Yêu Hà Nội từ những điều giản dị
Văn hóa - Ngày đăng : 06:41, 03/12/2014
Khi thành công tại TP Hồ Chí Minh với dự án tương tự vào năm 2013, nhiếp ảnh gia danh tiếng người Pháp Nicolas Cornet - người có nhiều năm gắn bó với Việt Nam, đã muốn thực hiện dự án "I love my city" tại Hà Nội để các nhiếp ảnh gia trẻ có cơ hội được thể hiện và biết cách thể hiện tình yêu với thành phố của mình.
Một tác phẩm trong bộ ảnh Xóm thuyền của Nguyễn Đắc An Khang. Ảnh: tgvn.com.vn |
"Tôi yêu thành phố tôi" được thực hiện theo một chương trình khá đơn giản nhưng ẩn sâu trong đó đòi hỏi một sự nhạy bén trong tư duy báo chí từ những người trẻ. Nicolas Cornet cùng hai cộng sự là nữ nhiếp ảnh gia Maika Elan - người nổi tiếng với giải nhất hạng mục "Các vấn đề đương đại" của giải Ảnh báo chí thế giới 2013 và nhiếp ảnh gia Bình Đặng - một "tay máy" nổi tiếng với các mảng đề tài tư liệu văn hóa, xã hội đô thị… sẽ yêu cầu các bạn trẻ thực hiện trong 2 ngày - "48h photo marathon" ở Hà Nội, một phóng sự ảnh cho thấy góc nhìn và tình cảm của mình với thành phố đang sống. Công tác tuyển chọn thực hiện qua facebook vào những ngày cuối tháng 10 vừa qua. Theo Ban tổ chức, vì đối tượng là những người trẻ (tuổi từ 18 đến 27) nên phương án này khá hợp lý. Đúng như vậy, chỉ một tuần đã có rất nhiều tài năng trẻ gửi ảnh đăng ký tham dự với những ý tưởng hay. Ngày 5 và 6-11, với điểm tập trung là Trung tâm Văn hóa Pháp cùng sự trợ giúp, tư vấn của Cornet, Maika, Bình Đặng, 12 nhiếp ảnh gia trẻ được lựa chọn liên tục "marathon" để thực hiện bộ ảnh phóng sự của mình về sự gắn kết của bản thân với Hà Nội. Cuộc thử sức mà nhiều tác giả trẻ sau trải nghiệm đã nói: "Chưa bao giờ thấy 48 giờ lại ngắn ngủi đến thế và ý nghĩa đến thế".
Hiện 12 bộ ảnh của 12 tác giả được lựa chọn tham gia dự án đang được giới thiệu tại sảnh lớn của Trung tâm Văn hóa Pháp nhưng không theo cách in ảnh treo thông thường mà trưng bày dưới dạng phim - ảnh ngắn. Tức là mỗi bộ ảnh được kết nối chiếu thành một bộ phim có lựa chọn nhạc nền phù hợp. Đó là "Bên đường ray" của Bùi Tuấn Đức với những cảnh sinh hoạt dễ thương và bình dị của người dân sống bên cạnh đường tàu. "Tập thể cũ" của Trương Thành Đạt là những góc nhìn từ dưới lên, bên cầu thang, lối đi sinh hoạt của cư dân tập thể cũ. Với "Cuộc sống trên vỉa hè", Lê Việt Tuấn Hoàng cho thấy "tác dụng" đáng yêu của vỉa hè Hà Nội vừa để đi bộ, đi xe máy, ăn uống, bán đồ, để xe, trồng rau… "Cho tôi lái" của Trần Quang Đức thì là cảnh lái xe máy, xe đạp điện quá phổ biến trong đời sống đô thị Hà Nội. "Cuộc sống trong khu tập thể" của Trần Quang Bách lại khai thác góc khác rất đa dạng và đẹp về khu tập thể: Đó là cuộc sống phía trong những ô cửa khung sắt. Trần Nhật Minh chụp "Một ngày của Thành" khiến người xem xúc động về những lao động quên mình của một nghệ sĩ xiếc. "Đọc báo" của Nguyễn Hà Mai thì tạo sự thú vị cho người xem. Trần Mạnh Hùng thể hiện khẩu hiệu "Sống theo cách của bạn" khi chụp những không gian người dân tự tạo ngoài trời để sống khá phong phú. "Trăng sông" của Nguyễn Thanh Dương, "Xóm thuyền" của Nguyễn Đắc An Khang là những sinh hoạt bập bềnh của người dân sinh sống trên thuyền ven sông Hồng nhưng mỗi người có cách thể hiện khác nhau. "Thủy" được Nguyễn Hoàng Việt lột tả là một cô gái trẻ đang học làm ca sĩ rất năng động và thức thời. "Ô chào đông" của Nguyễn Hồng Nhung chụp những chiếc ô đủ sắc màu và những người dưới tán ô trong ngày Hà Nội đón mùa đông bằng cơn mưa.
Xem những bộ ảnh sẽ có nhiều người đặt câu hỏi khi thấy điểm chung của chúng là những hình ảnh rất giản dị và gần gũi: Tại sao các tác giả trẻ yêu Hà Nội không phải ở những điều xa hoa, tráng lệ? Với mỗi người đã và đang sống ở Hà Nội, câu hỏi ấy thật dễ trả lời!
Triển lãm diễn ra đến hết ngày 6-12.