Củng cố vững chắc niềm tin trong nhân dân

Chính trị - Ngày đăng : 05:54, 01/12/2014

(HNM) - Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định:


Ngọn nguồn sức mạnh

Sở dĩ "nhân dân ta luôn đi theo Đảng, rất trung thành với Đảng" vì nhân dân có niềm tin đối với Đảng và Đảng luôn phấn đấu xứng đáng với niềm tin của nhân dân. Trong quá trình lãnh đạo cách mạng, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng ta luôn quan tâm, chăm lo, hết lòng hết sức xây dựng niềm tin trong nhân dân. Với quan điểm "lấy dân làm gốc", Chủ tịch Hồ Chí Minh cho rằng, trong bầu trời không gì quý bằng nhân dân.

Niềm tin của dân không tự dưng mà có. Chủ tịch Hồ Chí Minh quan niệm, muốn cho dân tin, muốn được lòng dân, Đảng phải thực hành "việc gì có lợi cho dân phải hết sức làm, việc gì có hại cho dân phải hết sức tránh". Người khẳng định, vấn đề quan trọng bậc nhất trong xây dựng niềm tin của nhân dân đối với Đảng là lợi ích. Trong Di chúc, Chủ tịch Hồ Chí Minh căn dặn: "Ðảng cần phải có kế hoạch thật tốt để phát triển kinh tế và văn hóa, nhằm không ngừng nâng cao đời sống của nhân dân". Nếu Đảng lãnh đạo mang lại lợi ích thiết thực cho dân, dân ấm no, hạnh phúc sẽ đặt trọn niềm tin vào Ðảng, vào chế độ.

Trách nhiệm tạo niềm tin của nhân dân đối với Đảng là của từng cán bộ, đảng viên, nhất là những người lãnh đạo. Càng nhiều cán bộ, đảng viên được nhân dân tin tưởng, thì sự tin tưởng dành cho Đảng của nhân dân càng lớn. Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, muốn dân tin Đảng, tin Nhà nước, cán bộ lãnh đạo, quản lý trước hết phải dân chủ với dân, tôn trọng dân như chính bản thân mình. Người cho rằng, đảng viên phải đi trước để "làng nước theo sau". Cán bộ, đảng viên phải là những tấm gương sáng để nhân dân trông vào. Muốn làm được như vậy, mỗi người phải tu dưỡng đạo đức cách mạng, đạo đức cá nhân như rửa mặt hằng ngày. Đảng viên phải thấy được "kẻ địch trong mình ta nó mạnh lắm. Đế quốc bên ngoài có thể dùng súng dùng đạn để đánh được, kẻ địch trong người không thể dùng lựu đạn mà ném vào được; nó vô hình, vô ảnh, không dàn ra thành trận, luôn luôn lẩn lút trong mình ta. Nó khó thấy, khó biết nên khó tránh. Nhưng đã biết việc phải thì kiên quyết làm....". Người cho rằng, cán bộ, đảng viên phải biết rằng: "Theo con đường thiện thì khó nhọc, nhưng vẻ vang. Quyết tâm là làm được. Cái gì khó bằng làm cách mạng, bằng đánh Tây, bằng cải tạo xã hội? Thế mà ta làm được. Cán bộ có quyết tâm thì cải tạo được mình, được nước nhà, được xã hội".

Một nhà văn hóa từng nói: "Niềm tin là sức mạnh có thể khiến thế giới tan vỡ xuất hiện trong ánh sáng". Niềm tin vững chắc của nhân dân đối với Đảng, với Chủ tịch Hồ Chí Minh đã trở thành sức mạnh to lớn đưa dân tộc từ thân phận nô lệ trở thành những người chủ của đất nước tự do. Đảng đã lãnh đạo nhân dân vượt qua những thử trách cam go hoàn thành sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước và thực hiện công cuộc đổi mới với nhiều thành quả có ý nghĩa lịch sử.

Đẩy lùi nguy cơ có thực

Trong bối cảnh hiện nay, yêu cầu củng cố niềm tin trong nhân dân đối với Đảng có vai trò đặc biệt quan trọng. Đầu năm 2012, Nghị quyết TƯ 4 (khóa XI) "Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay" được ban hành. Nghị quyết chỉ rõ: "Một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên, trong đó có những đảng viên giữ vị trí lãnh đạo, quản lý, kể cả một số cán bộ cao cấp, suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống với những biểu hiện khác nhau về sự phai nhạt lý tưởng, sa vào chủ nghĩa cá nhân ích kỷ, cơ hội, thực dụng, chạy theo danh lợi, tiền tài, kèn cựa địa vị, cục bộ, tham nhũng, lãng phí, tùy tiện, vô nguyên tắc...". Đó là một trong những nguyên nhân "làm giảm sút lòng tin của nhân dân đối với Đảng"; "nếu không được sửa chữa sẽ là thách thức đối với vai trò lãnh đạo của Đảng và sự tồn vong của chế độ".

