Giải quyết triệt để vướng mắc
Chính trị - Ngày đăng : 06:15, 02/12/2014
Nhằm tiếp tục đẩy mạnh và thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ cải cách thủ tục hành chính (TTHC) với mong muốn góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, Bộ Tư pháp đang xây dựng dự thảo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Kế hoạch đơn giản hóa TTHC và cắt giảm gánh nặng hành chính trọng tâm năm 2015.
Giậm chân tại chỗ
Báo cáo năng lực cạnh tranh toàn cầu 2014-2015 đã nêu ra nhiều chỉ số cụ thể. Về chỉ số môi trường thể chế, Việt Nam đứng thứ 92, trong đó một số chỉ số thành phần có dấu hiệu đi xuống như: Phân biệt đối xử trong quyết định hành chính xếp hạng 74, hiệu quả của hệ thống pháp luật trong việc khiếu kiện quy định của Nhà nước đứng thứ 80, hiệu quả của hệ thống pháp luật trong giải quyết tranh chấp đứng thứ 89… Có những chỉ số thành phần bị xếp hạng thấp nhất khu vực ASEAN như: Gánh nặng tuân thủ quy định của pháp luật xếp hạng 101, minh bạch trong quá trình hoạch định chính sách đứng thứ 116… Đáng lo ngại hơn là trong khi Việt Nam giậm chân tại chỗ thì các nước khác lại có sự thay đổi tích cực, điển hình là Campuchia từ vị trí 110 lên 95, Philippines từ thứ hạng 71 lên 52… Thậm chí, theo đánh giá môi trường kinh doanh của Ngân hàng Thế giới (WB), Việt Nam tụt hạng từ 72 (năm 2014) xuống 78 (2015).
Ông Phan Vinh Quang, Giám đốc thể chế dự án Quản trị nhà nước nhằm tăng trưởng toàn diện của Cơ quan Phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAID) nhấn mạnh, chúng ta chuẩn bị vào "sân chơi" Hợp tác kinh tế chiến lược xuyên Thái Bình Dương, nếu không cải cách mạnh mẽ hơn chắc chắn sẽ thua thiệt… Tuy nhiên, ông Quang cho rằng, hiện nay vẫn còn rất nhiều rào cản. Chẳng hạn, khi phát hiện một vài doanh nghiệp gian lận đã lập tức thay đổi một loạt quy định làm cho những doanh nghiệp chân chính bị ảnh hưởng theo kiểu "một người đau bụng cả làng uống thuốc" như quy định doanh nghiệp mới thành lập có tài sản cố định dưới 1 tỷ đồng không được mua hóa đơn đỏ. Còn trong lĩnh vực thể chế, chất lượng văn bản rất thấp. Việt Nam chưa có cơ quan có thể thẩm định tốt chất lượng văn bản, nên mới chỉ kiểm soát tính tuân thủ pháp luật, trong khi kiểm soát TTHC đòi hỏi phải ở cả khía cạnh kinh tế, ngân sách… Bên cạnh đó, hiện cũng không có cơ chế để khiếu kiện văn bản vi phạm pháp luật. Việc lấy ý kiến đối với dự thảo văn bản mang tính hình thức…
Bà Đặng Phương Dung, Phó Tổng Thư ký Hiệp hội Dệt may cho biết: Doanh nghiệp dệt may, da giày vướng mắc do thủ tục kiểm dịch động thực vật phức tạp, trong đó có việc không thừa nhận lẫn nhau khi một cơ quan giám định đạt tiêu chuẩn nhưng cơ quan khác lại không công nhận. Hay, trong cắt giảm thủ tục hải quan, hải quan chỉ là cơ quan thực hiện các thủ tục do các bộ, ngành khác quy định nên muốn cắt giảm thì phải có sự phối hợp đồng bộ giữa các bộ, ngành.
Cải cách theo nhóm TTHC
Để khắc phục thực trạng trên, Bộ Tư pháp đang xây dựng dự thảo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Kế hoạch đơn giản hóa TTHC và cắt giảm gánh nặng hành chính trọng tâm năm 2015 để có thể cải thiện năng lực cạnh tranh quốc gia. Đây cũng là việc hướng tới mục tiêu cải cách TTHC theo Nghị quyết số 30c/NQ-CP của Chính phủ: "TTHC liên quan đến cá nhân, tổ chức được cải cách cơ bản theo hướng gọn nhẹ, đơn giản; mỗi năm đều có tỷ lệ giảm chi phí mà cá nhân, tổ chức phải bỏ ra khi giải quyết TTHC tại cơ quan hành chính nhà nước".
Dự thảo Quyết định đề xuất 18 nhóm quy định TTHC cần tiến hành rà soát, đơn giản hóa là những thủ tục gây nhiều bức xúc, được tiếp cận theo chuỗi để giải quyết một hoặc một nhóm công việc của cá nhân, tổ chức từ khi bắt đầu đến lúc kết thúc và hai nhóm tổ chức thực hiện TTHC nhằm tăng cường khả năng tiếp cận thông tin, minh bạch và công khai TTHC. Đơn cử, trong nhóm thủ tục, quy định liên quan về khám, chữa bệnh cho người dân sẽ rà soát, đơn giản hóa từ khâu khám bệnh, nhập viện, điều trị cho đến khi ra viện; hay trong nhóm TTHC quy định liên quan về xuất khẩu thủy sản sẽ được rà soát, đơn giản hóa từ giai đoạn nuôi trồng đến phân phối, xuất khẩu…
Dự thảo Quyết định cũng quy định nhiệm vụ chủ trì, phối hợp và trách nhiệm của các bộ, ngành, địa phương và Hội đồng Tư vấn cải cách TTHC trong việc thực hiện Kế hoạch đơn giản hóa TTHC, cắt giảm gánh nặng hành chính trọng tâm năm 2015, nhất là những nhóm TTHC có liên quan đến nhiều cơ quan. Cùng với đó, Bộ Tư pháp cũng xây dựng dự thảo Quyết định quy định các công đoạn thực hiện gắn với thời hạn triển khai khá chi tiết, bảo đảm trước ngày 31-12-2015 toàn bộ TTHC tại 4 cấp chính quyền được công khai đầy đủ trên cơ sở dữ liệu quốc gia về TTHC và được niêm yết đồng bộ, thống nhất tại nơi tiếp nhận, giải quyết TTHC.
Cục trưởng Cục Kiểm soát TTHC (Bộ Tư pháp) Ngô Hải Phan: Mục tiêu đặt ra năm 2015 sẽ cắt giảm tối thiểu 25% chi phí tuân thủ TTHC đối với từng nhóm TTHC và 100% TTHC tại 4 cấp chính quyền được công bố, công khai. Các nhóm TTHC tập trung cải cách năm 2015 liên quan đến các lĩnh vực: nông nghiệp, nông thôn, y tế, giáo dục… |