Siết chặt quản lý, giải quyết vấn đề dân sinh

Chính trị - Ngày đăng : 06:11, 02/12/2014

(HNM) - Trước kỳ họp thứ 11 - kỳ họp cuối năm của HĐND TP Hà Nội, các tổ đại biểu đã tiếp xúc cử tri tại 30 đơn vị bầu cử và nhận được nhiều kiến nghị liên quan đến các vấn đề dân sinh. Trong đó, nội dung được đông đảo cử tri đề cập là: Quy hoạch, quản lý đất đai, trật tự xây dựng, đô thị; y tế, lao động -


Nâng cao công tác quy hoạch, quản lý

Trong 121 nội dung cử tri kiến nghị có nhiều vấn đề liên quan đến công tác quy hoạch và triển khai quy hoạch của TP Hà Nội. Đặc biệt, cử tri cho rằng việc tuyên truyền phổ biến công khai về quy hoạch của thành phố còn nhiều yếu kém. Nhân dân nhiều địa phương trên địa bàn không được biết các quy hoạch của Nhà nước để thực hiện. Cũng do thiếu thông tin nên với nhiều dự án đang triển khai, người dân thường phải chờ đợi rất lâu mà không biết tiến độ cụ thể ra sao. Điển hình như cử tri quận Tây Hồ mong muốn thành phố đẩy nhanh tiến độ dự án Văn Cao - Hồ Tây. Dự án đã tiến hành GPMB nhưng vẫn để hoang hóa, lãng phí, hình thành chợ chim, cá cảnh tự phát, gây mất vệ sinh môi trường; đồng thời, đất để san lấp mặt bằng chặn đường thoát nước, gây ngấm vào tường nhà dân phía dưới. Các hộ dân nằm trong diện bị thu hồi đất phục vụ dự án Khu đô thị Xuân Phương (quận Nam Từ Liêm) đã kê khai, kiểm đếm đến nay được 4 năm mà chưa được nhận tiền đền bù và tái định cư; dự án đã chậm triển khai nhiều năm làm ảnh hưởng tiêu cực đến đời sống, quyền lợi của nhân dân...

Bên cạnh đó, cử tri đề nghị thành phố đẩy nhanh việc cải tạo, xây dựng lại các chung cư cũ đã xuống cấp, ảnh hưởng đến an toàn, mỹ quan đô thị như: Chung cư tại địa chỉ số 9 và 16 Trần Hưng Đạo (quận Hoàn Kiếm); nhà E6, E7 phường Quỳnh Mai (quận Hai Bà Trưng); nhà A1 tập thể Giảng Võ (quận Ba Đình); nhà K2 khu tập thể Hào Nam (quận Đống Đa); Khu E tập thể Thuốc lá Thăng Long, khu F4 tập thể Cao su Sao vàng (quận Thanh Xuân)… Việc bàn giao, quản lý, sử dụng nhà chung cư cũng được nhiều cử tri quan tâm. Cử tri quận Nam Từ Liêm đề nghị thành phố kiểm tra một số nội dung liên quan đến Tổng Công ty Đầu tư phát triển nhà và đô thị Bộ Quốc phòng (Chủ đầu tư đồng thời hiện đang chịu trách nhiệm quản lý nhà chung cư Khu đô thị Mỹ Đình 1 thuộc phường Cầu Diễn) xem việc quy hoạch sử dụng đất trong Khu đô thị Mỹ Đình 1 có đúng mục đích, đúng theo các quyết định cấp phép hay không? Theo các cử tri, 10 năm nay chủ đầu tư chưa tiến hành bàn giao công tác quản lý nhà chung cư trong Khu đô thị Mỹ Đình 1 cho Ban quản trị và không thực hiện xây dựng các thiết chế công phục vụ cộng đồng dân cư như nhà văn hóa tổ dân phố, trường học công lập. Tương tự, dự án Khu tái định cư 2,8ha ở tổ dân phố số 26, phường Mai Dịch (quận Cầu Giấy) đã có hơn 10 năm nhưng chưa có nhà sinh hoạt cộng đồng và chưa có đèn đường…

