Ph.Ăng-ghen - Nhà lý luận giáo dục kiệt xuất
Chính trị - Ngày đăng : 06:18, 28/11/2014
Ph.Ăng-ghen cho rằng, mỗi chế độ xã hội cần có một nền giáo dục tương ứng, mỗi trình độ phát triển của xã hội, của sản xuất cần có một chế độ giáo dục phù hợp. Giáo dục có trọng trách to lớn trong việc tạo nên những con người đó cho xã hội, cho sản xuất. Ph.Ăng-ghen nhấn mạnh, sự phát triển mới của nền sản xuất xã hội sẽ phải "cần đến những con người hoàn toàn mới và sẽ tạo ra những con người mới đó"; đồng thời khẳng định: "Muốn thay đổi những điều kiện xã hội, phải có một chế độ giáo dục thích hợp"…
Ph.Ăng-ghen đã luận giải một cách khoa học về vai trò to lớn của giáo dục đối với sự phát triển của xã hội; chỉ rõ giáo dục có vai trò đặc biệt quan trọng trong việc hình thành và phát triển nhân cách cá nhân, thông qua đó giáo dục góp phần quyết định sự vận động và phát triển của xã hội. Theo Ph.Ăng-ghen, giáo dục bao giờ cũng phải phù hợp với trình độ phát triển của lực lượng sản xuất và các quan hệ sản xuất vốn có của hình thái kinh tế - xã hội nhất định; tính chất giáo dục được quy định bởi các điều kiện kinh tế, chính trị, xã hội cụ thể. Công tác giáo dục cần phải làm cho con người "có khả năng nắm vững nhanh chóng toàn bộ hệ thống sản xuất trong thực tiễn, làm cho họ có thể lần lượt chuyển từ ngành sản xuất này sang ngành sản xuất nọ tùy theo nhu cầu của xã hội hoặc tùy theo sở thích của bản thân họ".
Ph.Ăng-ghen đã đưa ra luận đề rất cơ bản về giáo dục toàn diện, về phát triển con người toàn diện không những về tri thức, chuyên môn mà còn cả về thể chất, sức khỏe, tư tưởng, đạo đức... những phẩm chất cơ bản cần thiết của con người; đồng thời chỉ ra một cách rõ ràng mục đích của nền giáo dục mà giai cấp công nhân hướng tới và thực hiện trong xã hội mới là phải phát triển toàn diện con người. Ph.Ăng-ghen viết: Giáo dục phải "làm cho những thành viên trong xã hội đó có khả năng sử dụng một cách toàn diện năng lực phát triển toàn diện của mình…".
Ph.Ăng-ghen cũng đã nêu lên những tư tưởng rất cơ bản về nguyên lý, phương châm, phương pháp, hình thức và nội dung giáo dục, khẳng định dạy học phải lấy người học làm trung tâm, dạy học phải phát huy tối đa tính sáng tạo và tích cực của người học; giáo dục phải bảo đảm học đi đôi với hành, lý luận gắn liền với thực tiễn, giáo dục gắn liền với lao động, sản xuất. Luận đề cơ bản mà Ph.Ăng-ghen nêu lên: "Kết hợp việc giáo dục với lao động trong công xưởng" đã chỉ rõ phương châm, nguyên lý giáo dục gắn với thực tiễn, gắn với sản xuất, học đi đôi với hành; giáo dục phải phục vụ cho sản xuất và nhằm đáp ứng nhu cầu của xã hội, của sản xuất...
Những di sản tư tưởng, lý luận giáo dục của Ph.Ăng-ghen là tài sản vô giá trong kho tàng lý luận khoa học của nhân loại, đến nay vẫn còn nguyên giá trị thời sự đối với nước ta.