Người nước ngoài sở hữu nhà tại VN: Thị trường BĐS sẽ biến động?
Bất động sản - Ngày đăng : 15:41, 28/11/2014
Điều đáng chú ý nhất là Luật Nhà ở sửa đổi có quy định mở rộng sở hữu tài sản của các cá nhân và tổ chức nước ngoài tại Việt Nam, thay thế quy định thí điểm cũ đã hết hạn vào cuối tháng 12/2013.
Khách hàng nước ngoài có lợi gì khi Luật Nhà ở sửa đổi?
Luật Nhà ở sửa đổi có hiệu lực từ ngày 1/7/2015, sẽ loại bỏ nhiều ràng buộc trước đó áp dụng với khách hàng nước ngoài khi mua nhà tại Việt Nam với một số điều chỉnh chính.
Theo đó, về đối tượng sở hữu nhà ở: Cá nhân nước ngoài được phép nhập cảnh vào Việt Nam; Doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, chi nhánh, văn phòng đại diện của doanh nghiệp nước ngoài, quỹ đầu tư nước ngoài và chi nhánh ngân hàng nước ngoài đang hoạt động tại Việt Nam.
Về loại hình nhà ở là tất cả loại bao gồm căn hộ chung cư và nhà ở riêng lẻ gắn liền với đất như biệt thự hay nhà liền kề (trước đây quy định này chỉ được áp dụng với căn hộ chung cư).
Ảnh minh họa. |
Tiếp đó, không có quy định nào giới hạn về số lượng căn hộ, nhà mà người nước ngoài có thể mua; tuy nhiên, tổng số căn hộ lưu trú mà người nước ngoài sở hữu không quá 30% số lượng căn hộ trong một tòa nhà chung cư; nếu là nhà ở riêng lẻ bao gồm nhà ở biệt thự, nhà ở liền kề thì trên một khu vực có số dân tương đương một đơn vị hành chính cấp phường chỉ được mua, thuê mua và sở hữu không quá 250 căn nhà (trước đây, một người nước ngoài chỉ được phép mua 1 căn hộ chung cư tại Việt Nam).
Bất động sản thuộc quyền sở hữu của cá nhân người nước ngoài có thể được cho thuê lại, mua bán, thừa kế hoặc thế chấp (trước đây, người nước ngoài chỉ được mua nhà với mục đích dùng để ở).
Thời hạn cho phép các cá nhân nước ngoài được sở hữu nhà ở là 50 năm và có thể được gia hạn với các điều kiện tương tự được quy định trước đó. Trường hợp cá nhân nước ngoài kết hôn với công dân Việt Nam, được sở hữu nhà ở ổn định, lâu dài và có các quyền của chủ sở hữu nhà ở như công dân Việt Nam.
Thị trường BĐS sẽ biến động như thế nào?
Theo nhận định từ CBRE, các điều kiện nới lỏng cho người nước ngoài sở hữu nhà tại Việt Nam thoáng hơn nhiều so với những dự đoán trước đó, qua đó đánh dấu một bước đi quan trọng trong việc mở cửa thị trường BĐS cho các nhà đầu tư nước ngoài. Hai quy định duy nhất còn hạn chế đối với người nước ngoài là thời hạn sở hữu không quá 50 năm và số lượng BĐS được sở hữu tối đa trong một tòa nhà chung cư, một đơn vị hành chính cấp phường (hoặc tương đương). Ngoài ra cũng không còn quy định giới hạn về diện tích căn hộ được phép sở hữu.
Luật Nhà ở sửa đổi mới thông qua sẽ giúp thị trường Việt Nam trở nên hấp dẫn hơn đối với người nước ngoài sinh sống và làm việc tại Việt Nam, có mong muốn đầu tư vào thị trường này và xóa đi những rào cản ban đầu, tạo một sân chơi công bằng hơn giữa người nước ngoài và người dân Việt Nam.
Điều cần lưu ý ở đây là việc sửa đổi lần này có thể chưa có tác động ngay lập tức, nhưng chắc chắn sẽ khiến thị trường nhà ở đã được cải thiện gần đây đi theo hướng tích cực hơn. Nhìn chung, chính sách thay đổi này sẽ giúp cải thiện mạnh mẽ niềm tin vào môi trường đầu tư, điều đặc biệt cần thiết cho thị trường BĐS Việt Nam vốn đã chững lại sau thời kỳ hoàng kim trước năm 2008.
Trước đây, thị trường BĐS Việt Nam luôn bị chi phối bởi các chủ đầu tư, nhà thầu, khách hàng và nhà đầu tư trong nước, một phần do các quy định giới hạn quyền sở hữu nhà ở của người nước ngoài tại Việt Nam. Ngoài ra còn có các nguyên nhân khác như vắng bóng các chủ đầu tư uy tín; bong bóng đầu cơ từ năm 2006 đến năm 2008; những hệ lụy khi bong bóng đầu cơ vỡ từ năm 2009 đến năm 2013; thị trường cho thuê nhỏ lẻ, chính sách cho vay mua nhà và thị trường thế chấp giới hạn cùng với các cơ hội rõ ràng hơn ở vài quốc gia khác trong khu vực.
Việc thông qua Luật Nhà ở sửa đổi lần này sẽ tạo thế cân bằng, minh bạch và ổn định cho thị trường bất động sản nhà ở tại Việt Nam; đồng thời được kỳ vọng sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc cải thiện ở một mức độ nào đó các vấn đề được đề cập bên trên. Cũng cần lưu ý là sự tham gia vào thị trường của các nhà đầu tư tư nhân cũng sẽ đóng vai trò quan trọng không kém.