu tư”. Giám đốc sở này nói.
Trường này quyết toán chậm do 3 lần thay đổi tổng mức đầu tư, trong đó gói thầu thiết bị liên quan đến thiết bị đào tạo nghề là 800 triệu, được thiết kế từ 2008, do thay đổi nhiều lần, đến nay thiết bị này lạc hậu, trường muốn đổi thiết bị cho phù hợp, qua làm việc, Sở thống nhất cắt 1 phần gói thầu chuyển thiết bị này vào gói thầu khác cho phù hợp.
Khi để công trình xuống cấp có vốn tu sửa thường xuyên cần quyết toán, sau khi quyết toán sau trường sẽ được bổ sung ngân sách để tu bổ,
Về trong 6 công trình khánh thành dịp 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội, mới có 1 công trình được quyết toán, quyết toán 5 công trình còn lại thì chưa, biện pháp mà 1 ĐB chất vấn, Giám đốc Sở Xây dựng Lê Văn Dục cho hay, 5 danh mục chưa quyết toán ĐB nêu, tháng 12 này sẽ quyết toán xong được 4 công trình, trong đó có Nhà vận động viên cấp cao, rạp Công nhân, trường Amstecdam. Công trình còn lại sẽ quyết toán vào năm sau.
Về thắc mắc của ĐB Đình Dương rằng Sở KHCN là cơ quan quản lý Nhà nước, trực tiếp nhận kế hoạch nghiên cứu đề tài khoa học, thanh toán đề tài, liệu có “có vừa đá bóng vừa thổi còi không”; sở đang đầu tư mua sắm và lắp đặt đèn led, sở có chức năng đầu tư sản xuất như vậy không.
Giám đốc Sở KHCN cho biết, chúng tôi không có “chỉ thổi còi" chứ không “đá bóng”. Sở mua đèn led để phục vụ cho 1 Trung tâm của Sở là hoàn toàn hợp lý. Đây là sản phẩm tốt trên thị trường. Bên cạnh đó, với đèn led thị trường đang bán đã có nhiều nơi làm nhưng với đèn chiếu sáng cho nông nghiệp thì phải có bộ phận nghiên cứu nên chúng tôi đưa thiết bị này vào để nghiên cứu sản xuất thử chứ không phải mua để bán.
Trở lại vấn đề tàu hút bùn, trước thắc mắc của ĐB Thanh Mai và ĐB Tuấn Thịnh về tàu hút bùn hoàn thành từ năm 2010 nhưng đến nay chưa đưa vào vận hành được vì thiếu đơn giá định mức, việc chậm chễ này sẽ khó thu hút nhà khoa học sáng tạo hay do sản phẩm không đáp ứng thực tế, khi nào thì đưa tàu vận hành, Giám đốc Sở KHCN trả lời: Sản phẩm đã kiểm định hoàn toàn đáp ứng được thực tế. Để sử dụng vẫn phải có kế hoạch Thành phố giao cho hoạt động ở đoạn, khúc sông nào và hoạt động theo kế hoạch về thoát nước.
Ông cho rằng, có những kết quả nghiên cứu khoa học sau 10 năm mới đưa vào sử dụng. Vì vậy, với tàu hút bùn thì 4 năm chưa hoạt động cũng không phải là chậm.
Về thắc mắc của ĐB Lan Hương về khi nào quỹ phát triển KHCN đi vào hoạt động, điều kiện để tham gia, cơ chế, mặt mạnh và chưa mạnh về lực lượng KHCN để phát triển thủ đô, Giám đốc Sở KHCN cho biết, nhiều tỉnh, thành đã có quỹ này. Vừa rồi Hà Nội đã ban hành thành lập Quỹ KHCN, việc xây dựng điều lệ quỹ và đề xuất giám đốc quỹ đã được tiến hành, hiện đang hoàn thiện để đưa quỹ này vào hoạt động.
Về điểm mạnh và yếu của lực lượng KHCN Hà Nội. “Tôi đã tham gia với nhiều nhà khoa học nhận thấy không phải những vấn đề thực tế nào nhà khoa học cũng làm được” - Giám đốc sở KHCN nói. Giải pháp là những gì không làm được thì mới chuyên gia nước ngoài. Điểm mạnh là Hà Nội có đội ngũ khoa học lớn nhưng nếu chỉ có con người không mà không có trang thiết bị thì cũng không thể làm gì được, vì vậy cần đầu tư động bộ trang thiết bị và TP cũng đang đẩy mạnh thực hiện đầu tư này.
Trước trả lời trên, Phó Chủ tịch HĐND Thành phố Lê Văn Hoạt cho rằng, việc trả lời chất vấn của Giám đốc Sở KHCN chưa thỏa đáng, đặc biệt là về tàu hút bùn. Đây là “con đẻ” của sở, sở phải thẳn thắng nhìn nhận. Nhiều ý kiến cho rằng tàu này không ứng dụng được nhưng sở vẫn khẳng định đây là sản phẩm thành công trong nghiên cứu. Vì vậy, Sở cần có thái độ thẳng thắn, trách nhiệm, cần cân nhắc kỹ hơn khi xem xét, đánh giá sản phẩm, cần có thái độ khách quan, đánh giá đúng.
