Quốc hội chỉ lấy phiếu tín nhiệm 1 lần trong cả nhiệm kỳ

Chính trị - Ngày đăng : 14:01, 28/11/2014

(HNMO) – Chiều 28/11, trong ngày làm việc cuối cùng của kỳ họp, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị quyết 35/2012/QH13 của Quốc hội về việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội, Hội đồng nhân dân bầu hoặc phê chuẩn.


Nghị quyết đã được 453 đại biểu Quốc hội, tương đương 81,49% tổng số đại biểu Quốc hội bấm nút thông qua. Có 35 đại biểu không tán thành với nghị quyết này.

Theo Nghị quyết được thông qua, Quốc hội lấy phiếu tín nhiệm đối với những người giữ các chức vụ sau đây: Chủ tịch nước, Phó Chủ tịch nước; Chủ tịch Quốc hội, các Phó Chủ tịch Quốc hội, Chủ tịch Hội đồng dân tộc, các Chủ nhiệm Ủy ban của Quốc hội, các thành viên khác của Ủy ban thường vụ Quốc hội; Thủ tướng Chính phủ, các Phó Thủ tướng Chính phủ, các Bộ trưởng, các thành viên khác của Chính phủ; Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Tổng kiểm toán nhà nước.

Hội đồng nhân dân lấy phiếu tín nhiệm đối với những người giữ các chức vụ: Chủ tịch Hội đồng nhân dân, Phó Chủ tịch Hội đồng nhân dân, Ủy viên thường trực Hội đồng nhân dân, các Trưởng Ban của Hội đồng nhân dân; Chủ tịch Ủy ban nhân dân, các Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân, các thành viên khác của Uỷ ban nhân dân.

Quốc hội, Hội đồng nhân dân tổ chức lấy phiếu tín nhiệm một lần trong mỗi nhiệm kỳ vào kỳ họp thường lệ cuối năm thứ ba của nhiệm kỳ. Những người được lấy phiếu tín nhiệm sẽ được đánh giá theo 3 mức độ: “tín nhiệm cao”, “tín nhiệm”, “tín nhiệm thấp”.



Nếu người được lấy phiếu tín nhiệm có quá nửa tổng số đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân đánh giá “tín nhiệm thấp” thì có thể xin từ chức. Người được lấy phiếu tín nhiệm có từ hai phần ba tổng số đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân trở lên đánh giá “tín nhiệm thấp” thì Ủy ban thường vụ Quốc hội trình Quốc hội, Thường trực Hội đồng nhân dân trình Hội đồng nhân dân dân bỏ phiếu tín nhiệm.

Quốc hội Không lấy phiếu tín nhiệm đối với những người thuộc diện được lấy phiếu tín nhiệm nhưng có thời gian đảm nhiệm chức vụ liên tục chưa đủ 12 tháng, tính đến ngày khai mạc kỳ họp tổ chức lấy phiếu tín nhiệm của Quốc hội, Hội đồng nhân dân.

Về trường hợp bỏ phiếu tín nhiệm, Ủy ban thường vụ Quốc hội trình Quốc hội bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn trong trường hợp: Ủy ban thường vụ Quốc hội tự mình đề nghị; Có kiến nghị của Hội đồng dân tộc hoặc Ủy ban của Quốc hội; Có kiến nghị của ít nhất hai mươi phần trăm tổng số đại biểu Quốc hội; Người được lấy phiếu tín nhiệm có từ hai phần ba tổng số đại biểu Quốc hội trở lên đánh giá "tín nhiệm thấp”.

Thường trực Hội đồng nhân dân trình Hội đồng nhân dân bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Hội đồng nhân dân bầu trong các trường hợp sau đây: Có kiến nghị của ít nhất một phần ba tổng số đại biểu Hội đồng nhân dân; Có kiến nghị của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cùng cấp; Người được lấy phiếu tín nhiệm có từ hai phần ba tổng số đại biểu Hội đồng nhân dân trở lên đánh giá "tín nhiệm thấp”.

Nghị quyết này có hiệu lực từ ngày 01 tháng 7 năm 2015

Trước đó, trong phiên làm việc buổi sáng, Quốc hội đã biểu quyết thông qua Nghị quyết phê chuẩn Công ước của Liên hợp quốc về chống tra tấn và các hình thức đối xử hoặc trừng phạt tàn bạo, vô nhân đạo hoặc hạ nhục con người; Nghị quyết phê chuẩn Công ước của Liên hợp quốc về quyền của người khuyết tật; Thảo luận ở hội trường về dự án dự án Luật thú y.

Vân An