Chủ động, dựa vào nội lực

Văn hóa - Ngày đăng : 06:41, 26/11/2014

(HNM) - Chiều 24-11, trong khuôn khổ Liên hoan Phim quốc tế Hà Nội lần thứ III đã diễn ra hội thảo


Khai thác tối đa các hình thức hợp tác

Theo đạo diễn Đặng Tất Bình, nguyên Giám đốc Hãng phim truyện I, đầu những năm chín mươi của thế kỷ trước, có 3 bộ phim ra đời nhờ mối quan hệ hợp tác quốc tế và đã thu được thành công nhất định, đó là "Điện Biên Phủ", "Người tình", "Đông Dương". Khi được công chiếu, hiệu ứng khán giả, sự thành công về chuyên môn của cả ba bộ phim nói trên đã tạo tiền đề để các nhà làm phim nước ngoài tìm đến Việt Nam nhiều hơn.

Một cảnh trong phim Đập cánh giữa không trung



Thực tế cho thấy, có khá nhiều hình thức hợp tác sản xuất phim giữa Việt Nam và bạn bè quốc tế, trong đó, phổ biến nhất là ta cung cấp dịch vụ cần thiết cho các đoàn làm phim nước ngoài thực hiện những bộ phim về Việt Nam hoặc những cảnh quay có liên quan đến bối cảnh, con người Việt Nam. Bên cạnh đó, nhà sản xuất phim Việt Nam có thể tiếp nhận nguồn kinh phí hỗ trợ từ nước ngoài và chủ động sáng tạo tác phẩm. Có một cách hợp tác mới xuất hiện khoảng 10 năm trở lại đây, là điện ảnh Việt Nam bỏ 100% vốn và mời nghệ sĩ nước ngoài tham gia sản xuất phim. Cũng có khi hai bên cùng bỏ vốn và hợp tác sản xuất. Cách thức hợp tác này thu hút sự quan tâm nhiều hơn của các nhà điện ảnh Việt Nam và quốc tế. Đạo diễn, NSND Đặng Nhật Minh có 5 phim hợp tác với nghệ sĩ quốc tế, trong đó có bộ phim "Thương nhớ đồng quê". Tới nay, có thể không nhiều người biết việc sản xuất bộ phim này hoàn toàn do các nghệ sĩ Việt Nam thực hiện, nhưng Nhật Bản tài trợ 100% nguồn kinh phí.

Bắt đầu từ nội lực

Có một điểm đáng lưu ý là đa số nhà làm phim Việt Nam khẳng định trình độ của các nhà làm phim nước ngoài là "rất đáng để học hỏi". Trong cách làm phim của họ, có thể thấy rõ sự chỉn chu và thái độ quyết liệt nhằm hiện thực hóa ý tưởng sáng tạo. Tính chuyên nghiệp cao thể hiện ở sự phân công nhiệm vụ của các thành viên đoàn làm phim, cách khuyến khích sự sáng tạo cá nhân để cùng nhau hoàn thành tốt nhiệm vụ. Đặc biệt, phương tiện, thiết bị làm phim của bạn bè quốc tế rất hiện đại, giúp ích nhiều cho các nhà làm phim Việt khi tham gia hoạt động hợp tác sản xuất phim. Một lợi ích nữa, theo đạo diễn Đặng Nhật Minh, là thông qua các quỹ hỗ trợ điện ảnh của nước ngoài, nhà làm phim trẻ trong nước có thêm cơ hội hiện thực hóa ý tưởng làm phim của mình, bớt đi áp lực khủng khiếp về "thu - chi" nên có thể chuyên tâm cho nghệ thuật.

Cơ hội hiện hữu từ việc hợp tác sản xuất phim, nhưng phải biết cách nắm lấy cơ hội một cách chủ động, tạo dựng thành công dựa trên nội lực và quan điểm cùng có lợi. Đạo diễn Đặng Tất Bình cho rằng, bất cứ hình thức hợp tác nào cũng đều đáng quý, nhưng nếu ta phát huy được hình thức hợp tác bình đẳng giữa các bên thì cơ hội dành cho các nhà làm phim Việt Nam sẽ nhiều hơn, phim Việt Nam có thêm cơ hội ra thế giới.

Nữ đạo diễn Nguyễn Hoàng Điệp thẳng thắn: "Các nhà điện ảnh Việt Nam phải tăng tính chủ động trong việc hợp tác làm phim. Nguồn lực trong nước không chỉ là tiền, mà là nội lực điện ảnh. Đó là sức mạnh đáng kể nếu chúng ta biết khai thác tốt, từ cảnh quan thiên nhiên, môi trường xã hội cho đến con người. "Đập cánh giữa không trung" đạt được đôi chút thành công, trước hết là nhờ biết phát huy nguồn nội lực ấy".

Đạo diễn Lê Lâm (GS Trường Điện ảnh Pháp IDHEC) bày tỏ sự đồng tình với quan điểm của đạo diễn Nguyễn Hoàng Điệp, nhưng nhấn mạnh rằng người làm phim trẻ không nên quá ảo tưởng vào sự hỗ trợ của quốc tế, mà nên bắt đầu bằng sự nỗ lực của bản thân. Nói một cách khác, như nhà sản xuất phim Thierry Lenouvel (tham gia sản xuất phim "Đập cánh giữa không trung" của đạo diễn Nguyễn Hoàng Điệp) thì Việt Nam đang là một trong những điểm đến của điện ảnh Pháp cũng như điện ảnh thế giới, nhưng, điều quan trọng trong mọi mối quan hệ hợp tác về điện ảnh trước tiên nằm ở yếu tố nghệ thuật, ở chất lượng câu chuyện của bộ phim.

Thi Thi