Bài cuối:Ai “bật đèn xanh” cho sai phạm?
Giới trẻ - Ngày đăng : 05:56, 29/11/2014
Các ý kiến bàn thảo tại đây cho thấy, cơ quan chuyên môn đã nhận rõ sai phạm từ việc để cho doanh nghiệp bán đất khi chưa quy hoạch chi tiết (QHCT) 1/500 đến việc "sáng tạo" giấy phép xây nhà ngoài quy định pháp luật dẫn tới tình thế "tiến thoái lưỡng nan".
Người dân xây nhà cao tầng kiên cố nhờ những giấy phép "sáng tạo" của cơ quan chức năng Bình Dương. |
Chỉ đạo ngược quy trình
Điều tra của phóng viên cho thấy UBND tỉnh Bình Dương biết rõ sai phạm của chủ đầu tư. Bằng chứng, tại Thông báo số 241/TB-UBND ngày 8-10-2013 của UBND tỉnh Bình Dương về tháo gỡ một số vướng mắc đối với các khu dân cư, tái định cư, khu đô thị do Becamex IDC làm chủ đầu tư, đối với khu tái định cư 125,7ha nêu trên, thông báo 241 xác định rất rõ: Becamex IDC chưa được phê duyệt quy hoạch xây dựng chi tiết 1/500, nên UBND tỉnh yêu cầu Becamex IDC "khẩn trương tiến hành lập quy hoạch chi tiết xây dựng 1/500 đối với phần diện tích 125,7ha...". Và đến ngày 2-10-2014 UBND tỉnh này mới ký quyết định số 2457 phê duyệt QHCT 1/500 Khu tái định cư Phú Chánh.
Thế nhưng, thay vì phải ngăn chặn và xử lý nghiêm việc bán đất trái quy định của chủ đầu tư, xử lý việc cấp phép xây dựng tạm không đúng đối tượng của UBND TP Thủ Dầu Một thì UBND tỉnh Bình Dương đã "bật đèn xanh" cho những sai phạm này. Cụ thể, tại Thông báo số 72 ngày 15-4-2013 của Văn phòng UBND tỉnh Bình Dương thông báo về ý kiến kết luận của Chủ tịch tỉnh Bình Dương Lê Thanh Cung liên quan Khu tái định cư Phú Chánh, lãnh đạo tỉnh này đã chỉ đạo ngược quy trình: "Phần đất còn lại, công ty "con" của Becamex IDC chuyển nhượng cho các hộ dân chưa có giấy chứng nhận QSDĐ, giao UBND TP Thủ Dầu Một theo thẩm quyền cấp phép tạm cho dân. Đến khi chủ đầu tư cung cấp được giấy chứng nhận QSDĐ thì cấp lại giấy phép xây dựng chính thức". Chưa hết, ngày 20-8-2013, tại công văn số 2443/UBND-KTN, UBND tỉnh Bình Dương tiếp tục yêu cầu UBND các huyện, thị xã, thành phố cấp giấy phép xây dựng tạm cho các hộ dân để xây dựng nhà ở trong khu tái định cư chưa được cấp giấy chứng nhận QSDĐ.
Điều này tạo áp lực lớn cho chính quyền TP Thủ Dầu Một. Trong văn bản số 241 ngày 4-9-2013 gửi UBND TP Thủ Dầu Một, phòng chuyên môn là Quản lý đô thị đã dẫn quy định tại Điều 8 của Quyết định số 14/2013/QĐ-UBND của chính UBND tỉnh Bình Dương về cấp phép xây dựng và quản lý xây dựng trên địa bàn để khẳng định: Người dân mua đất bằng hợp đồng nguyên tắc từ TDC là không đủ cơ sở pháp lý để cấp phép xây dựng chính thức và cũng không phải là đối tượng để cấp phép xây dựng tạm theo chỉ đạo. Chưa dừng lại, ngày 18-9-2013, Phòng Quản lý đô thị tiếp tục có văn bản 260 báo cáo UBND TP Thủ Dầu Một nêu rõ khó khăn trong công tác cấp phép xây dựng và đề nghị UBND thành phố kiến nghị Sở Xây dựng tỉnh Bình Dương có hướng dẫn tháo gỡ. Bởi lẽ theo Nghị định 64/2012/NĐ-CP về cấp giấy phép xây dựng thì những hộ dân mua đất của TDC không có quy hoạch chi tiết, không có giấy chứng nhận QSDĐ… không đủ điều kiện cấp phép xây dựng.
Thế nhưng ngày 28-2-2014, theo Thông báo số 30 của Văn phòng UBND tỉnh Bình Dương thì UBND tỉnh này đã đổ lỗi do Sở TNMT chưa thực hiện xong việc rà soát cấp giấy chứng nhận QSDĐ nhiều khu dân cư trong đó có Phú Chánh nên việc Becamex IDC và TDC bán đất cho dân bằng hợp đồng nguyên tắc là... phù hợp. Thế nên lãnh đạo tỉnh chỉ đạo: "Trước sự bức xúc của người dân, xét thấy đây là khu vực quy hoạch ổn định, có quy hoạch chi tiết được duyệt, điều kiện hạ tầng đã được đầu tư theo quy hoạch, thực hiện xong nghĩa vụ tài chính với Nhà nước, do đó UBND tỉnh đồng ý cho cấp giấy phép xây dựng tạm trên cơ sở hợp đồng nguyên tắc…".