Gần hai năm thực hiện Nghị quyết TƯ 4, bước đầu đã tạo được chuyển biến tích cực ở nhiều tổ chức Đảng. Tuy nhiên, về tổng thể, những nguy cơ làm xói mòn lòng tin của nhân dân vẫn còn. Trong bài viết nhân dịp Quốc khánh 2-9 vừa qua, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang tiếp tục lưu ý những nguy cơ đó: "... nền kinh tế nước ta còn tụt hậu, cuộc sống của đồng bào ta ở nhiều vùng, nhiều đối tượng còn rất khó khăn; tệ tham nhũng, lãng phí, thiếu trách nhiệm, thói quan liêu hống hách cửa quyền với nhân dân, tình trạng trù dập, ức hiếp người dân lương thiện, gây ra bao nỗi oán thán, bất bình trong nhân dân. Chúng ta vẫn còn phải trăn trở, đau lòng khi nghe những câu truyền miệng lâu nay trong nhân dân: "Nhất hậu duệ, nhì tiền tệ, ba quan hệ, bốn trí tuệ..." trong công tác cán bộ và những nhận xét về thứ "đạo đức bốn mặt" (trước mặt, sau lưng, trước cấp trên và trước đồng bào mình) đang là phương thức hành xử của không ít cán bộ, đảng viên, cũng như trước tình trạng không ít cán bộ "tay đã nhúng chàm" bị dư luận xã hội lên án hoặc đã và đang bị truy tố, xét xử". Chủ tịch nước nhấn mạnh: "Chúng ta không sợ bất cứ một thế lực nào, dù là hung bạo nhất. Chúng ta chỉ sợ nhân dân mất niềm tin vào Đảng, Nhà nước, chế độ ta".

Ngoài những nguy cơ làm suy giảm lòng tin do "tự diễn biến", "tự chuyển hóa", những "diễn biến hòa bình", hoạt động chống phá của các thế lực thù địch đang ngày càng tinh vi, xảo quyệt, đa dạng, đa chiều và khó đối phó hơn. Vì vậy, để củng cố niềm tin trong nhân dân đối với Đảng, giải pháp đặt ra là phải nâng cao chất lượng, hiệu quả tuyên truyền để cán bộ, đảng viên và nhân dân vừa nhìn rõ những chiêu bài của các thế lực thù địch, vừa nhận thức đúng, không hoài nghi, dao động về chủ trương, đường lối của Đảng. Chiêu bài của kẻ thù càng tinh vi, giải pháp tuyên truyền càng phải không ngừng đổi mới, có tính thuyết phục cao.

Nhưng hơn hết, biện pháp căn bản vẫn phải xuất phát từ nội bộ Đảng, như lời Chủ tịch Hồ Chí Minh căn dặn trong Di chúc: "Đảng ta là một Đảng cầm quyền. Mỗi đảng viên và cán bộ phải thực sự thấm nhuần đạo đức cách mạng, thật sự cần kiệm liêm chính, chí công vô tư. Phải giữ gìn Đảng ta thật trong sạch, phải xứng đáng là người lãnh đạo, là người đầy tớ thật trung thành của nhân dân". Yêu cầu đặt ra hiện nay đối với các cấp ủy Đảng là phải thực hiện thật tốt Nghị quyết TƯ 4 (khóa XI) và Chỉ thị 03-CT/TƯ của Bộ Chính trị về đẩy mạnh việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh. Đó chính là chăm lo mối quan hệ máu thịt giữa Đảng với nhân dân ở một tầm cao mới, với chất lượng mới.

Để Đảng ta thật sự trong sạch, vững mạnh, phải đấu tranh không khoan nhượng với tham nhũng, tiêu cực, để "một bộ phận không nhỏ" sẽ chỉ còn là "một bộ phận nhỏ", là số ít. Cuộc đấu tranh đó, cần được thực hiện ở tất cả các cấp ủy Đảng, để "Không trừ một ai, dù là cán bộ lãnh đạo, người đứng đầu các tổ chức, cơ quan, đơn vị hay một công dân bình thường luôn phải tự vấn về nghĩa vụ và trách nhiệm của mình, luôn phải biết tự hổ thẹn với lương tâm về đạo lý làm người! Không trừ một ai, ở bất kỳ cấp nào, có việc làm hại cho dân cho nước, làm nhân dân bất bình, nếu đạo lý, lương tâm không đủ thức tỉnh, răn đe thì pháp lý phải được triệt để áp dụng". - như Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã khẳng định.

Chỉ có như vậy, nhân dân mới luôn đi theo Đảng, trung thành với Đảng.

Tọa đàm “Mãi mãi đi theo Người”

(HNM) - Ngày 30-11, Trung ương Đoàn, Báo Tiền phong phối hợp với Trường ĐH Lao động - Xã hội tổ chức tọa đàm với chủ đề "Mãi mãi đi theo Người" nhân kỷ niệm 45 năm thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Các khách mời đã khẳng định giá trị to lớn của Di chúc, chia sẻ kinh nghiệm quá trình học tập, thực hiện Di chúc của Người trong cuộc sống lao động và chiến đấu. Thông qua những câu chuyện, tấm gương cụ thể của các điển hình tiên tiến, sinh viên, đoàn viên, thanh niên có điều kiện hiểu rõ hơn về nội dung bản Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, định hướng lý tưởng, hành động, tiếp tục đẩy mạnh học tập và làm theo gương Bác, trau dồi đạo đức, kiến thức để tích cực góp phần xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Tư Đô

Nhóm PV Nội chính - Xây dựng Đảng