Mũ bảo hiểm không đạt chất lượng: Vẫn ngang nhiên tồn tại

Đời sống - Ngày đăng : 06:55, 28/11/2014

(HNM) - Tiếp tục tìm hiểu về thị trường mũ bảo hiểm (MBH), chúng tôi phát hiện tình trạng MBH của các cơ sở sản xuất


Hàng loạt "tên tuổi" tiếp tục vi phạm

Ông Nguyễn Ngọc Chiếu, Chánh Thanh tra Sở KH&CN Bình Thuận cho biết: Vừa qua, sau đợt kiểm tra MBH trên địa bàn tỉnh do Chi cục Tiêu chuẩn, đo lường và chất lượng tỉnh chủ trì, Thanh tra Sở KH&CN đã ra quyết định tạm dừng kinh doanh đối với 6 loại MBH của các cơ sở sản xuất MBH đều xuất xứ tại TP Hồ Chí Minh. Cụ thể là loại mẫu MBH thương hiệu Jamasata của cơ sở sản xuất Đức Huy; Proma của cơ sở Trí Liễu; Napoli của cơ sở Sóng Hùng; M&M của cơ sở Kim Minh; V&S của cơ sở Như Ý và Công ty TNHH một thành viên (MTV) Sản xuất, thương mại và dịch vụ Hoàng Đạt. Cũng trong đợt kiểm tra do cơ quan chức năng tỉnh Bình Thuận phối hợp cùng Chi cục Quản lý chất lượng sản phẩm hàng hóa miền Nam thực hiện thì MBH của Công ty TNHH HJC Vina - Honda (Lô 6 KCN Khai Quang, Vĩnh Yên, tỉnh Vĩnh Phúc) cũng không đạt yêu cầu chất lượng.

Mũ bảo hiểm kém chất lượng đang tràn về các miền quê.


Tương tự, Chi cục Quản lý thị trường tỉnh Ninh Thuận cho biết, trong đợt kiểm tra MBH, Đoàn kiểm tra liên ngành tỉnh đã lấy 5 mẫu MBH để kiểm nghiệm và có đến 4 mẫu không đạt chất lượng yêu cầu, xử phạt hành chính gần 73 triệu đồng. Tất cả các mẫu MBH vi phạm đều do hai cơ sở sản xuất tại TP Hồ Chí Minh, cụ thể: Công ty TNHH MTV Đầu tư và phát triển công nghệ Sơn Tùng - Honda Kim Song Mã, xử phạt mức cao với 67,5 triệu đồng và cơ sở Sóng Hùng - Napoli.

Sẽ làm rõ vi phạm của MBH thương hiệu Napoli

Trong những cơ sở sản xuất MBH "kiểm tra đâu, vi phạm đó" thì dẫn đầu là cơ sở Sóng Hùng với 6 lần kiểm tra cả 6 lần không đạt chất lượng. Liên quan cơ sở này, ông Hoàng Lâm, Giám đốc Trung tâm Kỹ thuật tiêu chuẩn, đo lường, chất lượng 3 (Trung tâm 3) cho biết, đến nay, Trung tâm 3 đã cử lực lượng đi xác minh làm rõ mức độ vi phạm về chất lượng MBH thương hiệu Napoli của cơ sở này ở các tỉnh, thành phố trong cả nước như Báo Hànộimới phản ánh. "Thời gian tới, Napoli có thể bị tước giấy chứng nhận hợp quy", ông Lâm khẳng định.

Lý giải nguyên nhân chưa thể làm ngay, ông Lâm cho hay, nếu vi phạm nhiều hơn nữa trên các địa phương khác cũng không thể rút được bởi đó mới chỉ một yếu tố. Bản thân Trung tâm 3 phải cử lực lượng thu thập mẫu tại cơ sở sản xuất đó và trên thị trường để xác minh đúng mẫu đó có phải mẫu do đơn vị Sóng Hùng sản xuất. Bên cạnh đó, có phải tất cả mẫu MBH đó vi phạm hay không… Tóm lại việc xác định chất lượng MBH cần phải đánh giá trên cả hệ thống sản xuất của cơ sở đó.

Chưa kể, khó khăn nhất hiện nay, các mẫu MBH vi phạm đều được cơ quan chức năng các địa phương khu vực phía Nam gửi về Trung tâm 3 kiểm nghiệm và đánh giá chất lượng. Nhưng sau đó, các cơ quan này lại không cung cấp thông tin cụ thể, không gửi công văn chính thức về sai phạm của cơ sở sản xuất đó và yêu cầu Trung tâm 3 xử lý.

