Chống hàng nhái, hàng giả: Nhiều việc phải làm!
Góc nhìn - Ngày đăng : 06:04, 30/11/2014
Hàng giả, hàng nhái trên thị trường gồm đủ loại, từ các thương hiệu thời trang, mỹ phẩm nổi tiếng thế giới, các mặt hàng tiêu dùng: mỳ chính, bột giặt, bánh kẹo, đồ gia dụng… đến các sản phẩm văn hóa như: đĩa nhạc, sách. Có sản phẩm nhập lậu từ nước ngoài, có sản phẩm do chính các cơ sở trong nước làm giả, làm nhái, thậm chí tư thương còn thuê người nước ngoài làm giả các thương hiệu uy tín trong nước rồi mua chuộc cán bộ tuồn qua biên giới. Nhận định của Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc hoàn toàn chính xác, nếu không có bao che, tiếp tay thì tại sao những chiếc xe tải chở hàng từ biên giới về vẫn lọt qua bao nhiêu tỉnh, thành phố?
Một vấn đề nữa, tình trạng hàng giả, hàng nhái diễn ra tràn lan từ nhiều năm nay còn có lỗi của chính các doanh nghiệp có sản phẩm bị làm giả, làm nhái. Khi cơ quan chức năng phát hiện trên thị trường có hàng giả, doanh nghiệp không muốn ra mặt, nhất là các mặt hàng tiêu dùng có nhiều đơn vị cùng sản xuất. Thậm chí có người mua phải sản phẩm nghi là giả khiếu nại lên Hội Bảo vệ người tiêu dùng, nhưng khi luật sư của hội đến làm việc thì doanh nghiệp không hợp tác, không cung cấp thông tin. Khi cơ quan chức năng tổ chức triển lãm hàng nhái, hàng giả, họ tham gia một cách miễn cưỡng. Tại sao như vậy? Họ sợ làm to chuyện, người tiêu dùng sẽ quay lưng lại với sản phẩm nên âm thầm chịu đựng và chấp nhận sống chung với hàng giả, hàng nhái, chấp nhận giảm thị phần còn hơn uy tín thương hiệu giảm sút. Mặt khác, họ biết các thủ tục hành chính để xử lý đơn vị làm giả và bán hàng giả rất nhiêu khê phức tạp. Họ phải tự chứng minh sản phẩm của mình bị làm giả như thế nào, ở đâu, số lượng bao nhiêu, tiêu thụ thế nào… nếu không sẽ bị mắc tội vu khống. Mặt khác việc làm giả không chỉ diễn ra ở một nơi mà tại nhiều địa phương khác nhau nên không thể kiểm soát được. Cách đây không lâu, một công ty văn hóa ở TP Hồ Chí Minh kiện một công ty ở Hà Nội đang gia công 2.500 cuốn sách mà họ có bản quyền, tuy nhiên mọi chuyện chẳng dễ dàng.
Góp phần để hàng nhái, hàng giả có đất sống còn có nguyên nhân tại người tiêu dùng. Không ít người trẻ dù biết món đồ đó là giả thương hiệu nổi tiếng nhưng họ vẫn mua. Người tiêu dùng Việt Nam cũng chưa có thói quen tẩy chay hàng giả, hàng nhái. Ở góc độ pháp lý, chúng ta không đưa vào luật điều khoản xử phạt nếu người tiêu dùng biết hàng giả mà vẫn mua và không tố cáo nếu mua phải hàng giả là đồng lõa nên đã tạo thêm cơ hội cho hàng giả, hàng nhái tồn tại.
Hàng nhái, hàng giả không chỉ ảnh hưởng xấu đến môi trường kinh doanh, thu hút đầu tư mà còn có thể làm doanh nghiệp làm ăn chân chính bị phá sản... Nếu không xóa bỏ những bất cập nêu trên thì hàng giả, hàng nhái chắc chắn sẽ còn tồn tại…