Đáng chú ý, toàn thành phố đang thực hiện Năm trật tự và văn minh đô thị - 2014 nhưng tình trạng ô nhiễm môi trường đang xảy ra phổ biến ở nhiều địa bàn. Cử tri quận Nam Từ Liêm đề nghị thành phố chỉ đạo Công ty Vệ sinh môi trường rửa xe rác thải sạch sẽ trước khi ra khỏi bãi đỗ tập kết tại khu vực bãi rác Tây Mỗ (quận Nam Từ Liêm) tránh tình trạng làm rơi vãi rác thải, nước thải gây ô nhiễm môi trường như hiện nay. Hiện nay, dòng sông Tô Lịch, sông Đáy, sông Nhuệ đang bị ô nhiễm gây ảnh hưởng đến nguồn nước ngầm tại các địa phương ven sông. Do đó, thành phố cần quan tâm đẩy nhanh tiến độ xây dựng các công trình xử lý ô nhiễm môi trường, cung cấp nước sạch cho nhân dân. Nhằm mang lại mỹ quan đồng đều trên cùng một tuyến phố Huế (thuộc hai quận Hoàn Kiếm và Hai Bà Trưng), cử tri quận Hoàn Kiếm đề nghị thành phố thống nhất việc quản lý giao thông tĩnh trên vỉa hè tại tuyến phố Huế vì hiện nay chỉ có đoạn phố thuộc quận Hoàn Kiếm thực hiện không để xe trên vỉa hè. Bên cạnh đó, nhiều cử tri cho rằng thành phố cần quan tâm bảo tồn các cây xanh lâu năm, không nên chặt hàng loạt cây xanh lâu năm trên phố trong thời gian vừa qua.

Quan tâm tới chế độ, chính sách

Trong các kiến nghị gửi tới kỳ họp thứ 11, HĐND thành phố kỳ này, cử tri cũng phản ánh những khó khăn khi áp dụng chính sách vào thực tiễn. Điển hình như việc cấp phép hành nghề y dược do thành phố thực hiện nên cấp xã không nắm được, dẫn đến công tác quản lý của chính quyền khó khăn. Nhiều cơ sở đi vào hoạt động nhưng xã không biết đã được cấp phép hay chưa (?) Vì vậy, cử tri cho rằng khi Sở Y tế cấp phép cho các cơ sở kinh doanh, hành nghề y dược cần trao đổi, thông báo với địa phương mà cơ sở đó đặt trụ sở để thuận tiện cho công tác quản lý.

Bên cạnh đó, cử tri huyện Sóc Sơn, Chương Mỹ tiếp tục đề nghị thành phố, TƯ điều chỉnh chế độ đối với người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học và nghiên cứu tổ chức giám định y khoa cho tất cả những đối tượng đang hưởng chế độ ưu đãi người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học để bảo đảm công bằng; nghiên cứu chính sách ưu đãi đối với những người đã được tặng thưởng huân, huy chương và bị nhiễm chất độc hóa học. Liên quan đến lĩnh vực y tế, cử tri đề nghị thành phố xem xét cấp thẻ bảo hiểm y tế cho các cán bộ tổ dân phố, cán bộ thôn. Trong việc kiện toàn sắp xếp tổ chức Đảng và các tổ chức trong hệ thống chính trị trên địa bàn dân cư, tổ dân phố, thôn xóm ở xã, phường, thị trấn thuộc TP Hà Nội thực hiện theo Đề án 06-ĐA/TU, nhiều ý kiến cho rằng nên xem xét quy định độ tuổi tối đa của tổ trưởng, tổ phó dân phố không quá 70 tuổi; bởi sau khi sắp xếp lại, số hộ dân trên một tổ dân phố tăng lên, cán bộ dân phố tuổi cao đi đến từng nhà rất vất vả.

Với các vấn đề thiết thực với đời sống của người nông dân, cử tri đề nghị đôn đốc việc thực hiện Quyết định số 16/QĐ-UBND của UBND thành phố về khuyến khích phát triển nông nghiệp giai đoạn 2012-2016. Hiện nay việc thực hiện quyết định này đang chậm nên các địa phương gặp khó khăn về kinh phí. Đồng thời cần quan tâm đầu tư kinh phí làm đường giao thông cho các xã mới lên phường vẫn còn sản xuất nông nghiệp cũng như quan tâm hỗ trợ kinh phí, cấp lại giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nông nghiệp cho nhân dân sau khi thực hiện xong dồn điền đổi thửa…

Phong Thu