Hỗ trợ người cai nghiện hòa nhập cộng đồng

Xã hội - Ngày đăng : 06:28, 04/12/2014

(HNM) - Chỉ những người có quyết tâm cùng với sự hỗ trợ, tiếp sức bền bỉ của người thân, cộng đồng mới có thể thoát khỏi vòng cương tỏa của ma túy.

Tại nhiều diễn đàn thảo luận về chủ đề hỗ trợ người nghiện từ bỏ ma túy, phần lớn những người từng nghiện ma túy, các bậc phụ huynh có con em mắc nghiện cho rằng, mắc nghiện thì dễ, cai nghiện thì khó. Chỉ những người có quyết tâm cùng với sự hỗ trợ, tiếp sức bền bỉ của người thân, cộng đồng mới có thể thoát khỏi vòng cương tỏa của ma túy.

Một điểm rửa xe máy của CLB B93 phường Thành Công. Ảnh: Trung Kiên


Anh Trần Duy Long (sinh năm 1975, ở phường Bồ Đề, quận Long Biên) bị bạn bè rủ rê, lôi kéo dùng thử rồi mắc nghiện ma túy. Cuộc sống rơi vào bế tắc, kinh tế sa sút, đồng nghiệp, láng giềng xa lánh, nhiều lúc Long rất muốn cai nghiện mà không được. Nghĩ tới người mẹ nhiều năm chịu khổ nhục, bị đàm tiếu vì có con nghiện, anh quyết tâm từ bỏ ma túy. Hiểu rõ nguy cơ tái nghiện nên anh tránh xa các tác nhân gây nghiện, quyết tâm từ chối mọi sự rủ rê, mời chào sử dụng ma túy của bạn bè xấu. Có mẹ đồng hành, nhiều năm nay, anh Long không tái nghiện, cuộc sống dần ổn định với một gia đình nhỏ hạnh phúc và công việc cho thu nhập ổn định…

Quản lý Trung tâm Sửa chữa - bảo dưỡng xe máy B93 Mai Dịch (phố Trần Bình, phường Mai Dịch, quận Cầu Giấy) Nguyễn Thế Duy cho rằng, sự quan tâm, nâng đỡ, giúp người nghiện sau cai tin tưởng vào bản thân, vào cuộc sống trong tương lai sẽ giúp họ có đủ sức mạnh để đoạn tuyệt hoàn toàn với ma túy, trở thành người có ích cho cộng đồng. Năm 2006, doanh nghiệp Tuấn Khiêm tiếp quản CLB B93 phường Mai Dịch với mô hình Trung tâm Sửa chữa - bảo dưỡng xe máy B93 nhằm giúp người nghiện sau cai tái hòa nhập cộng đồng. Lúc đầu, trung tâm gặp rất nhiều khó khăn. Người sau cai rất mặc cảm với xã hội, hay buồn, ghét, thù hận cuộc đời; thường sống trong tình trạng mệt mỏi, thất thần… Trong khi đó, không ít khách hàng kỳ thị, có những hành động, cử chỉ, lời nói xúc phạm đến người nghiện sau cai. Nhưng nhờ sự giúp đỡ tận tình của lãnh đạo UBND, Công an phường Mai Dịch và các ban, ngành, trung tâm đã từng bước tạo niềm tin cho người sau cai nghiện. Hiện Trung tâm thường xuyên hỗ trợ, dạy nghề, tạo việc làm cho 4-5 người sau cai nghiện. Trung tâm đã giới thiệu việc làm, hỗ trợ mở dịch vụ tại nhà cho gần 20 người sau cai nghiện, có thu nhập 1,5-5,3 triệu đồng/tháng, giúp họ từ bỏ hẳn ma túy.

Mấy năm gần đây, Công ty cổ phần Dây cáp điện Long Á (1b Trần Tế Xương, quận Ba Đình) tiếp nhận 2 người sau cai nghiện vào làm việc, thường xuyên quan tâm tới đời sống tâm tư tình cảm, chia sẻ, giúp họ tự tin trong giao tiếp, xóa bỏ mặc cảm, sống vui vẻ, chan hòa với mọi người. Được tin tưởng, tôn trọng, họ đã lao động nghiêm túc, chấp hành tốt nội quy, quy chế của công ty; có thu nhập tương đương với các nhân viên khác. Có thể nói, việc tổ chức cắt cơn cho người nghiện thì có thể làm được nhưng để họ từ bỏ hẳn ma túy thì khó gấp nhiều lần. Nhưng chính người thân, gia đình, cộng đồng sẽ là chỗ dựa quan trọng để giúp người nghiện rời xa ma túy mà những ví dụ trên là minh chứng điển hình. Dù vậy, trên toàn quốc số lượng các cơ sở như vậy không nhiều, mới chỉ có 353 trong tổng số gần 500.000 cơ sở, doanh nghiệp nhỏ và vừa (chiếm 0,07%) tiếp nhận người nghiện sau cai vào làm việc. Vẫn còn có hàng trăm nghìn người nghiện sống lệ thuộc vào ma túy, nguy cơ trở thành tội phạm mà chưa được hỗ trợ để chiến thắng bản thân; kéo theo gia đình bị đảo lộn. Điều này cho thấy, sự quan tâm của cấp ủy, chính quyền các địa phương về công tác phòng, chống, kiểm soát ma túy trong tình hình mới chưa đồng đều. Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Nguyễn Trọng Đàm khẳng định, tại các địa bàn được đảng ủy, chính quyền quan tâm chỉ đạo; thường xuyên gặp gỡ, giúp đỡ người nghiện và gia đình kịp thời, công tác hỗ trợ tái hòa nhập cộng đồng có hiệu quả rõ rệt, tỷ lệ tái nghiện giảm. Đây là tiền đề giúp ổn định cuộc sống trong các gia đình, bảo đảm trật tự an toàn xã hội.

Từ bỏ ma túy, hòa nhập với đời thường để trở thành người có ích luôn được thừa nhận là cuộc đấu tranh cam go, khổ ải của tất cả người nghiện và gia đình. Để có nhiều hơn những doanh nghiệp, cá nhân chung tay hỗ trợ người nghiện về với đời thường, không thể thiếu trách nhiệm, sự quan tâm của chính quyền địa phương trong chỉ đạo, tạo điều kiện, tuyên truyền nâng cao nhận thức cho người dân. Bên cạnh đó, Nhà nước cần có cơ chế rõ ràng, đồng bộ ưu đãi về vốn, thuế, vinh danh những doanh nghiệp, cá nhân vì cộng đồng, tham gia giúp đỡ người sau cai nghiện tái hòa nhập cộng đồng tin rằng những con người lầm đường lạc lối sẽ sớm tìm được nẻo về...

Linh Chi