Nguồn nước sạch... bị bẩn
Giới trẻ - Ngày đăng : 06:14, 24/11/2014
Thế nhưng, có một sự thật ít người ngờ tới là nguồn nước tưởng là sạch này từ hơn chục năm nay đã bị hòa lẫn hàng chục mét khối nước thải mỗi ngày từ bãi rác duy nhất của TP Hòa Bình. Và cũng ít người biết, cách bãi rác tạm này chưa đầy 10km, một khu xử lý rác hiện đại được đầu tư hàng chục tỷ đồng đã hoàn thiện từ năm 2009 nhưng chưa một ngày được đưa vào sử dụng…
Khu xử lý rác thải Yên Mông bị “đắp chiếu”, hiện đang xuống cấp nghiêm trọng. |
Một bãi rác, hai tỉnh cùng "gánh" ô nhiễm
Đến trung tâm TP Hòa Bình, hỏi đường về bãi rác Dốc Búng, hầu như người dân nào cũng chỉ đường rất tường tận. Đơn giản vì đây là bãi rác duy nhất của cả thành phố, trung bình mỗi ngày tập kết hơn 40 tấn rác của người dân Hòa Bình. Và cách chỉ đường đơn giản nhất là: "Các bác cứ men theo đường dọc bờ sông Đà, đi chừng vài cây số nữa, bãi rác nằm ngay bên đường đó thôi".
Cũng không mất nhiều thời gian, chúng tôi phát hiện ra bãi rác Dốc Búng bởi mùi hôi nồng nặc dù còn cách xa cả kilômét. Cách dòng sông Đà hùng vĩ chỉ một con đường nhỏ, bãi rác Dốc Búng có lẽ phải gọi là núi rác hay cánh đồng rác thì mới chính xác. Đầu giờ chiều, cả bãi rác rộng lớn chỉ có một người đàn ông luống tuổi đang lúi húi thu gom phế liệu. Ông là Nguyễn Văn Phong, người làng Gai (nay là tổ 17, phường Tân Hòa, TP Hòa Bình). Vẫn bịt chặt cái khẩu trang dày cộp ông cho biết mình vừa chăn thả bò vừa tranh thủ nhặt phế liệu ở đây cũng đã được vài năm, công việc ít có người "cạnh tranh" vì "có mấy người chịu được lũ ruồi nhặng và cái mùi kinh khủng này". Quả thật, chỉ đứng quan sát một lát, chúng tôi cũng thấy đầu óc chếnh choáng, nôn nao. Thế mà ông Phong bảo, hôm nay mát trời mới dễ chịu thế này, chứ những hôm mưa hoặc nắng to, có bịt đến hai cái khẩu trang cũng chỉ "trụ" được một lúc. Khổ nhất là mấy gia đình ở tổ 17 phường Tân Hòa, không chỉ chịu đựng mùi hôi thối mà nhà cửa, quần áo, chăn màn cả ngày lẫn đêm đều đen đặc ruồi muỗi. Cả người lớn lẫn trẻ con hầu hết mắc các bệnh về đường hô hấp, da liễu…
Chia sẻ với phóng viên Báo Hànộimới, ông Hoàng Việt Hùng - Phó Chủ tịch UBND phường Tân Hòa, TP Hòa Bình cho biết, không chỉ có người dân tổ 17 hứng chịu tình trạng ô nhiễm của bãi rác Dốc Búng mà người dân các tổ 11, 12 cũng khổ sở không kém. Nhất là vào những ngày nắng, ai đi qua đây cũng phải bịt mũi từ hàng kilômét mà phóng thật nhanh. Từ năm 2006, kỳ họp HĐND nào lãnh đạo phường cũng "rát tai" nghe ý kiến cử tri phản ánh bức xúc về bãi rác Dốc Búng. Nhưng đây là bãi rác của cả thành phố, chính quyền phường chỉ quản lý về địa giới hành chính nên cũng chỉ biết kiến nghị chứ không thể có biện pháp hữu hiệu gì để giảm thiểu ô nhiễm. Thời gian gần đây Công ty cổ phần Môi trường đô thị Hòa Bình đã phun hóa chất khử mùi nên cũng hạn chế được phần nào ô nhiễm không khí, còn tình trạng nước thải hay ruồi muỗi thì vẫn chưa có biện pháp khắc phục.