Đối với các cơ sở sản xuất MBH còn lại (chủ yếu xuất xứ tại TP Hồ Chí Minh), các doanh nghiệp này cũng đã có văn bản giải trình và hiện Trung tâm 3 vẫn đang xác minh làm rõ. Nếu vi phạm, Trung tâm 3 sẽ cho các đơn vị này khắc phục trong vòng 3 tháng, thậm chí trong trường hợp cần thiết sẽ tạm ngưng lưu thông sản phẩm 6 tháng trên thị trường. Sau đó, cơ sở đó phải báo cáo để Trung tâm 3 xác minh, nếu khắc phục và đạt yêu cầu sẽ cấp lại giấy chứng nhận; ngược lại, sẽ hủy bỏ hiệu lực chứng nhận chất lượng cơ sở đó. Ngoài ra, nếu thời điểm kiểm tra (mặc dù đạt tiêu chuẩn chất lượng trước đó) vẫn vi phạm hoặc cố tình vi phạm Trung tâm 3 sẽ rút giấy chứng nhận phù hợp.

Xem lại năng lực các trung tâm chứng nhận

Tìm hiểu của chúng tôi, thị trường MBH đã có hiện tượng nơi này kiểm tra không bảo đảm chất lượng nên không cấp giấy thì doanh nghiệp mang đến trung tâm khác chứng nhận. Không phủ nhận hiện tượng này, ông Lâm cho rằng vấn đề nằm ở năng lực của các trung tâm chứng nhận phù hợp. "Cơ sở Trí Liễu đã nhiều lần kiểm tra không đạt nhưng vẫn được cấp giấy chứng nhận đạt. Đối với những cơ sở sản xuất MBH không đạt ở trung tâm chứng nhận phù hợp này nhưng khi đến trung tâm khác lại đạt thì phải xem lại và làm rõ. Tôi không nhất trí với kiểu làm việc của một số đơn vị liên quan trong việc cấp giấy chứng nhận phù hợp cho các cơ sở sản xuất MBH. Thử hỏi xem họ đã có đủ năng lực hay thiết bị để kiểm nghiệm hay chưa? Đã làm hết trách nhiệm chưa? Điều này cần phải xem xét lại. Nếu trung tâm nào chứng nhận đạt với MBH không đạt chất lượng thì hoàn toàn chịu trách nhiệm", ông Lâm nói.

Với "hành trình" xác minh trên cùng những khó khăn do sự phối hợp chưa đồng bộ của cơ quan chức năng, nếu không có giải pháp khác quyết liệt hơn, e rằng tình trạng MBH kém chất lượng vẫn tràn lan, doanh nghiệp chân chính bị cạnh tranh không lành mạnh và hơn thế nữa, người dân lãnh đủ hậu quả nếu xảy ra tai nạn.

Những cơ sở sản xuất MBH "kiểm tra đâu, vi phạm đó" gồm: Cơ sở Sóng Hùng (NAPOLI) - 6 lần đều có mẫu MBH không đạt chất lượng - phát hiện tại TP Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Vĩnh Long, An Giang, Ninh Thuận và Bình Thuận; cơ sở Trương Thị Nội (NANA) - 4 lần có mẫu không đạt chất lượng - phát hiện tại TP Hà Nội, Ninh Thuận, Vĩnh Long và An Giang; Công ty TNHH MTV Sản xuất - Thương mại Tân Vạn Phước (VIA-TVPVIA) - vi phạm chất lượng 3 lần tại TP Hà Nội, Vĩnh Long và An Giang. Có 8 cơ sở sản xuất MBH không đạt chất lượng 2 lần gồm: Công ty TNHH MTV NABICO, Công ty TNHH MTV SX-TM Hoàng Quán (GRS), Công ty TNHH Long Huei (KCN Sóng Thần 2, tỉnh Bình Dương), phát hiện tại TP Hà Nội và Vĩnh Long; Công ty TNHH Hùng Hậu (Araya) và Công ty TNHH SX-TM-DV FIFA, phát hiện tại TP Hồ Chí Minh và An Giang; cơ sở Kim Minh (M&M) phát hiện tại An Giang và Bình Thuận; cơ sở Trí Liễu phát hiện tại Bình Thuận và Cần Thơ; Công ty TNHH MTV Đầu tư và phát triển công nghệ Sơn Tùng, phát hiện tại TP Hà Nội và Ninh Thuận.

Hà Tuấn