Bảo đảm an ninh hàng không: Sa thải nhân viên yếu kém
Đời sống - Ngày đăng : 06:11, 25/11/2014
Bộ trưởng Đinh La Thăng yêu cầu: Toàn bộ số nhân viên yếu kém của Tổng Công ty Quản lý bay Việt Nam (VATM) phải cho nghỉ việc ngay. Số có chất lượng trung bình sẽ cho đào tạo lại trong thời gian nhất định, nếu không đạt phải chấm dứt hợp đồng.
Chất lượng quản lý, điều hành bay có vai trò đặc biệt quan trọng trong bảo đảm an toàn hàng không. Ảnh: Bảo Lâm |
Thời gian gần đây, hàng loạt sự cố liên quan đến công tác bảo đảm an toàn bay đã cho thấy nhiều vấn đề rất đáng lo ngại. Đỉnh điểm là sự cố mất điện tại sân bay Tân Sơn Nhất vào ngày 20-11, dẫn đến việc mất năng lực cung cấp dịch vụ điều hành bay của Trung tâm Kiểm soát tiếp cận đường dài Hồ Chí Minh và Kiểm soát tiếp cận Tân Sơn Nhất trong 35 phút. Đây là sự cố kỹ thuật đặc biệt nghiêm trọng lần đầu tiên diễn ra tại Việt Nam. Thời điểm đó có 54 máy bay đang hoạt động trong vùng thông báo bay (FIR) Hồ Chí Minh, ảnh hưởng đến 92 chuyến bay đến/đi từ Tân Sơn Nhất, cũng như các chuyến bay từ các vùng FIR lân cận đến TP Hồ Chí Minh, đặc biệt có 8 chuyến bay đã tiếp cận chuẩn bị hạ cánh. Nguyên do là cả 3 bộ lưu điện UPS đều gặp trục trặc. Kết luận sơ bộ là do kíp trưởng trực nguồn điện thao tác sai kỹ thuật.
|
Gần một tháng trước đó, vào ngày 29-10, một sự cố hy hữu đã xảy ra ở vùng trời Tân Sơn Nhất khi đài chỉ huy quân sự và dân dụng cấp huấn lệnh cho 2 máy bay cất cánh gần như đồng thời thiếu chút nữa xảy ra tai nạn. Nguyên nhân được cơ quan chức năng xác định là do sự phối hợp hiệp đồng bay giữa dân dụng và quân sự của kíp trực điều hành ngày hôm đó, đặc biệt là lỗi của kiểm soát viên không lưu (KSVKL). Trước đó, vào ngày 16-10 máy bay Vietjet nhận hiệu lệnh hạ cánh xuống đầu 02 của đường băng sân bay Cam Ranh (Khánh Hòa), nhưng tổ bay lại cho máy bay tiếp đất theo hướng ngược lại (đầu 20, vụ việc do lỗi của tổ bay. Còn vụ ngày 19-6, máy bay Vietjet có lịch trình từ Hà Nội đi Đà Lạt nhưng hạ cánh xuống sân bay Cam Ranh được kết luận là lỗi của nhân viên điều phối bay cùng phi hành đoàn…
Từ các sự cố hàng không như vậy có thể thấy số vụ việc có nguyên nhân từ yếu tố con người khá cao. Theo Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam (HKVN) Lại Xuân Thanh, ATHK luôn là ưu tiên số một bởi với ngành hàng không, mỗi vụ tai nạn đều rất thảm khốc. Thế nhưng, rất đáng nói là trong một đợt rà soát, đánh giá nội bộ của Tổng Công ty VATM mới đây đã cho thấy, có tới 30% KSVKL không đạt tiếng Anh ở mức 4 theo tiêu chuẩn của Tổ chức hàng không dân dụng quốc tế (ICAO) áp dụng cho toàn thế giới (mức 6 tiếng Anh như tiếng mẹ đẻ).
Rõ ràng, việc chấn chỉnh các khâu liên quan đến công tác bảo đảm an toàn bay; quy rõ trách nhiệm để xử lý nghiêm các sai phạm… là những yêu cầu cấp thiết. Ngày 24-11, Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng đã chủ trì cuộc họp với các đơn vị liên quan nhằm chấn chỉnh công tác bảo đảm ATHK. Bộ trưởng Đinh La Thăng cho rằng: Sự cố này không chỉ gây ảnh hưởng đến kinh tế của các hãng hàng không, uy hiếp trực tiếp đến an toàn bay mà còn ảnh hưởng đến uy tín của ngành GTVT và hình ảnh của đất nước. Do đó, Bộ GTVT yêu cầu đánh giá lại toàn bộ chất lượng nguồn nhân lực của Tổng Công ty VATM. Toàn bộ số nhân viên yếu kém của Tổng Công ty VATM phải cho nghỉ việc ngay. Số có chất lượng trung bình sẽ cho đào tạo lại trong thời gian nhất định, nếu không đạt phải chấm dứt hợp đồng.
Đại biểu Quốc hội Nguyễn Viết Nhiên (Hải Phòng): Đề nghị có quy định cụ thể hơn nhằm nâng cao vai trò, trách nhiệm của Bộ Công an đối với công tác bảo đảm ANHK là một bộ phận của an ninh quốc gia thông qua việc phối hợp với Bộ GTVT tổ chức đào tạo, bồi dưỡng, huấn luyện, chỉ đạo, hướng dẫn nghiệp vụ đối với lực lượng kiểm soát ANHK, phân định rõ thẩm quyền chỉ đạo của Bộ Công an và Bộ GTVT để tránh sự trùng lặp và chồng chéo trong công tác chỉ đạo, điều hành. Đại biểu Quốc hội Trần Thị Quốc Khánh (Hà Nội): Uy hiếp ANHK không phải chỉ là những người khách tham gia mà trách nhiệm lớn thuộc về nhân viên phi hành đoàn. Đề nghị cần phải rà soát, quy định rõ trong luật để bảo đảm cho hành khách đi được yên tâm hơn. |