Sự kỳ thị vẫn là rào cản
Xã hội - Ngày đăng : 06:51, 01/12/2014
Dịch vụ phòng, chống HIV còn hạn chế
Từ trường hợp đầu tiên được phát hiện năm 1990, tính đến ngày 30-9-2014, toàn quốc có hơn 224 nghìn người có HIV, trong đó, gần 70 nghìn bệnh nhân chuyển sang giai đoạn AIDS và hơn 70,7 nghìn trường hợp tử vong. Mặc dù số người có HIV phát hiện mới có xu hướng giảm trong 7 năm gần đây nhưng vẫn ở mức cao, khoảng 12-14 nghìn ca mỗi năm. Hiện đã có 80,3% số xã, phường, thị trấn và 98,9% số quận, huyện trên cả nước có người có HIV.
Tuyên truyền phòng chống HIV/AIDS tới mọi người dân là việc làm hết sức cần thiết. Ảnh: Nhật Nam |
Đánh giá về tình hình và xu hướng dịch HIV ở nước ta, Cục trưởng Cục Phòng chống HIV/AIDS (Bộ Y tế) Nguyễn Hoàng Long cho biết, dịch HIV bao gồm nhiều hình thái khác nhau tập trung chủ yếu ở ba nhóm có hành vi nguy cơ lây nhiễm HIV cao, đó là đối tượng nghiện chích ma túy (NCMT), nam quan hệ tình dục đồng giới và phụ nữ bán dâm. Trong thời gian gần đây, bạn tình của người NCMT được coi là quần thể có nguy cơ cao mới, được bổ sung vào các can thiệp dự phòng. Qua báo cáo về số trường hợp có HIV mới, tỷ lệ phụ nữ đang gia tăng (chiếm đến 32,5% các ca nhiễm mới trong năm 2013), điều đó phản ánh sự lây truyền HIV từ nam giới có hành vi nguy cơ cao sang bạn tình.
Cũng theo ông Nguyễn Hoàng Long, năm 2014 là năm bản lề thực hiện mục tiêu phòng, chống HIV/AIDS giai đoạn 2011-2015 nhưng độ bao phủ các dịch vụ phòng chống HIV/AIDS còn hạn chế. Nguyên nhân do trong những năm gần đây, kinh phí cho phòng chống HIV/AIDS bị cắt giảm mạnh. Nhiều nhà tài trợ đã dừng viện trợ cho phòng chống HIV/AIDS của Việt Nam. Ngay cả nguồn kinh phí chương trình Mục tiêu quốc gia cho phòng chống HIV/AIDS cũng giảm từ 245 tỷ đồng năm 2013 xuống còn 83 tỷ đồng năm 2014... Điều đó dẫn tới các dịch vụ về can thiệp giảm tác hại như: Phân phát bơm kim tiêm sạch, bao cao su và điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng Methadone mới chỉ bao phủ được từ 30 đến 50% và có thể sẽ không tăng trong những năm tới. Thêm vào đó, 95% số lượng "vũ khí" thuốc ARV, điều trị và dự phòng hướng đến chấm dứt dịch HIV, do các nhà tài trợ quốc tế hỗ trợ. Nếu trong những năm tới nguồn viện trợ này giảm sẽ rất khó khăn cho việc duy trì và mở rộng điều trị ARV. Tình trạng gián đoạn điều trị ARV do không có thuốc sẽ làm tăng nguy cơ xuất hiện HIV kháng thuốc, thất bại trong điều trị, phải chuyển sang phác đồ điều trị ARV bậc 2, bậc 3 với chi phí cao hơn rất nhiều. "Không đủ kinh phí sẽ dẫn thiếu hụt các dịch vụ phòng chống HIV/AIDS, cả dự phòng và điều trị, nguy cơ dẫn đến việc dịch HIV/AIDS bùng phát trở lại với tỷ lệ kháng thuốc cao và chi phí điều trị sẽ tăng cao nhiều lần so với hiện nay", ông Nguyễn Hoàng Long nhấn mạnh.
Xóa bỏ rào cản từ sự kỳ thị
Theo các chuyên gia về chính sách y tế, một trong những rào cản lớn đối với công cuộc phòng, chống HIV/AIDS chính là tình trạng kỳ thị và phân biệt đối xử đối với người có HIV/AIDS vẫn còn tồn tại khá phổ biến dưới nhiều hình thức và mức độ khác nhau. Kinh nghiệm từ thực tế cho thấy, muốn đạt được các mục tiêu không còn người nhiễm mới HIV, không còn người tử vong do AIDS, trước hết chúng ta phải đạt được mục tiêu "Không còn kỳ thị và phân biệt đối xử liên quan đến HIV/AIDS". Đây cũng chính là lý do Việt Nam đã chọn chủ đề "Không kỳ thị và phân biệt đối xử với người nhiễm HIV" cho Tháng Hành động quốc gia phòng, chống HIV/AIDS năm 2014 (diễn ra từ 10-11 đến 10-12).
Nhận thức sai lầm về khả năng làm việc và cống hiến của người có HIV đối với xã hội cũng là một vấn đề. Theo ông Nguyễn Hoàng Long, không hiểu biết đầy đủ về tiến triển của căn bệnh HIVAIDS nên nhiều chủ lao động cho rằng người có HIV không có khă năng lao động và sáng tạo nên khó có thể duy trì được công việc cũng như nhiệm vụ được giao. Mặt khác, tại nơi làm việc có thể tồn tại nhận thức rằng, người có HIV luôn là mối đe dọa đối với tổ chức, cơ quan, xí nghiệp làm giảm uy tín, giảm năng suất lao động, tăng chỉ phí chăm sóc sức khỏe, có nguy cơ làm lây nhiễm HIV cho đồng nghiệp... Do bị kỳ thị và phân biệt đối xử tại nơi làm việc, hầu hết người có HIV bị thất nghiệp hoặc buộc phải thay đổi công việc thường xuyên, thậm chí phải thay đổi nơi ở hoặc không thuê được nhà ở. Kết quả nghiên cứu mới đây của Mạng lưới người sống với HIV ở Việt Nam cho thấy, có khoảng 3% người có HIV và 4% trẻ em là con của người có HIV đã bị từ chối không được đi học.
Ngoài ra, sự kỳ thị và phân biệt đối xử còn xảy ra ở các cơ sở phi chính quy, ở gia đình, cộng đồng, bạn bè và hàng xóm, như bị vợ, chồng bỏ rơi hoặc người thân trong gia đình ruồng rẫy, bị cộng đồng xã hội tẩy chay, bị từ chối khám sức khỏe tại các cơ sở y tế, thiếu sự chăm sóc và hỗ trợ, thậm chí bị bạo hành… Trước thực tế trên, việc chống kỳ thị và phân biệt đối xử với người có HIV còn là nội dung quan trọng để Việt Nam thực hiện thành công mục tiêu 90-90-90, kết thúc đại dịch AIDS vào năm 2030.