Cách hành lễ trong tục thờ Thánh - Mẫu ở Việt Nam ra sao?
Sách - Ngày đăng : 09:07, 28/11/2014
Cuốn sách về thờ Thánh - Mẫu ở Việt Nam |
Việt Nam đã chính thức đệ trình UNESCO hồ sơ “Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt” xét đăng ký vào danh sách Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại năm 2016. Hai năm gần đây, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hà Nội cũng tổ chức Liên hoan văn hóa tín ngưỡng thờ Mẫu nhằm giúp công chúng hiểu hơn về tín ngưỡng thờ Thánh – Mẫu.
Để giúp người đọc có cái nhìn rõ hơn về tín ngưỡng thờ Mẫu của Việt Nam, NXB Văn hóa Thông tin vừa ra mắt cuốn sách Tục thờ Thánh – Mẫu ở Việt Nam của cố GS Vũ Ngọc Khánh, nhà nghiên cứu văn hóa dân gian bậc thầy. Cuốn sách của cố GS đã giúp người đọc hiểu hơn về bốn cõi giữa vũ trụ và thế gian cùng Nguyên lý Mẹ trong quan niệm của người dân.
Hà Nội đã tổ chức 2 kỳ liên hoan chầu văn để công chúng hiểu hơn về tín ngưỡng thờ Thánh - Mẫu |
Rất nhiều người cho rằng Thánh Mẫu là tôn hiệu do vua chúa ban thưởng, nhưng thực tế không phải vậy. Với quan niệm các mẹ đẻ ra trời, đất, núi sông, tất cả chúng ta, con người và vạn vật đều là con của các mẹ, người dân đã đưa các mẹ vào sự phụng thờ, tôn các mẹ là bậc thánh, gọi là Thánh Mẫu. Cả thế gian này chỉ có 4 vị thánh gồm Thiên cung Thánh Mẫu (bà mẹ lớn ở trên trời, còn gọi là Mẫu Cửu Trùng hay Mẫu Thượng Thiên), Địa cung Thánh Mẫu (mẹ lớn đẻ ra Đất, bà đẻ ra cả cõi trần gian), Thủy cung Thánh mẫu (bà mẹ đẻ ra nước, các biển lớn, sông dài đều là con của mẹ) và Lâm cung Thánh mẫu (bà mẹ đẻ ra núi, non, đồi, rừng…).
Bên cạnh tín ngưỡng về Tứ phủ, Tục thờ Thánh Mẫu ở Việt Nam còn giới thiệu rất kỹ về đức Mẫu Liễu Hạnh trong tín ngưỡng Việt Nam cũng như các thần linh được thờ trong đạo thờ Thánh Mẫu, cách hành lễ trong việc thờ phụng chúa Liễu.
Người đọc cũng được tìm hiểu thêm về Đức Thánh Trần với những thông tin quý về Hưng Đạo Vương trong lịch sử Việt Nam, sự thánh hóa của Đức Thánh Trần, lễ hội đức Thánh Trần… trong cuốn sách này.