Thừa nhận sai phạm, nhưng…
Từ chỉ đạo của UBND tỉnh Bình Dương và việc thực thi của các cơ quan chức năng dẫn tới việc người dân đã bỏ ra hàng trăm triệu đồng mua đất chưa có sổ đỏ, chưa được QHCT 1/500 do công ty "con" của Becamex là TDC làm chủ đầu tư và bỏ thêm hàng trăm triệu đồng nữa để xây nhà kiên cố nhờ sự cho phép bằng giấy phép xây dựng tạm "sáng tạo" của chính quyền.
Việc này dẫn đến nguy cơ, nếu theo đúng quy định thì khi hết thời hạn tồn tại, người dân phải tháo dỡ nhà. Trường hợp nộp phạt để tồn tại thì giá trị rất cao, bằng 40% giá trị phần xây dựng sai phép, không phép đối với công trình là nhà ở riêng lẻ theo Nghị định số 121/2013/NĐ-CP. Tuy nhiên, không thể áp dụng cả hai tình huống trên bởi thực chất là chính quyền đã "bật đèn xanh" cho dân xây nhà nhằm "hỗ trợ" doanh nghiệp làm sai. Nhưng nếu không dỡ bỏ, không nộp phạt để tồn tại thì người dân không thể hợp thức hóa căn nhà của mình.
Liên quan tình huống "đau đầu" này, ngày 6-10-2014, tại Bình Dương đã diễn ra một cuộc họp do Sở Xây dựng chủ trì với sự tham dự của đại diện các ban, ngành như: Xây dựng, TNMT, Tư pháp, UBND TP Thủ Dầu Một, TDC và Becamex IDC. Tại đây, có ý kiến đặt vấn đề: Có nên phạt người dân xây nhà theo Nghị định 121/2013/NĐ-CP của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động xây dựng…? Khi đi xử lý trực tiếp thì có phạt, có hồi tố được không? Lập tức có người "toát mồ hôi": "Mấy ông TP Thủ Dầu Một hỏi tôi xử phạt theo 121 (Nghị định 121), với cá nhân xử phạt 40% giá trị… Không phép, giá trị phạt sai phép cao, dân kéo đến tấn công ông Thuận (Đoàn Văn Thuận, Tổng Giám đốc TDC, đơn vị bán đất cho dân - PV)...". Một cán bộ khác thẳng thừng: "Làm sao phạt dân được? Có phạt là phạt ông này (TDC - PV), chưa có giấy tờ đất đã bán". Và một người khác phát biểu: "Nói về xử phạt vi phạm hành chính với các trường hợp không có giấy phép đúng theo quy định Điều 13, Nghị định 121. Tuy nhiên, phải xét thực tế ở hai khía cạnh: Một là với những hộ dân này, họ xây dựng không phải là không có giấy phép, họ được sự cho phép của Nhà nước bằng giấy phép tạm, mà ở đây, giấy phép tạm chúng ta cấp không đúng quy định… Hai là mình đi xử phạt người dân là dựa vào cơ quan nhà nước mình phát hiện. Giả sử chúng ta không phát hiện, chúng ta không xử phạt. Coi như trường hợp này, mình không phát hiện đi. Còn nếu chúng ta xử phạt, thì đúng là sẽ gây ra bức xúc, khó gỡ lắm… Tương tự trong kiến nghị có để câu "tới hạn, người dân không cung cấp được giấy phép… Người dân phải tự tháo dỡ… Tôi không đồng ý". Rồi người phát biểu trên "gợi hướng": "Từ giai đoạn này trở về sau đề nghị chúng ta phải theo đúng quy định. Sở TNMT phải tìm cách đẩy nhanh việc cấp QSDĐ cho Becamex, rồi Becamex chuyển nhượng lại cho TDC. TDC phải có giấy chứng nhận QSDĐ. Sau đó mới ký hợp đồng chuyển nhượng cho người dân theo đúng quy định. Nếu chưa ra được giấy chứng nhận QSDĐ cho TDC, thì chúng ta không thể nào cấp giấy phép xây dựng tạm được. Thay vì trước đây mình đã lỡ làm rồi, thì bây giờ không tính nữa. Cái mấu chốt ở đây là giấy chứng nhận QSDĐ, nếu chúng ta đẩy nhanh, làm ra được giấy QSDĐ, coi như chúng ta giải quyết được mọi vấn đề".
Còn cán bộ UBND TP Thủ Dầu Một đề xuất: "Bây giờ theo quy định mới, ngày 1-1-2015 thì dừng, không cần, nghĩa là miễn giấy phép trong khu vực này. Tôi nghĩ đơn giản, từ bây giờ đến ngày 1-1-2015 còn chưa tới 3 tháng nữa thì chúng ta chấp hành chỉ đạo của UBND tỉnh là chúng ta dừng chuyển nhượng. Chúng tôi không cấp phép nữa, tới đó cho hợp pháp…".
Các ý kiến phát biểu nêu trên cho thấy, chính các cơ quan chuyên môn đã thừa nhận sai phạm từ việc để cho doanh nghiệp bán đất khi chưa quy hoạch chi tiết 1/500 đến việc "sáng tạo" giấy phép xây nhà ngoài quy định pháp luật… Và nếu như địa phương nào cũng làm sai quy định pháp luật như Bình Dương thì điều gì sẽ xảy ra? Do vậy, việc tổng thanh kiểm tra lĩnh vực đất đai xây dựng ở tỉnh này để giữ nghiêm kỷ cương pháp luật là hết sức cần thiết.