Một năm khủng hoảng Ukraine: “Cuộc cách mạng” đầy trắc trở
Thế giới - Ngày đăng : 06:12, 24/11/2014
Từ khởi đầu ôn hòa, cuộc biểu tình đã biến thành đụng độ đẫm máu giữa những người ủng hộ chính sách thân phương Tây và lực lượng an ninh, dẫn đến sự sụp đổ của chính quyền V.Yanukovych. Những tưởng cái gọi là "cuộc cách mạng Maidan" này sẽ diễn biến giống kịch bản của Cách mạng Cam cách đây 10 năm, song trong bối cảnh nước Nga ngày nay không còn là nước Nga của một thập kỷ trước, những gì xảy ra trong thời kỳ "hậu Cách mạng Cam phiên bản 2" đang ngày càng gặp nhiều trắc trở và biến Ukraine thành một trận địa mới của cuộc đối đầu Đông - Tây.
Miền Đông Ukraine đang đứng trước một cuộc chiến toàn diện. |
Dấu hiệu về "bức màn sắt" vốn tồn tại trong thời kỳ Chiến tranh lạnh ngày càng hiện rõ trong quan hệ giữa Nga và các nước phương Tây khi hàng loạt lệnh trừng phạt được hai bên đưa ra nhằm trả đũa lẫn nhau trong cuộc tranh giành ảnh hưởng tại Ukraine. Tần suất của những tuyên bố cứng rắn cũng ngày một gia tăng. Đặc biệt, các lệnh điều binh, tăng cường lực lượng của cả Nga, Ukraine và Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) trong vài tháng gần đây đang biến bờ Bắc của Biển Đen trở thành "thùng thuốc súng".
Giữa lúc cuộc xung đột tại miền Đông Ukraine đang đứng trước một cuộc chiến tranh toàn diện giữa quân đội chính phủ và lực lượng đòi ly khai thì "cuộc đấu trí" giữa Nga với NATO cũng đang đứng trước những nấc thang mới. Ngày 23-11, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Jeff Rathke nói rằng, Washington có chung quan điểm với các nước đối tác Châu Âu trong việc áp dụng các biện pháp đối với Nga. Cái giá mà Nga phải trả có thể sẽ "đắt" hơn nếu nước này không tuân thủ các thỏa thuận. Hiện tại, Chính phủ Mỹ đang chịu sức ép về việc cung cấp vũ khí sát thương cho Ukraine nhằm giúp Kiev lấy lại thế thượng phong trong cuộc đối đầu với lực lượng ly khai. Nếu điều này xảy ra, cán cân lực lượng tại Biển Đen sẽ thay đổi. Chưa biết động thái này có giúp Kiev đảo ngược tình thế hay không nhưng chắc chắn quyết định đó nếu thành hiện thực sẽ khiến tình hình căng thẳng hơn giữa lúc Nga cũng tỏ thái độ vô cùng quyết đoán. Mátxcơva đã tăng cường các chuyến bay tuần tra của máy bay ném bom tầm xa dọc các khu vực biên giới và trên biển Bắc Cực, đồng thời duy trì sự hiện diện quân sự ở khu vực phía tây Đại Tây Dương và phía đông Thái Bình Dương cũng như vùng Caribbean và vịnh Mexico. Mới đây, Bộ Quốc phòng Nga còn cho biết đã triển khai lần đầu tiên biên đội tên lửa đạn đạo chiến thuật Iskander-M cho Quân khu Trung tâm của nước này, vốn phụ trách các khu vực sông Volga, Siberia và Ural.
Trong khi đó, một năm sau "cuộc cách mạng Maidan", những gì người dân Ukraine nhận được vẫn chỉ là mất mát, bất ổn và khó khăn. Niềm hy vọng vào một cuộc thay đổi ngoạn mục đang dần nhường chỗ cho những âu lo khi cái giá của cuộc khủng hoảng không chỉ là việc mất Crimea mà hệ lụy của cuộc xung đột lan rộng tại miền Đông đang ảnh hưởng nghiêm trọng đến cuộc sống thường ngày. Theo con số thống kê mới nhất, từ khi tiếng súng bắt đầu vang lên tại miền Đông đã có hơn 4.300 mạng sống bị cướp đi. Bên cạnh đó, xung đột tại khu vực được coi là trọng điểm của nền công nghiệp Ukraine là một đòn giáng mạnh vào nền kinh tế nước này. Hiện tại, Ukraine được cho là đang tiến sát bờ vực phá sản khi ngân khố trống rỗng, phải phụ thuộc vào những khoản trợ giúp tài chính từ nước ngoài. Món nợ khí đốt của Nga trị giá hàng tỷ USD vẫn chưa thể chi trả. Đồng nội tệ hryvnia đã mất giá 83% từ đầu năm, dự trữ ngoại tệ rơi xuống mức thấp nhất trong vòng 9 năm qua. Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) cho biết, chỉ trong tháng 10, dự trữ vàng của Ukraine đã giảm 1/3, từ 40 tấn xuống còn 26 tấn. Thực tế này là sức ép ghê gớm với chính quyền của Tổng thống Petro Poroshenko trong bối cảnh bất ổn về chính trị hiện nay. Tuy nhiên, vấn đề lớn nhất là tìm ra một "đơn thuốc" thực sự hiệu quả với cơn bệnh khủng hoảng vẫn là một ẩn số và đất nước bên bờ Biển Đen vẫn đang mỏi mòn trông chờ ánh sáng của ngày mới.