Doanh nghiệp công nghệ số vươn ra biển lớn

Doanh nghiệp - Ngày đăng : 07:17, 17/12/2022

(HNM) - Nhiều doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam không chỉ có sản phẩm chiếm lĩnh thị trường trong nước mà còn vươn ra biển lớn, với nhiều thị trường quốc tế tiềm năng. Điều này khẳng định cộng đồng doanh nghiệp công nghệ số không chỉ phát triển về quy mô mà cả chất lượng tăng trưởng…

Tổng công ty Công nghiệp công nghệ cao Viettel ký hợp đồng với nhà mạng Ấn Độ để xuất khẩu thiết bị 5G.

Với Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông quân đội (Viettel), trước đây do việc phải phụ thuộc vào nhập khẩu thiết bị khiến doanh nghiệp không chủ động dịch vụ cung cấp tới khách hàng, nên từ đầu năm 2010, Viettel có chiến lược nghiên cứu phát triển sản phẩm công nghệ chất lượng cao. Viettel tập trung đưa ra các sản phẩm Make in Vietnam vào 10 thị trường nước ngoài đang đầu tư, như thiết bị 4G, 5G do Viettel làm chủ. Vừa qua, Tổng công ty Công nghiệp công nghệ cao Viettel đã ký hợp đồng với nhà mạng Ấn Độ để xuất khẩu thiết bị 5G. Ngoài ra, Viettel cung cấp các sản phẩm, giải pháp cho thị trường nước ngoài, tiêu biểu là trung tâm giám sát an toàn thông tin (SOC), giám sát 24/7 tại 10 thị trường và cung cấp cho khách hàng các nước.

Hoặc như Công ty cổ phần Rynan Technologies Vietnam, với hệ thống giám sát sâu rầy thông minh của Rynan - giải Bạc sản phẩm số xuất sắc 2021, ước tăng trưởng 96% trong năm nay. Hiện mạng lưới này được lắp đặt tại 13 tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long và đã được cấp phép thương mại tại thị trường Nhật Bản, dự kiến đến hết năm 2023 sẽ lắp đặt 100 hệ thống tại thị trường này. Với Tập đoàn FPT, nếu như trước đây 99% FPT làm gia công, thì 5 năm gần đây đã dịch chuyển mạnh mẽ sang làm các dịch vụ tư vấn, chuyên môn sâu hơn. Hiện hệ thống FPT.eHospital của FPT đã phục vụ hơn 400 bệnh viện trong nước và 10 bệnh viện tại nước ngoài. FPT cũng là nhà cung cấp dịch vụ tư vấn, chuyên môn sâu giúp tối ưu toàn bộ quy trình sản xuất, logistics cho doanh nghiệp tại châu Âu. Nhờ kinh nghiệm quốc tế trong làm ăn với các đối tác toàn cầu, FPT đã triển khai dự án xây dựng sàn giao dịch HOSE chỉ trong 100 ngày…

Theo đánh giá của Bộ Thông tin và Truyền thông, nhiều sản phẩm đã có những bước chuyển mình ngoạn mục, không chỉ tham gia tích cực vào công cuộc chuyển đổi số quốc gia, mà còn vươn dần ra thị trường quốc tế. Song, để các doanh nghiệp công nghệ Việt Nam đóng góp vào sự phát triển của đất nước thì phải có một cộng đồng doanh nghiệp công nghệ số vững mạnh.

Từ kinh nghiệm là doanh nghiệp có 10 năm kinh doanh ở nước ngoài với việc cung cấp dịch vụ cho 500 khách hàng tại 30 thị trường, Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Công nghệ VMO Holdings Hoàng Tuấn Hải cho rằng, cần nâng cao năng lực đào tạo nguồn nhân lực công nghệ số chất lượng cao, kết hợp mô hình trường học với doanh nghiệp nhỏ và vừa; đồng thời có sự hỗ trợ để giúp doanh nghiệp công nghệ vươn ra biển lớn.

Ông Lê Minh Hà đến từ Tổng công ty Giải pháp doanh nghiệp Viettel đề xuất, Chính phủ cần có chính sách để tạo dựng thị trường nội địa cho các sản phẩm công nghệ cao Make in Vietnam, thúc đẩy nghiên cứu sản xuất công nghiệp công nghệ cao ngay từ thị trường trong nước.

Đề xuất một cách tổng thể trong việc phát triển doanh nghiệp công nghệ số, Tổng Giám đốc Tập đoàn FPT Nguyễn Văn Khoa cho rằng, trước hết, Chính phủ cần tạo ra những bài toán lớn cho doanh nghiệp; tiếp tục thúc đẩy phát triển mạnh mẽ hệ sinh thái số Make in Vietnam cho từng ngành, từng lĩnh vực; thúc đẩy ngoại giao trong lĩnh vực công nghệ; đẩy mạnh thương hiệu chuyển đổi số quốc gia; phát triển nguồn nhân lực cho lĩnh vực công nghệ thông tin.

Theo Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Phạm Đức Long, ngành công nghiệp công nghệ số tiếp tục là một điểm sáng năm 2022 của nền kinh tế Việt Nam. Doanh thu của ngành ước đạt 148 tỷ USD, tăng trưởng trên 10% so với năm 2021. Số lượng doanh nghiệp công nghệ số là trên 70.000. Kim ngạch xuất khẩu của ngành công nghệ số ước đạt khoảng 136 tỷ USD… Tiếp thu các đề xuất của cộng đồng doanh nghiệp, Thứ trưởng Phạm Đức Long cho biết, về chính sách, sẽ thực hiện thay đổi thể chế để bảo đảm cho thực hiện những điểm mới đúng quy định pháp luật; qua đó giúp các doanh nghiệp khai phá thị trường trong nước, lấy đó làm bàn đạp vươn ra nước ngoài. Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ đồng hành cùng Bộ Giáo dục và Đào tạo trong vấn đề đào tạo và phát triển nguồn nhân lực số.

“Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ tiếp tục có những hoạt động dẫn dắt, định hướng lĩnh vực công nghiệp công nghệ số phát triển bền vững, hướng tới mục tiêu cao nhất là giúp người dân hạnh phúc và đất nước phát triển”, Thứ trưởng Phạm Đức Long nhấn mạnh.

Việt Nga