Bạo loạn ở Ferguson (Mỹ): Bùng nổ cơn thịnh nộ
Thế giới - Ngày đăng : 06:32, 27/11/2014
Sau phút sững sờ trước phán quyết khó hiểu nói trên, dân cư Ferguson đã thật sự nổi giận. Tình hình tại Ferguson và một số thành phố lớn của Mỹ đang diễn biến hết sức phức tạp. Sở Cảnh sát Los Angeles, bang California, ngày 25-11, đã phải ban bố lệnh báo động chiến thuật toàn thành phố. Quyết định được đưa ra do lo ngại các cuộc biểu tình có thể dẫn đến bạo lực.
Ngay sau phán quyết của hạt St.Louis, hàng trăm người đã tụ tập bên ngoài Sở Cảnh sát Ferguson, ngoại ô thành phố St.Louis để thể hiện sự giận dữ bằng cách đập phá, ném chai lọ. Hơn chục cơ sở kinh doanh đã bị phóng hỏa trong các vụ bạo lực ở Ferguson. Hai xe tuần tra của cảnh sát bị đốt cháy và đã có "khoảng 150 tiếng súng" trong đêm 24-11. Lo ngại biểu tình thành bạo loạn, Cơ quan quản lý hàng không Liên bang Mỹ (FAA) đã hạn chế một số chuyến bay tới sân bay quốc tế Lambert - St.Louis của bang Missouri. Theo FAA, các chuyến bay đã chuyển hướng khỏi một khu vực gần Ferguson để bảo đảm an toàn cho các hoạt động thực thi pháp luật do có thông tin về những phát súng bắn lên không trung từ thị trấn này...
Biểu tình đã lan rộng trên khắp xứ Cờ hoa khi hàng nghìn người đổ xuống đường phản đối nạn phân biệt chủng tộc và bạo lực của cảnh sát, những vấn đề vẫn âm ỉ chỉ "chờ cơ" là bùng phát trong lòng xã hội Mỹ. Tại thành phố New York, người xuống đường làm tắc nghẽn giao thông ở Quảng trường Thời đại và hô vang khẩu hiệu "Mạng sống người da đen cũng có ý nghĩa". Còn tại Chicago, hàng nghìn người mang theo biểu ngữ "Công lý cho Michael Brown" tuần hành trên phố. Trong khi đó, tại thành phố Seattle ở miền Tây, người biểu tình đã phong tỏa cả một con phố...
Tổng thống Mỹ Barack Obama đã lên tiếng chỉ trích người biểu tình tại Ferguson có những hành động quá khích. Người đứng đầu Nhà Trắng nhấn mạnh, không có lý do gì để người biểu tình biện minh cho hành động đốt nhà cửa, xe cộ và phá hủy tài sản sau khi tòa án tại Ferguson không kết án cảnh sát D.Wilson, người được cho là đã bắn chết cậu thanh niên 18 tuổi Michael Brown hồi tháng 8 vừa qua. Người đứng đầu nước Mỹ cũng nói rằng, ông thấu hiểu sự thất vọng của người dân Ferguson khi tòa án không kết án sĩ quan cảnh sát D.Wilson... Cùng với lời kêu gọi người biểu tình bình tĩnh và kiềm chế, Tổng thống B.Obama đã cử các nhóm thuộc Bộ An ninh nội địa và Cục Điều tra liên bang (FBI) tới điều tra vụ việc.
Cơn giận dữ của cộng đồng người da màu sau vụ M.Brown cho thấy, tâm lý phân biệt chủng tộc vẫn tồn tại trong xã hội Mỹ. Hơn nữa, bạo lực của cảnh sát cũng là một vấn đề nhức nhối tại xứ Cờ hoa. Lý do là người Mỹ được tự do sở hữu súng và cảnh sát lúc nào cũng nơm nớp với ý nghĩ là nếu không nhanh tay thì nguy cơ bị bắn trước là rất lớn. Với nam giới người gốc Phi tại Mỹ được cho là bộc trực và dễ nổi nóng thì nguy cơ đối đầu với các lực lượng thực thi pháp luật càng cao.
Chủ tịch Hiệp hội Liên bang NACCP, tổ chức vận động hậu trường lớn nhất của người Mỹ gốc Phi Cornell William Brooks vừa dẫn ra một con số cho thấy, 1/3 người Mỹ gốc Phi phải ở tù một lần trong đời, 1/4 bị cảnh sát bạo hành hàng tháng và người Mỹ gốc Phi có nguy cơ bị cảnh sát bắn nhiều hơn 20 lần so với các sắc tộc khác tại Mỹ. Trước những diễn biến hết sức phức tạp đang diễn ra, Chính phủ Mỹ mong muốn các cuộc biểu tình ở Ferguson và nhiều thành phố khác sẽ kết thúc trong hòa bình. Và đây hẳn sẽ là một sự kiện đối nội đầy thử thách với ông chủ Nhà Trắng trong hai năm cuối nhiệm kỳ khi sự căng thẳng sắc tộc vẫn là một câu chuyện đã kéo dài vài thế kỷ qua trên đất Mỹ.