Săn cáo 2014

Hồ sơ - Ngày đăng : 06:34, 30/11/2014

(HNM) -

Theo kế hoạch này, một đơn vị đặc biệt được Bộ Công an Trung Quốc thành lập gồm các sĩ quan cảnh sát giàu kinh nghiệm thuộc Cục Điều tra tội phạm kinh tế và các cơ quan an ninh khác. Đến nay đơn vị này đã gửi hàng trăm điều tra viên ra nước ngoài để săn lùng những kẻ chạy trốn.

Cảnh sát Trung Quốc dẫn độ tội phạm về nước quy án.


Báo cáo tại hội nghị tổng kết 4 tháng triển khai chiến dịch mới đây cho thấy, Bộ Công an Trung Quốc đã truy bắt được 288 đối tượng lẩn trốn ở 56 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới, trong đó có hơn 20 đối tượng đã ở nước ngoài hơn 10 năm nay. Trong quá trình vận động đã có 126 đối tượng ra đầu thú. Nhiều người trong số đó bị bắt ở Mỹ, Canada và Australia, nơi lẩn trốn phổ biến của các nghi phạm vì những nước này không có hiệp ước dẫn độ với Trung Quốc.

Có thể kể đến một vài tên tuổi được nhắc tới trong chiến dịch "Săn cáo 2014" như Lý Tiểu Dũng, con trai út của cựu Thủ tướng Lý Bằng, sinh năm 1963, hiện đang ở Singapore. Khi mới 15 tuổi, Lý Tiểu Dũng đã được bố cho nhập ngũ, nhưng lại làm Chủ tịch HĐQT một công ty của lực lượng cảnh sát vũ trang, rồi được đặt vào ghế Phó Chủ nhiệm Chính trị Bộ chỉ huy Thủy điện cảnh sát vũ trang, được phong hàm Thượng tá. Một nhân vật khác là Giả Hiểu Hà, em vợ Chu Vĩnh Khang, cựu Ủy viên Thường vụ Bộ Chính trị, cựu Bí thư Ủy ban Chính trị pháp luật của Đảng Cộng sản Trung Quốc. Giả Hiểu Hà là một đại gia trong ngành dầu khí vì từng giữ vị trí Tổng Giám đốc Văn phòng Tập đoàn dầu khí quốc gia ở Canada, rồi cùng chồng trốn tại nước này.

Từ sau Đại hội 18 Đảng Cộng sản Trung Quốc đến nay, Trung Quốc đã đẩy mạnh chiến dịch đấu tranh phòng chống tham nhũng. Chính phủ nước này cho rằng, có khoảng 18.000 quan chức chạy trốn khỏi đất nước trong vòng 20 năm qua, mang theo số tiền tham nhũng khoảng 129 tỷ USD. Nhiều người cho rằng, "Săn cáo 2014" là nấc thang mới trong cuộc chiến chống tham nhũng tại quốc gia đông dân nhất thế giới. Song, chiến dịch này đang gặp nhiều khó khăn vì khó có thể thiết lập một hệ thống dẫn độ khi chế độ chính trị và sự khác biệt trong định nghĩa "tham nhũng" của từng quốc gia. Đến nay Trung Quốc mới ký hiệp ước dẫn độ với 39 nước trên thế giới. Đặc biệt tại các nước phương Tây, nơi mà những quan chức tham nhũng đang ẩn nấp hầu như không nằm trong số này. Phần lớn "quan tham" bỏ trốn ra nước ngoài từng làm việc trong các cơ quan tài chính, các doanh nghiệp nhà nước độc quyền, giao thông, quản lý đất đai, xây dựng, thuế, thương mại và đầu tư.

Ông Lưu Đông, quan chức Bộ Công an Trung Quốc phụ trách chiến dịch "Săn cáo 2014" cho biết, thời gian tới Bộ này sẽ tăng cường hợp tác với các nước trên thế giới, thúc đẩy việc ký các hiệp định dẫn độ tội phạm nhằm đẩy mạnh truy bắt các đối tượng phạm tội đang lẩn trốn ở nước ngoài đưa về Trung Quốc quy án. Chính phủ Trung Quốc tuyên bố ngày 1-12 là hạn chót cho các nghi phạm trình diện và đầu thú để được khoan hồng.

Tuấn Minh