Theo lời kể của một người dân tổ 11, phường Tân Hòa sống ở đầu Dốc Búng, từ khoảng 20h đến 23h hằng ngày, lũ lượt ô tô chở rác của Công ty cổ phần Môi trường đô thị Hòa Bình tập kết về đây. Rác đổ xuống, phun qua loa một thứ hóa chất khử mùi gì đó rồi san ủi cho bằng phẳng, hoàn toàn không có biện pháp xử lý gì khác. Kinh khủng nhất là nước thải từ bãi rác chảy trực tiếp xuống sông Đà, rả rích cả ngày lẫn đêm. Những ngày mưa to, nước đen ngòm chảy ồ ạt như suối, bao nhiêu chất độc hại từ bãi rác khổng lồ này, dòng Đà giang hứng trọn. Theo chỉ dẫn của người này, chúng tôi men theo một đoạn bờ sông và đếm được đến ba miệng cống từ bãi rác xuyên qua đường chảy thẳng ra sông, nước đen ngòm sủi bọt như xà phòng và bốc mùi hôi thối nồng nặc. Dòng nước sông Đà đoạn này cũng có màu khác lạ, đục nhờ nhờ chứ không trong xanh như những khu vực khác. Và cách đó không xa là đường ống hút nước của Nhà máy Nước Hòa Bình - đối tác khai thác nước mặt sông Đà của Công ty cổ phần Nước sạch Vinaconex. Từ đây, hàng trăm nghìn mét khối nước mỗi ngày được chuyển đến… bữa cơm của hàng chục nghìn hộ dân Thủ đô. Thông tin này khiến nhiều người hoang mang bởi không hiểu đã có bao nhiêu chất độc hại bị hòa trong dòng nước sông Đà để phục vụ sinh hoạt hằng ngày của người dân Thủ đô…
Những lo lắng trên là hoàn toàn có cơ sở khi có kết quả phân tích mẫu nước ngầm của bãi rác Dốc Búng do Công ty cổ phần Môi trường đô thị Hòa Bình cung cấp năm 2013. Theo đó, mẫu nước này có đến 10 thông số vượt quy chuẩn, trong đó hàm lượng Colifom vượt đến 383 lần; BOD5 vượt 43,9 lần; COD vượt 41 lần; FE vượt 11,7 lần. Mẫu nước suối cạnh bãi rác có 13 thông số vượt quy chuẩn, tổng dầu mỡ vượt 133 lần, BOD5 vượt đến 54 lần…
Bãi rác Dốc Búng ngay sát Sông Đà nhưng chỉ được “xử lý” bằng chôn lấp không có vật liệu lót đáy. |
Tạm… thành chính!
Tìm hiểu thêm, chúng tôi được biết, bãi rác Dốc Búng thuộc địa phận phường Tân Hòa được đưa vào khai thác từ năm 2003 với diện tích khoảng 1,2ha; độ sâu trung bình từ 12 đến 14m, thay thế cho bãi rác Dốc Tức thuộc phường Hữu Nghị bị đóng cửa do quá tải. Vì chỉ được quy hoạch là bãi rác tạm nên bãi rác Dốc Búng không hề có công trình xử lý nào được xây dựng từ khi đi vào hoạt động cho đến nay. Cũng do đó, bãi rác này không có vật liệu lót đáy hay xử lý nước thải cục bộ, nước từ rác được thẩm thấu trực tiếp ra môi trường. Ban đầu dù chỉ được coi là "tạm" nhưng đến nay, sau 10 năm, bãi rác Dốc Búng trở thành bãi rác duy nhất của cả TP Hòa Bình và không ai biết nó còn phải duy trì tình trạng "tạm" này đến bao giờ?
Từ một thung lũng khá sâu, đến nay cả một khu vực rộng lớn của Dốc Búng không chỉ bị lấp đầy, mở rộng mà còn trở thành một núi rác khổng lồ với hàng triệu tấn rác. Nói như ông Trần Khắc Định - Giám đốc Công ty cổ phần Môi trường đô thị Hòa Bình trong buổi làm việc với phóng viên Báo Hànộimới thì: "Nếu có dây chuyền công nghệ hiện đại thì cũng phải mất hơn 3 năm mới đốt hết lượng rác cũ ở Dốc Búng". Năm 2007, Bộ Tài nguyên - Môi trường đã "xếp hạng" bãi rác Dốc Búng vào danh sách các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng cần phải xử lý triệt để theo Quyết định số 64/2003/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ năm 2003.
Theo điều tra của phóng viên, liên tục từ năm 2008 đến năm 2013, Công ty cổ phần Môi trường đô thị Hòa Bình đã bị Thanh tra Bộ TN&MT, Cục Cảnh sát phòng, chống tội phạm về môi trường (C49 - Bộ Công an), Thanh tra Sở TN&MT lập biên bản yêu cầu khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường tại khu vực bãi rác Dốc Búng, xử phạt vi phạm hành chính hàng trăm triệu đồng.
Về các khoản phạt, ông Định phân trần: "Chúng tôi bị tiếng oan. Thực chất, Công ty cổ phần Môi trường đô thị Hòa Bình chỉ là đơn vị làm thuê, có nhiệm vụ thu gom, chôn lấp rác thải trên địa bàn thành phố. Việc đặt bãi rác tạm ở đâu là do tỉnh và thành phố quyết định. Ngay sau khi dư luận lên tiếng về việc bãi rác Dốc Búng có nguy cơ gây ảnh hưởng đến nguồn nước mặt sông Đà, UBND tỉnh Hòa Bình đã họp để tìm biện pháp tháo gỡ. Tuy nhiên, đây là vấn đề lớn không thể làm trong một sớm một chiều. Ngân sách đầu tư cho lĩnh vực môi trường, xử lý rác thải rất thấp, nếu vội vàng, không tính toán kỹ sẽ gây lãng phí, việc đầu tư xây dựng khu chôn lấp xử lý rác thải Yên Mông là một ví dụ điển hình".
Nghe ông Định nói, nhóm phóng viên giật mình bởi thực tế Hòa Bình đã xây dựng một khu xử lý rác thải hiện đại, trên diện tích 23ha tại xã Yên Mông với số vốn đầu tư xấp xỉ 30 tỷ đồng nhưng chưa một lần đưa vào sử dụng.
Trong số báo sau, chúng tôi sẽ thông tin rõ hơn về dự án lãng phí tiền tỷ này, đồng thời nêu các giải pháp nhằm khắc phục tình trạng ô nhiễm tại bãi rác Dốc Búng, nơi đang từng ngày hủy hoại nguồn nước mặt sông Đà.
(Còn nữa)