Tiếp sức cho doanh nghiệp
Góc nhìn - Ngày đăng : 05:55, 03/12/2014
Trong bối cảnh kinh tế khó khăn hiện nay, để cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh, hỗ trợ doanh nghiệp, Chính phủ đã ban hành nhiều nghị quyết và chỉ đạo thực hiện quyết liệt, đồng bộ nhiều giải pháp, nhất là cải cách thủ tục hành chính trong các lĩnh vực về thuế, hải quan, bảo hiểm xã hội, cấp phép xây dựng, đất đai, tiếp cận điện năng, thành lập, giải thể doanh nghiệp, thủ tục đầu tư... Đáng kể là nhờ đẩy mạnh cải cách, đơn giản hóa, năm 2014, số doanh nghiệp thực hiện kê khai thuế điện tử từ 65% đã lên đến 95%; thời gian nộp thuế của doanh nghiệp giảm từ 537 giờ/năm xuống còn 247 giờ/năm. Thời gian tới, chúng ta sẽ phấn đấu thấp hơn mức bình quân 171 giờ/năm của ASEAN-6. Về hải quan, Chính phủ cũng đã triển khai cơ chế một cửa quốc gia tại các cảng biển quốc tế, phấn đấu đến năm 2015 thời gian thông quan hàng hóa giảm bình quân từ 21 ngày xuống còn 14 ngày đối với xuất khẩu, 13 ngày đối với nhập khẩu. Cơ chế một cửa hải quan quốc gia giảm được 10-20% chi phí và 30% thời gian thông quan hàng hóa xuất nhập khẩu cho doanh nghiệp. Chính phủ cũng đã rút gọn quy trình nộp bảo hiểm xã hội, thành lập, giải thể doanh nghiệp và tiếp cận điện năng, thành lập, tổ chức lại, giải thể doanh nghiệp…
Những giải pháp đúng đắn và sự nỗ lực, quyết tâm trong triển khai thực hiện đã đem lại "quả ngọt đầu mùa". Theo công bố tháng 10-2014 của Ngân hàng Thế giới, môi trường kinh doanh Việt Nam tăng 21 bậc, từ 99 lên 78/189. Báo cáo năng lực cạnh tranh toàn cầu công bố tháng 9-2014 của Diễn đàn Kinh tế thế giới cũng cho thấy Việt Nam đã tăng 2 bậc, từ 70 lên 68/148 nền kinh tế. Các tổ chức xếp hạng tín nhiệm quốc tế đã nâng mức xếp hạng tín nhiệm của Việt Nam từ mức B2 lên B1…
Phải khẳng định rằng, những cố gắng đó rất đáng ghi nhận. Tuy nhiên, có một thực tế là môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh của nước ta so với các nước trong khu vực còn thấp. Những khó khăn, vướng mắc mà các doanh nghiệp thẳng thắn trình bày với Thủ tướng trong Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam vừa diễn ra ngày 2-12 đã cho thấy thể chế luật pháp, cơ chế chính sách, thủ tục hành chính, thực thi công vụ... của ta vẫn còn nhiều bất cập, gây khó khăn, phiền hà, tốn kém thời gian, chi phí cho doanh nghiệp và người dân.
Trong vài năm gần đây, nền kinh tế Việt Nam tiếp tục có nhiều dấu hiệu tích cực nhưng tiến bộ còn chậm, chưa vững chắc. Mặc dù đà giải thể hoặc ngừng hoạt động đã chậm lại, số doanh nghiệp thành lập mới đã tăng lên nhưng chưa nhiều. Tháo gỡ những khó khăn cho doanh nghiệp, một mặt phải thực hiện đồng bộ các giải pháp cải cách hành chính, tạo môi trường cạnh tranh thông thoáng; mặt khác, phải tập trung tháo gỡ "nút thắt" về vốn, rào cản lớn nhất đối với các doanh nghiệp vừa và nhỏ - phần nhiều là doanh nghiệp tư nhân, chiếm hơn 90% số doanh nghiệp cả nước. Vừa qua, ngân hàng đã đồng loạt hạ lãi suất huy động, từ đó tạo điều kiện để hạ lãi suất tiền vay, giúp doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn, đó là một biện pháp tích cực. Tuy vậy, đi đôi với hạ lãi suất, ngân hàng phải nới lỏng các thủ tục để tạo điều kiện cho những doanh nghiệp mới hồi phục, còn đọng vốn, không có hồ sơ thế chấp cũng có thể vay được, đặc biệt là phải bảo vệ được vốn vay, không để nợ xấu tăng lên trong khi doanh nghiệp vẫn vay được vốn. Cùng với tăng nguồn vốn là mở rộng thị trường tiêu thụ, đa dạng hóa thị trường, không phụ thuộc vào một nguồn xuất khẩu, điều này chỉ Nhà nước mới làm có hiệu quả cao. Ở trong nước, cả hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp cần tiếp tục đẩy mạnh cuộc vận động "Người Việt ưu tiên dùng hàng Việt". Về lâu dài, hỗ trợ doanh nghiệp có hiệu quả nhất phải bằng các biện pháp đồng bộ, nâng cao chất lượng hàng hóa, tăng sức mua, mở rộng thị trường, nâng cao sức cạnh tranh…