Lớp học Hướng thiện của ông giáo già

Giới trẻ - Ngày đăng : 06:39, 04/12/2014

(HNM) - Không ồn ào, không biển hiệu, lớp học của ông giáo già đơn sơ chỉ với một cái bảng gỗ cũ kỹ, chục bộ bàn ghế nhựa, còn học sinh thì đủ mọi lứa tuổi,


Đã ở tuổi 82, ông giáo già vẫn say sưa giảng bài, học sinh chăm chú lắng nghe như đang nuốt từng con chữ. Ông là nhà giáo hưu trí Nguyễn Trà, người vừa được Chủ tịch nước Trương Tấn Sang gửi thư khen vì có nhiều cống hiến cho sự nghiệp giáo dục…

Nhà giáo hưu trí Nguyễn Trà 22 năm dạy học miễn phí cho trẻ em nghèo. Ảnh do nhân vật cung cấp


"Cậu bé vàng" một thuở

Chúng tôi tìm đến lớp học của ông giáo Nguyễn Trà vào một buổi chiều đầu đông, mưa lất phất. Lách xe qua hàng loạt ngõ ngách của làng Trung Tự, Bí thư Đoàn phường Phương Liên Nguyễn Văn Chiểu bảo: "Em dẫn nhà báo đi cho nhanh, chứ cả phường này hỏi ai cũng biết ông giáo Trà". Tới nơi, ông giáo đi vắng, nhà chỉ còn bà Dương Thị Bảo là vợ của ông. Vừa pha trà mời khách, bà Bảo vừa cười hiền: "Cái số ông nhà tôi lận đận, sinh ra là để đi dạy học, suốt ngày như con thoi. Gắn bó với nhau sáu chục năm nay, chưa bao giờ tôi phải giận ông, vì ông ấy rất hiền lành và đặc biệt thương trẻ em nghèo".

Trong câu chuyện, chúng tôi thực sự ngưỡng mộ bởi ngay từ khi còn nhỏ, ông giáo Nguyễn Trà đã nổi tiếng là một học trò thông minh, nhanh nhẹn của Trường Bưởi (nay là Trường THPT Chu Văn An). Ông từng được vinh danh là "Cậu bé vàng" của Hà Nội thời đó, được vua Bảo Đại tặng giải thưởng vì đã đạt thành tích xuất sắc trong môn học tiếng Pháp. Khi trưởng thành, ông theo học Trường Đại học Sư phạm Hà Nội khóa đầu tiên năm 1954 và gắn bó với nghiệp "gõ đầu trẻ" từ đó. Mặc dù tốt nghiệp chuyên ngành vật lý nhưng ông Trà có thể dạy bất cứ môn học nào, kể cả đọc thông viết thạo 4 ngoại ngữ: Anh, Pháp, Đức, Italia. Thời trẻ, ông tình nguyện lên dạy ở các trường miền núi, sau lại vào Đồng bằng sông Cửu Long. Sau hai năm tham gia giảng dạy tại nước Cộng hòa dân chủ Công-gô, ông Trà về nhận nhiệm vụ tại Trường THPT Lê Quý Đôn (Hà Nội) cho đến ngày nghỉ hưu.

Nhấp ngụm trà, bà Bảo kể: Hồi mới nghỉ hưu, ông thất thần buồn bã vì nhớ trường, nhớ lớp. Thế mà lạ, bao nhiêu trung tâm luyện thi mời ông đi dạy thêm nhưng ông đều từ chối. Bỗng một hôm, ông về nói với bà về dự định mở lớp học tình thương cho trẻ em nghèo ngay tại nhà mình. Thực sự lúc đó bà Bảo sốc vì ý tưởng của ông. Bà lo kinh tế một phần, phần khác lo cho sức khỏe của ông. Với một người vừa bị u xơ tiền liệt tuyến, vừa phải cắt 2/3 dạ dày như ông Trà làm sao có thể đảm đương được. Nhưng rồi ông Trà cứ làm. Năm 1992, lớp học Hướng thiện của ông giáo già ra đời trước ánh mắt ngỡ ngàng của bà con làng xóm.

Chắp cánh những ước mơ

Câu chuyện về "Cậu bé vàng" một thuở đang sôi nổi thì có tiếng lạch cạch ngoài ngõ. Bà Bảo vồn vã: " Ông nhà tôi về rồi đấy". Trước mắt chúng tôi là một người đàn ông dáng cao gầy, nét thư sinh vẫn còn nguyên vẹn dù năm nay ông giáo đã bước sang tuổi 82. Hoạt bát, nhanh nhẹn nhưng ông giáo rất kiệm lời khi nói về mình. Ông bảo: "Hơn sáu chục năm theo nghề dạy học, tôi chỉ đau đáu một điều làm sao để học sinh của mình trưởng thành, đặc biệt là các cháu có hoàn cảnh éo le".

Nói đến chuyện mở lớp Hướng thiện ông kể, ngày đầu cũng gian nan lắm. Để đưa các em đến với lớp học, hàng ngày ông phải đến những nơi các em nhỏ lang thang như bãi rác, công viên, các chợ lao động để tìm kiếm. Nhiều khi bất chợt đang đi trên đường, bắt gặp những mảnh đời bất hạnh là ông lại nhắn nhủ để các em biết mà tìm đến lớp học. Mới đầu lớp học của ông chỉ có vài học sinh, về sau số lượng ngày càng đông hơn trước. Khi ít thì lớp cũng có khoảng chục em, khi đông thì con số đó tăng lên đến 20, 30 em. Khi thấy phần lớn các em trong lớp học gia cảnh khó khăn, không có tiền mua sách học, ông lại trích một phần số tiền lương hưu ra để mua sách vở, quần áo và đồ dùng phục vụ học tập cho các em.

