Cần nâng cao trách nhiệm đại biểu nhân dân

Góc nhìn - Ngày đăng : 05:37, 29/11/2014

(HNM) - Kỳ họp thứ tám, Quốc hội khóa XIII đã khép lại với nhiều dấu ấn. Đây là kỳ họp có nhiều dự án luật được xem xét, thông qua. Cùng với đó là nhiều quyết sách mang tính


Cùng với kết quả lấy phiếu tín nhiệm khá "sát với ý dân", kỳ họp cũng được đánh giá có những phiên chất vấn hiệu quả, nhiều bộ trưởng đã thể hiện bản lĩnh, trách nhiệm của mình một cách mạch lạc và quyết đoán. Kết quả này được dư luận cử tri và nhân dân đánh giá rất cao.

Tuy nhiên, bên cạnh những dấu ấn đẹp thì kỳ họp này cũng để lại một vài điều khiến nhiều cử tri trăn trở liên quan đến mục tiêu nâng cao "chất lượng hoạt động" của Quốc hội. Xin bắt đầu bằng câu nhận xét của một vị Phó Chủ tịch Quốc hội tại phiên họp chiều 20-11 rằng: "Mấy phiên gần đây số đại biểu vắng họp nhiều quá". Thế nhưng ngay sáng hôm sau, khi biểu quyết thông qua một dự án luật, số đại biểu vắng mặt lên tới 102 (biểu quyết thông qua Luật Hộ tịch chỉ có 395/497 đại biểu). Điều khiến cử tri thắc mắc là có tới 25% những người đại diện của họ đi đâu? Khi bỏ lá phiếu bầu, cử tri đã thực hiện "trách nhiệm công dân" chọn người đại diện cho tiếng nói, quyền lợi của mình ở cơ quan quyền lực cao nhất. Nhưng đáng buồn nhiều vị đại biểu đã không làm hết trách nhiệm.

Trong chuyên mục này số báo Hànộimới ra ngày hôm qua có bài "Đừng tư duy… máy lạnh", tác giả Nguyễn Đức đặt ra những vấn đề tồn tại về chất lượng ban hành văn bản pháp luật hiện nay. Vậy, liệu có thể đặt câu hỏi: Nhiều văn bản chất lượng chưa cao có một phần nguyên nhân từ tình trạng "thiếu trách nhiệm" của một số đại biểu như nói ở trên? Chiều 27-11, Quốc hội thông qua dự luật giáo dục nghề nghiệp chỉ với 274 người đồng ý, chiếm 55,13% một tỉ lệ thấp kỷ lục. Đành rằng tỉ lệ thông qua đã "quá bán", nhưng cử tri có thể yên tâm khi mà còn tới 85 đại biểu vắng mặt và 13 đại biểu không thể hiện ý chí của mình? Một văn bản pháp luật mà tỉ lệ thông qua thấp như vậy liệu có đạt chất lượng như ý?

"Đại biểu Quốc hội thì không nên vắng mặt" - Đó là lời ông Nguyễn Hạnh Phúc, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội. Quốc hội có trách nhiệm xây dựng chính sách. Mỗi đại biểu có mặt tại kỳ họp đều có nghĩa vụ, trách nhiệm và cả quyền lợi trong việc xây dựng chính sách. Chỉ có đại biểu Quốc hội mới có quyền và trọng trách bấm nút quyết định những vấn đề trọng đại của đất nước. Họ là đại diện cho toàn thể nhân dân, vì thế vai trò, nhiệm vụ của đại biểu hết sức quan trọng. Nhưng người xây dựng chính sách, pháp luật thì phải nói được, làm được, phải có kiến thức chuyên sâu, biết thể hiện ý tưởng cũng như kiến thức của mình nhằm giúp Quốc hội tạo thành chính sách, văn bản quy phạm... Thế nhưng vẫn còn có đại biểu cả nhiệm kỳ không phát biểu, hay góp ý hoặc nói cho có rồi có đại biểu thiếu cẩn trọng trong thông tin hay phát ngôn, tác động xấu đến xã hội...

Quốc hội đặt mục tiêu ngày càng nâng cao chất lượng hoạt động. Muốn vậy trước hết phải nâng cao chất lượng đại biểu Quốc hội, bắt đầu từ nâng cao tinh thần trách nhiệm của mỗi đại biểu.

Tuấn Kiệt