Kết quả tín nhiệm giúp cho việc quy hoạch cán bộ nhiệm kỳ tới

Chính trị - Ngày đăng : 17:58, 28/11/2014

(HNMO) – Chiều 28/11, ngay sau khi bế mạc kỳ họp thứ 8, Quốc hội đã tổ chức họp báo công bố kết quả kỳ họp. Chủ trì cuộc họp báo là ông Nguyễn Hạnh Phúc, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội.


Mở đầu cuộc họp báo, bà Phan Thị Toàn, Vụ trưởng Vụ thông tin của Quốc hội cho biết, sau 33 ngày làm việc khẩn trương, nghiêm túc, kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XIII đã thành công tốt đẹp, cơ bản hoàn thành chương trình nghị sự đề ra, thu hút sự quan tâm của cử tri và đồng bào cả nước.

Trong suốt kỳ họp, Quốc hội đã xem xét, thông qua 18 luật, 5 nghị quyết; cho ý kiến về 12 dự án luật; tiến hành lấy phiếu tín nhiệm với các chức danh do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn, ban hành Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị quyết 35/2012/QH13 của Quốc hội về việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội, Hội đồng nhân dân bầu hoặc phê chuẩn; tiến hành chất vấn Thủ tướng và các thành viên Chính phủ và ra nghị quyết về vấn đề này; xem xét và ra nghị quyết về đề án đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông; nghị quyết về sửa đổi, bổ sung một số điều của nghị quyết về lấy phiếu tín nhiệm với những người giữ chức vụ do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn...

Trả lời trực tiếp câu hỏi của phóng viên về việc một số doanh nghiệp cho rằng, một số nội dung cải cách trong luật doanh nghiệp và các luật liên quan được thông qua tại kỳ này vẫn còn chưa triệt để, như: danh mục ngành nghề bị hạn chế kinh doanh còn nhiều, chưa bỏ hẳn quy định về con dấu của doanh nghiệp…, ông Nguyễn Văn Phúc, Phó chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cho biết, Luật đầu tư vừa được thông qua đã có cải cách mà nhiều đại biểu Quốc hội coi là “cách mạng” trong thủ tục về đầu tư: mọi người có quyền tự do kinh doanh những ngành nghề mà pháp luật không cấm (trước là mọi người có quyền kinh doanh theo quy định của pháp luật).

Để cụ thể hóa nguyên tắc này, Luật Đầu tư đã quy định 6 ngành nghề cấm đầu tư kinh doanh và các ngành nghề kinh doanh có điều kiện. Những ngành nghề kinh doanh có điều kiện đúng là hạn chế quyền tự do kinh doanh nhưng việc đặt ra điều kiện với những ngành nghề này hoàn toàn phù hợp với Hiến pháp, pháp luật và so với trước, danh mục ngành nghề kinh doanh có điều kiện cũng đã giảm nhiều.


Về con dấu, ông Phúc cho biết, doanh nghiệp có quyền quyết định về hình thức, số lượng, nội dung của con dấu, như vậy là không bắt buộc doanh nghiệp phải sử dụng con dấu trong mọi trường hợp.

“Vịệc cải cách phải phù hợp với điều kiện Việt Nam về tập quán, văn hóa và những yếu tố khác trong hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp”, ông Phúc nói.

Liên quan đến trường hợp ông Hoàng Hữu Phước, đại biểu Quốc hội TP. Hồ Chí Minh, có những lời nói xúc phạm đến một số đại biểu khác, ông Nguyễn Hạnh Phúc cho biết, nội bộ đoàn TP. Hồ Chí Minh đã có trao đổi và rút kinh nghiệm, các đại biểu đã xin lỗi, thông cảm lẫn nhau. Vụ việc chưa đến mức phải để Quốc hội can thiệp.

Trả lời thắc mắc của phóng viên về việc sửa đổi nghị quyết lấy phiếu tín nhiệm vẫn giữ nguyên 3 mức tín nhiệm và chỉ lấy phiếu tín nhiệm 1 lần trong cả nhiệm kỳ khiến cử tri băn khoăn, ông Nguyễn Hạnh Phúc cho biết, đúng là khi phát biểu ở hội trường, thảo luận, các đại biểu còn nhiều ý kiến khác nhau, nhưng kết quả biểu quyết cho thấy, 81,49% đại biểu đồng tình với phương án được trình. 

"Nếu tôi đi tiếp xúc cử tri, tôi sẽ trao đổi, giải thích để cử tri hiểu. Tôi tin cử tri thông cảm, chia sẻ và hiểu việc này", ông Phúc nói.

Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội cũng cho biết thêm, việc lấy phiếu tín nhiệm là thực hiện chủ trương của Đảng theo Nghị quyết TƯ 4. Đảng muốn thăm dò tín nhiệm của những cán bộ thuộc diện Bộ Chính trị quản lý, xem Quốc hội đánh giá tín nhiệm với họ như thế nào để làm cơ sở cho việc bổ nhiệm, điều động, luân chuyển và giúp cho công tác quy hoạch cán bộ cho nhiệm kỳ tới.

Vân An