Thành phần lớp học cũng ngày càng đa dạng hơn, ngoài các em có hoàn cảnh éo le còn có cả sinh viên và những người có nhu cầu đi nước ngoài đến học tiếng Anh, Pháp, Đức. Vì lứa tuổi và trình độ của người học khác nhau nên ông cũng phân chia ra làm nhiều lớp: Các cháu nhỏ bậc tiểu học được dạy toán, tiếng Việt, rèn luyện chữ viết. Những học sinh cấp hai được dạy toán, lý, hóa. Còn các cháu cấp ba được ôn tập, bồi dưỡng kiến thức để thi đại học. Thế nên nhiều lúc, một phòng học có mấy lớp ở trình độ khác nhau, ông giáo giảng bài quay hết bên này lại quay sang bên kia. Có lẽ ngoài chuyện lớp học hoàn toàn miễn phí, nguyên nhân chính thu hút các em đến với lớp học Hướng thiện là sự khao khát kiến thức và nhận ở người thầy tuổi 82 một sự đồng cảm, sẻ chia.

Suốt 22 năm mở lớp Hướng thiện, ông giáo không còn nhớ nổi mình đã dạy chữ cho bao nhiêu em học sinh nghèo, giúp đỡ bao nhiêu hoàn cảnh khó khăn. Chỉ biết rằng giờ sức đã yếu, tóc đã bạc, nhưng hàng tuần ông vẫn đều đặn đón học sinh nghèo đến nhà học tập. Niềm vui lớn nhất của ông bây giờ là những cuộc điện thoại báo tin của các học trò nghèo, đứa thi đỗ đại học, đứa đi lao động xuất khẩu kiếm tiền nhờ vốn ngoại ngữ ông truyền dạy, đứa thì trở thành quản lý nhà hàng…

Nhắc lại kỷ niệm về những học trò nghèo, ông Trà bảo: "Mỗi cháu một hoàn cảnh. Cháu thì mồ côi, cháu thì bố mẹ nghiện ngập, cháu lại mắc bệnh hiểm nghèo nhưng được cái cháu nào cũng chăm học. Nhiều lúc đang dạy, nhìn các cháu mà chảy nước mắt. Hồi đầu, có người bảo tôi khùng, già rồi không biết hưởng thụ lại còn ôm rơm cho rặm bụng. Nhưng kệ, ai nói gì thì nói miễn sao mình giúp được bọn trẻ có cái chữ, mong chúng trưởng thành".

Lớp học của cả gia đình

Người dân phường Phương Liên vẫn nói với nhau rằng "ông giáo Trà xây nhà bằng chữ". Nhắc lại câu ấy, ông giáo nhìn chúng tôi cười vui: "Đúng thật, giờ tôi là người giàu nhất. Tôi có một thứ tài sản vô giá đó là bà vợ, 3 đứa con cùng 4 đứa cháu nội ngoại, chúng nó đều thành đạt cả. Lớp học Hướng thiện này là của đại gia đình chứ không phải của riêng tôi".

Giải thích về khối "tài sản" này, Bí thư Đoàn phường Phương Liên Nguyễn Văn Chiểu giải thích: Ông Trà có 3 người con thì cả 3 người đều học giỏi và thành đạt ở nhiều lĩnh vực. Anh con trai làm kiến trúc sư, hai cô con gái thì một người làm ngân hàng, một là giáo viên Trường Đại học Sư phạm Ngoại ngữ. Bốn cháu nội ngoại của ông đều đang học lớp chuyên của Trường Amstecdam và Đại học Quốc gia. Bất kể môn học nào của lớp Hướng thiện, cả con và cháu của ông Trà đều tham gia truyền đạt kiến thức cho học sinh. Lắm khi, lớp học của ông giáo cứ một kèm một nên học sinh rất nhanh tiến bộ. Truyền thống của gia đình ông giáo Trà không phải bất cứ ai cũng có được.

Tại buổi lễ trao thư khen của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang tới ông giáo Nguyễn Trà, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Thị Bích Ngọc nhấn mạnh: "Đóng góp thầm lặng, bình dị của thầy giáo Trà đã góp phần không nhỏ để bù đắp cho những trẻ em thiệt thòi. Thầy giáo Nguyễn Trà xứng đáng là tấm gương sáng cho đội ngũ nhà giáo Thủ đô". Đúng như đánh giá của lãnh đạo thành phố, những cống hiến thầm lặng cho sự nghiệp trồng người của nhà giáo Nguyễn Trà xứng đáng được xã hội tôn vinh, ghi nhận.

Chia tay chúng tôi, ông giáo Trà vẫn thường trực nụ cười nhân hậu. Ông bảo: "Ai rồi cũng đến lúc nhắm mắt xuôi tay. Ước nguyện lớn nhất của tôi lúc này là con cháu sẽ tiếp tục duy trì lớp học Hướng thiện để giúp đỡ các cháu nhỏ có hoàn cảnh khó khăn".

Tống Ngọc Thanh