Siết chặt kỷ cương tài chính

Tài chính - Ngày đăng : 06:06, 26/11/2014

(HNM) - Phát biểu tại hội trường chiều 25-11, nhiều đại biểu Quốc hội đều tán thành với tờ trình của Chính phủ cũng như báo cáo thẩm tra của Ủy ban Thường vụ QH về sự cần thiết của việc sửa đổi Luật Ngân sách nhà nước...

Các dự án hạ tầng bị đội vốn là một trong những nguyên nhân khiến hiệu quả đầu tư từ ngân sách hạn chế. Trong ảnh: Dự án đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông đội vốn hàng trăm triệu USD so với dự toán. Ảnh: Anh Tuấn


4 vấn đề cần giải quyết

Theo các ĐBQH, dự thảo Luật NSNN cần phải giải quyết được 4 vấn đề đang tồn tại hiện nay. Thứ nhất, do chúng ta duy trì quá lâu NSNN trung ương lồng ghép với NSNN địa phương dẫn đến cơ chế không minh bạch cùng chuyện xin - cho. Thứ hai, kỷ luật ngân sách (NS) chưa được đề cao nên xảy ra tình trạng thu chi không đúng quy định, thậm chí tùy tiện. Thứ ba, cũng vì cơ chế lồng ghép trong quản lý NSNN trung ương và NSNN địa phương nên địa phương không biết "chủ nợ" và HĐND các địa phương thường quyết cái mình không biết về nguồn thu - thiếu tính tự chủ. Thứ tư, từ HĐND đến QH đều thụ động trong kiểm soát NS thể hiện ở việc QH giao, duyệt chỉ tiêu thu, chi NS nhưng lại không giám sát nguồn thu, chi.

Các ĐB Trần Văn Tấn (Đoàn Tiền Giang), Trần Du Lịch (Đoàn TP Hồ Chí Minh), Lê Văn Tân (Đoàn Hà Nam) nêu thực trạng, về vay nợ có 3 nhóm (nhóm Chính phủ vay trong và ngoài nước để chi đầu tư phát triển; nhóm Chính phủ vay nước ngoài để cho vay lại và nhóm Chính phủ bảo lãnh vay). Về nguyên tắc, các địa phương và DN phải trả nợ cho các khoản được bảo lãnh và vay lại, nhưng trên thực tế có một số không trả nợ được nên Chính phủ phải trả nợ thay, khoản vay trong nước như trái phiếu chính phủ đã được QH kiểm soát, còn khoản vay nước ngoài, khoản bảo lãnh, vay cho vay lại, QH chưa kiểm soát được… Đó chính là sự thiếu kỷ cương trong quản lý NSNN.

Các ĐB nhấn mạnh, trong dự thảo luật, Chính phủ đã có nhiều nỗ lực để giải quyết 4 vấn đề đang đặt ra trong quản lý NSNN, nhưng việc thể chế hóa thành các quy định lại chưa đạt yêu cầu. Một số ý kiến kiến nghị cần phân cấp rõ chức năng, nhiệm vụ gắn liền với phân cấp NS giữa trung ương và địa phương theo cách xác định rõ phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của QH và HĐND trong quyết định dự toán NSNN, tránh trùng lắp và hình thức. Cụ thể, nếu NS của địa phương thì do HĐND quyết, nếu NS trung ương hỗ trợ địa phương thì QH quyết định. Nhiều ĐB còn kiến nghị tại kỳ họp giữa năm và cuối năm đều có sự kiểm tra báo cáo về các khoản thu, chi NS. Đặc biệt, tại kỳ họp cuối năm, QH, HĐND xem xét việc thu - chi có đúng như chỉ tiêu đã "quyết" không… và nếu làm được như vậy sẽ từng bước củng cố sự minh bạch; đồng thời khuyến khích vai trò của địa phương.

QH, HĐND cần thực thi nhiệm vụ giám sát

Đồng tình với việc tăng quyền hạn của QH, HĐND trong việc giám sát nguồn thu, chi NSNN. Song theo ĐB Trương Trọng Nghĩa (Đoàn TP Hồ Chí Minh), dù cố gắng "siết" kỷ luật NS để chống lãng phí, thất thoát, nhưng có tình trạng làm tăng nhu cầu NS mà chính QH không tiếp cận được. ĐB Trương Trọng Nghĩa ví dụ chuyện tăng số lượng đơn vị hành chính, nếu như tăng thêm quận, huyện sẽ dẫn tới tăng số lượng phường, xã… Những con số này tưởng như không thuộc NS, nhưng khi đã tăng thì NS buộc phải đáp ứng. Do vậy, ĐB Trương Trọng Nghĩa đề nghị QH kiểm soát nhu cầu NS một cách thiết thực, hiệu quả và khả thi.

Theo phân tích của một số ĐBQH, về nguyên tắc kể cả các nước phát triển, nhu cầu về tăng NS hằng năm luôn có thực, vấn đề là phải kiểm soát được nhu cầu để tránh tình trạng, bộ, ngành, địa phương "bành trướng" NS, có thể dẫn đến việc không kiểm soát được NS.

Một vấn đề cũng được nhiều ĐB đề cập đó là nhiều bộ, ngành, địa phương hiện có tâm lý năm sau cần nhu cầu NS cao hơn năm trước, dẫn đến việc phải cố giải ngân để năm sau xin được cấp nhiều hơn. Do vậy, trong dự thảo sửa đổi lần này, các ĐB kiến nghị ban soạn thảo cần có các quy định, khuyến khích cơ quan hành chính nhà nuớc từ bỏ thói quen này. Nhu cầu đến đâu, tiêu đến đó, nếu tiêu ít trả lại, năm sau cần tiêu nhiều hơn - được cấp nhiều hơn. Một số ĐB kiến nghị, dự thảo cần làm rõ hơn các quy định về chế tài xử lý với những vi phạm về thu - chi NS, để dẹp bỏ tình trạng "du di", "điều chỉnh" dẫn đến không có kỷ cương về NS.

Phát biểu kết luận, Phó Chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân đánh giá cao các phát biểu của ĐBQH và cho biết các ý kiến góp ý về các nhóm vấn đề sẽ được ban soạn thảo tiếp tục chỉnh lý để hoàn thiện dự thảo Luật NSNN sửa đổi.

ĐB Bùi Đức Thụ (Đoàn Lai Châu): Hiện nay, việc triển khai lập NSNN thường bắt đầu từ tháng 5 hằng năm để trình QH vào kỳ họp cuối năm thảo luận, quyết định. Tuy nhiên, do thời gian ngắn, việc điều chỉnh NSNN, phân bổ ngân sách trung ương rất khó điều chỉnh, do vậy đề nghị, tại kỳ họp QH giữa năm, QH sẽ cho ý kiến về những chỉ tiêu và cân đối lớn, các chính sách lớn về thu, chi NSNN; các ưu tiên và nguyên tắc trong phân bổ NSNN; tổng thu, tổng chi: Chi thường xuyên, chi đầu tư phát triển, chi trả nợ và dự kiến mức bội chi NSNN. Tại kỳ họp cuối năm, QH sẽ xem xét, quyết định dự toán NSNN, phân bổ ngân sách trung ương chi tiết, cụ thể hơn cho từng ngành, lĩnh vực, bảo đảm quyết định NSNN của QH và HĐND, phù hợp với thông lệ quốc tế được nhiều nước áp dụng.

Châu Anhlược ghi

Việt Nga