Phần chất vấn và trả lời tái chất vấn khép lại sau gần trọn sáng nay. Theo Chủ tịch HĐND TP Ngô Thị Doãn Thanh, đây là điểm mới và là điểm nhấn của phiên chất vấn, chỉ hỏi điểm mới khi đã trả lời xong những vấn đề cũ.
Một Phó chủ tịch UBND và 4 Giám đốc sở đã trả lời các vấn đề mà các đại biểu tái chất vấn các nội dung đã chất vấn ở kỳ hợp trước.
Chủ tịch HĐND TP đã điểm lại những vấn đề nổi bật trong buổi chất vấn, trong đó nhấn mạnh, UBND TP chỉ đạo kiểm tra khả năng phát huy tác dụng của tàu hút bùn. Nếu thấy hiệu quả, thì đưa vào vận hành và sản xuất hàng loạt, không hiệu quả phải có hướng xử lý giải quyết.
Chuyển sang chất vấn những vấn đề mới, trong đó có vấn đề ô nhiễm môi trường tại khu làng nghề. Trả lời về biện pháp giải quyết ô nhiễm môi trường khu vực làng nghề, Giám đốc Sở TNMT Nguyễn Trọng Đông cho biết, nguyên nhân ô nhiễm môi trường những khu vực này chủ yếu là do làng nghề nằm xen trong khu dân cư, tự phát lâu đời, hầu như không có hệ thống xử lý nước thải, cách âm, kinh phí cho việc này lớn; vấn đề giải quyết việc làm và nâng cao thu nhập người dân ở vùng nông thôn được quan tâm hơn là trách nhiệm bảo vệ môi trường.
Năm qua, thành phố đã triển khai bảo vệ môi trường ở các làng nghề bằng nhiều giải pháp. Đó là: Quy hoạch điểm cụm công nghiệp, điểm làng nghề ngoài khu vực sinh sống của dân cư (đây là biện pháp giải quyết triệt để nâng cao môi trường sống dân cư làng nghề); tập huấn bảo vệ môi trường tại làng nghề, tăng cường kiểm tra ô nhiễm và xử lý vi phạm; ưu tiên bố trí ngấn sách TP cho dự án xử lý môi trường làng nghề; khuyến khích thành phần nghiên cứu xử lý chất thải rắn, nước thải. Hiện địa bàn đã có 42 cụm điểm công nghiệp làng nghề được quy hoạch, trong đó 14 cụm đã có trạm xử lý nước thải...
Trước thắc mắc của ĐB Trung Hai về hiệu quả dự án thí điểm xử lý ô nhiễm môi trường tại một số làng nghề, trong đó có làng Bích Hòa, Giám đốc Sở TNMT Nguyễn Trọng Đông cho hay, thí điểm đưa ra mô hình xử lý, xử lý bằng chế phẩm sinh học. Việc xử lý này đã được áp dụng và giảm thiểu về ô nhiễm nguồn nước, bước đầu nâng cao được chất lượng môi trường, hiện đang vận động người dân ở những làng nghề khác thực hiện để giảm ô nhiễm nguồn nước, cải thiện từng phần.
Tuy nhiên, về lâu dài theo ông, phải xây dựng trạm xử lý nước thải với công nghệ tiên tiến, di chuyển làng nghề khỏi khu dân cư mới xử lý triệt để được.
Trả lời câu hỏi của ĐB Tài về bao nhiêu làng nghề ô nhiễm và biện pháp hạn chế ô nhiễm, người đứng đầu ngành tài nguyên môi trường Hà Nội cho biết, trong 1.350 làng nghề, đa phần làng nghề bị ô nhiễm. Trừ những điểm như Bát Trang đã sử dụng công nghệ tiên tiến (nung bằng gas thay than) nên đã giảm ô nhiễm. Đa số làng nghề trong khu dân cư nên việc thu gom rác thải khó, trong khi nguồn lực hạn chế. Biện pháp chính là xây dựng trạm xử lý. Hiện nguồn vốn cho vấn đề này hạn hẹp.
Tiếp thu ý kiến của ĐB Hoài Nam về việc phải xác định được trách nhiệm hộ sản xuất ở làng nghề, ban quản lý làng nghề, trách nhiệm của Sở trong việc tham mưu giải quyết vấn đề ô nhiễm môi trường làng nghề, Giám đốc Sở TNMT cho rằng, thời gian tới sẽ thực hiện xã hội hóa đối với giảm ô nhiễm làng nghề, tức kêu gọi doanh nghiệp tham gia xử lý môi trường, nhờ đó, ngân sách sẽ giảm gánh nặng. Về người dân khu làng nghề, sẽ vận động người dân mua chế phẩm sinh học để tự xử lý môi trường nước.
Nói về biện pháp giảm thiểu khói bụi, tiếng ồn mà 1 ĐB nêu, theo Sở TNMT, Sở sẽ phối hợp với Sở KHCN yêu cầu các hộ trong làng nghề từng bước ứng dụng khoa học tiên tiến để giảm ô nhiễm.